Truyện ngắn: Tha hương

Phương Mai
05/12/2024 - 15:16
Truyện ngắn: Tha hương

Minh họa: Phạm Mạnh

Điện thoại reo, là Chinh gọi rủ anh đi nhậu mừng Vinh lên chức. Anh nhìn vợ anh tháo dây cột cánh con vịt xiêm, cho nó đi loăng quăng trong vườn, nói "không đi được". Tự dưng nhớ lời Thùy khi nãy, cảm thấy mình vẫn đang rất tha hương.

Đi công tác về, anh nghe tin Thùy mới ôm con về quê. Gọi điện hỏi, ai cũng nói một câu "nghe nói vậy", "nghe mang máng vậy". Anh gặng hỏi còn nhận được câu trêu ngược "vẫn còn thương người ta hay gì?". 

Anh cúp máy, tự dưng thở dài, nhìn vợ đang lui cui dưới bếp hẳn muốn nấu thêm món gì đó khi thấy anh về. Nếu không có anh, vợ con đã được ăn tối từ nãy.

Anh vừa đến quán thì Chinh, Vinh đã dừng xe ngay phía sau. Hai người họ còn ghẹo nhau "đi nhậu nên đi sớm dữ", còn gì mà "mấy lần gọi họp mặt, ông dềnh dàng nửa ngày có chịu đến đâu". Rồi hai người cười xòa như chuyện đã quá quen.

Trong đám bạn học cũ, anh không thân với ai. Ngày đi học thì có nhưng ra trường, anh vào Nam và ở lại lập nghiệp. Cả năm gặp đám bạn một lần, có khi không gặp lần nào nên cũng trở nên nhạt dần. Anh chỉ biết tin người này qua người kia, thì cũng mấy tin như Chinh lấy vợ, Vinh xây nhà, Tú được lên chức... 

Ba năm trước, cha mẹ anh kêu về nhà cho gần. Chuyện báo hiếu, anh không thể từ chối, vợ anh cũng muốn về. Hai vợ chồng cùng quê, nhà cách nhau ba chục cây số, anh gần cha mẹ thì vợ cũng gần cha mẹ nhưng ngặt cái là về thì dễ, làm gì để sống mới khó.

Trong này, anh có căn hộ chung cư sáu mươi lăm mét vuông, một cái xe hơi đủ che mưa nắng cho gia đình bốn người. Vợ làm ở công ty nhỏ để gần các con, anh dân công trình nay đây mai đó, khi Tây Nguyên, khi miền Tây, miền Đông. Về thì quyết định về rồi đó, nhưng ráng tới hè cho đám con học xong lớp. Với lại anh muốn về trước thăm dò công việc ra sao.

Nghe tin anh quyết định về, đám bạn anh cũng ủng hộ. Nói gì thì gì cứ về gần nhà là nhất. Anh mời cả đám bạn đi nhậu, nói chuyện và nhờ để ý xem có việc gì cho hai vợ chồng làm thì giới thiệu. 

Khi ấy, có khi anh vô tâm không chú ý, thấy Vinh lảng đi khen món ếch chiên bơ quán này ngon, lát phải mua về cho vợ con ăn thử. Chinh cũng gật gù nói, thời đại của rượu ngoại mà quán lá này còn xài rượu nút lá chuối mà bén ghê. 

Chỉ có An nói anh đến khu công nghiệp xem thử, mấy nơi đó luôn tuyển người. Rồi An nói, khi nào có việc làm chắc chắn rồi hãy về. Thành phố này phát triển vậy đó nhưng cũng còn nhiều cái khó lắm. Vinh chống cằm nghe, chợt nói: "Hay ông hỏi thằng Tú xem, nó giờ là giám đốc, chắc quen biết nhiều".

Anh đi đi về về hai lần nữa, cuối cùng xin được việc cho vợ ở khu công nghiệp gần nhà. Là tự xin chứ không nhờ ai, dù Tú là giám đốc, Vinh là trưởng phòng kinh doanh trong đó. Còn anh thì vẫn làm ở công ty cũ, vẫn rày đây mai đó.

Tối nay, anh gọi điện thoại cho An. Nói chuyện qua điện thoại mấy câu, anh thấy không ