pnvnonline@phunuvietnam.vn
Truyện ngắn: Giấc mơ thị thành
Ảnh minh họa
Ngoài người, xe cộ, những ngôi nhà cao tầng thì ánh sáng là thứ thành phố nhiều vô kể. Đêm cũng như ngày, thị thành lúc nào cũng nhộn nhịp và rực sáng, lúc mới đặt chân đến đất này, khi lang thang dưới những ngọn đèn đường, Trân mới hiểu tại sao người ta gọi đây là "thành phố chẳng bao giờ ngủ".
Thành phố có thực sự thức cả đêm theo những ánh đèn xanh đỏ hay không, thực tình Trân cũng chẳng quan tâm quá nhiều, thứ mà nó đau đáu nhất là những con đom đóm. Phố lúc nào cũng sáng đèn, chẳng biết tìm đâu loài đom đóm thân thuộc nơi quê nhà.
Thành phố đón Trân bằng một cơn mưa tầm tã. Từ bến xe về phòng trọ của chị Nhàn trên chiếc xe máy cà tàng, hai chị em như bơi giữa biển nước, cả người ướt rượt từ chân đến đầu. Trân ngơ ngác, phố thị mà cũng bị lụt lội hệt như cái năm ở quê Trân sông vỡ đê, nước tràn vào làng.
Chị Nhàn cười, "rồi em sẽ sớm quen thôi". Chị Nhàn là chị họ, hơn Trân 7 tuổi. Sau khi học hết lớp 9, chị một thân một mình lên thành phố đi xin việc. Nhờ vậy mà đến lượt mình, Trân được chỉ cho từng bước để tồn tại ở thị thành này chứ không phải lần mò thân cô thế cô như chị ngày trước.
Trân chẳng biết cái sớm của chị Nhàn nói là bao lâu khi mà đã gần 2 tháng ở thành phố, Trân vẫn thấy xa lạ, lạc lõng và nhớ nhà đến da diết. Trân nhớ mẹ, nhớ thằng Tí và cả những con đom đóm ở quê.
Ngày Trân bắt xe lên thành phố, thằng Tí ôm chân, khóc ngằn ngặt đòi chị ở lại, làm Trân không kìm được nước mắt mà khóc theo. Mẹ đứng nhìn hai chị em ôm nhau khóc mắt cũng đỏ hoe, đến tận khi Trân lên xe, ngoái lại vẫn thấy thằng Tí rấm rứt.
Trân thương mẹ phải làm quần quật để lo miếng cơm cho cả nhà, mẹ làm nhiều đến mức mới ngoài bốn mươi tuổi mà đã trông khắc khổ như người sáu mươi, bảy mươi tuổi, lưng mẹ còng xuống, da nhăn nheo và in hằn những nhọc nhằn nắng mưa.
Sức khỏe của mẹ càng ngày càng yếu theo từng mùa lúa trổ bông, mùa ngô tra hạt, mùa rau thu hoạch. Vì vậy, khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Trân đã giấu nhẹm mà không nói cho mẹ hay.
Tờ giấy nhập học Trân cất sâu dưới đáy ba lô mang lên thành phố, những khi ở nhà một mình, không phải đi làm cô lại lôi ra xem. Trân thuộc làu đến từng dấu chấm, dấu phẩy, từng đoạn xuống dòng, từng nét in hoa, in đậm trong đó nhưng cô vẫn lôi ra đọc. Lần nào cũng vậy, đọc xong là Trân khóc, ước mơ của cô, ước mơ của bố gần thật gần nhưng chẳng thể nào Trân với tới.
***
Ngay từ bé, Trân đã mong được trở thành cô giáo. Lũ trẻ trong xóm có bài khó không giải được đều chạy qua nhà chị Trân nhờ giảng bài. Mỗi lần chải mái tóc đen dài của Trân, bố luôn bảo, tóc Trân rất hợp với mặc áo dài, bố chờ đến ngày được thấy con gái trên bục giảng dạy lũ học trò ê a tập đọc.
Nhưng bố chẳng kịp chờ đến ngày đó thì trận lũ lịch sử tràn vào làng đã cướp mất bố khỏi mẹ con Trân, năm ấy Trân 10 tuổi, còn thằng cu Tí mới chỉ đang nằm nôi được vài tháng.
Bữa đó mưa tầm tã, nước trong ao dâng lên mỗi lúc một cao, đàn cá chỉ mấy hôm nữa là có thể bán đang lăm lăm theo dòng nước lớn bơi đi mất. Số cá đó là toàn bộ những gì nhà Trân có nên bố mẹ như ngồi trên đống lửa, cầu trời tạnh mưa. Nhưng mưa mỗi lúc một to hơn.
Chẳng thể ngồi yên chờ cá đi mất, bố xách lưới đi quây ao, bất chấp sự can ngăn của mẹ, hòng vớt vát được chút rau cháo nào hay chút đó. Khi lưới mới chỉ kịp giăng nửa ao thì nước lũ bất ngờ ào về.
Lũ cướp sạch số cá và cả bố Trân theo dòng nước đi mãi, chẳng bao giờ về lại. Từ đó, mẹ thay bố làm cha, gồng gánh nuôi hai chị em Trân. Cũng từ đó, Trân thay mẹ chăm em Tí và lo toan cơm nước ở nhà.
Có lẽ biết thân phận mình sinh ra trong nghèo khó, thiếu vắng bố nên ngay từ khi còn bé, cu Tí đã rất ngoan, chẳng bao giờ quấy khóc hay đòi hỏi mẹ, chị phải mua thứ này, thứ kia như những đứa trẻ khác.
Bảy sào ba thước ruộng chẳng đủ để lo cho cả nhà nên mẹ Trân phải nhận làm thêm làm mướn. Một ngày của mẹ bắt đầu từ khi mặt trời vẫn còn say giấc ngủ, đất ướt đẫm sương đêm và kết thúc khi trời đã đen kịt.
Buổi sáng trước khi đi học, Trân sẽ mang em Tí sang nhà bà ngoại để nhờ bà trông em hộ, còn buổi chiều không phải đến trường, hai chị em quanh quẩn ở nhà trông nhau. Chiều mát, Trân thường dẫn cu Tí ra đồng để em chơi với đám cỏ gà trên bờ, còn Trân đi bòn chút rau má, rau bợ hay bắt con cua, con ốc về ăn cải thiện.
Nhà Trân ở cuối làng, ngay cạnh cánh đồng, đêm đom đóm lập lòe từng đàn bay quanh. Lần đầu tiên nhìn thấy chúng, em Tí đã khóc toáng lên vì sợ. Trân trấn an đủ kiểu mà thằng bé vẫn rúm ró như thể ai đánh đuổi.
Mãi đến khi Trân bảo đom đóm chính là vật dẫn đường để bố về thăm chị em mình, Tí mới thôi sợ hãi. Thằng bé sinh được mấy tháng thì bố mất nên ký ức về bố của nó chẳng có gì ngoài bức ảnh trên ban thờ và những câu chuyện kể vụn vặt của chị.
Mỗi khi nghe nhắc về bố, mắt nó lại long lanh, chăm chú lắng nghe. Từ sợ hãi, Tí yêu thích đom đóm lúc nào chẳng hay. Trân còn kể cho Tí nghe câu chuyện ngày xưa có một cậu bé nhà nghèo bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng gà để học bài, sau này thi cử đỗ đạt và làm quan to.
Tí nghe vậy cũng nằng nặc đòi Trân bắt cho kỳ được đom đóm cho vào vỏ trứng bắt chước học bài, nhưng nó chỉ háo hức một chút rồi thôi ngay khi những con đom đóm cứ yếu dần yếu dần, thậm chí có con bị chết. Nó thả những con đom đóm về lại đồng ruộng, nói "em không muốn linh hồn của bố đi mất"…
Đêm trước ngày lên thành phố, chị em Trân đã ngồi lâu thật lâu bên bờ ruộng, nhìn những con đom đóm bay lẫn trong bóng tối. Hai chị em ngồi bên nhau, có nhiều điều muốn nói nhưng rồi chẳng ai mở lời để mặc cho tiếng côn trùng rỉ rả kêu và gió lồng lộng thổi…
Bất ngờ cu Tí níu tay chị: "Chị lên thành phố, bố có biết đường tìm đến với chị để bảo vệ và chở che không?". Trân cười, ở đâu chẳng có đom đóm, bố lúc nào cũng ở bên chị em mình hết. Lúc trả lời Tí vậy, Trân đâu biết ở thị thành đèn sáng choang, đất đai thì bê tông hóa, lấy chỗ nào cho đom đóm sinh sống mà tìm.
***
Trân đã quen dần với công việc và nhịp sống hối hả của người thành phố. Chị Nhàn xin cho cô làm công nhân trong một xưởng may gần nhà. Ai cũng bảo làm công nhân may vất vả nhưng Trân thấy công việc nhàn tênh so với những gì mẹ phải làm dưới quê mà tháng lương gấp nhiều lần của mẹ. Dù Trân đã cố giấu, nhưng chị Nhàn vẫn tinh ý nhận ra trong ánh mắt Trân ẩn ức điều gì đó rất buồn...
Đêm hôm đó, sau khi ăn cơm xong, chị Nhàn bảo Trân ra ngoài với chị có chút việc. Trên chiếc xe máy cà tàng, chị Nhàn chở Trân qua những con phố sáng đèn, những cửa hiệu sang trọng bên trong những tòa nhà cao chót vót.
Đang miên man suy nghĩ thì xe đã dừng trước cổng một công viên rộng lớn giữa lòng thành phố. Chị Nhàn kéo Trân vào bên trong. Trân còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì thấy những con đom đóm bay đẹp tựa nơi quê nhà của cô.
Chị Nhàn bảo, "thành phố sáng đèn quá nên lũ đom đóm nép mình nơi những góc tối của công viên. Đất này xô bồ, vội vã vậy thôi chứ ai rồi cũng có một chỗ đứng cho mình, em hãy tiếp tục việc học hành, chị tưởng em không đậu đại học nên mới giới thiệu làm công nhân chứ nếu biết em trúng tuyển thì thiếu gì công việc khác cho em.
Gia sư, bưng bê chẳng hạn, tuy thu nhập không cao nhưng cũng phụ giúp em cáng đáng phần nào, có gì chị giúp thêm. Thị thành ráo hoảnh vậy thôi chứ cũng nhiều người tốt lắm, ngày chị lên đây được giúp đỡ nhiều, không lý gì chị lại không giúp được em".
Trân nghe chị Nhàn nói mà rơi nước mắt. Ước mơ của cô như đốm lửa sắp tàn bất ngờ bùng cháy lại. Trên đầu cô, những con đom đóm vẫn nhấp nháy như ánh cười của bố với cô. Thị thành vẫn đầy đom đóm.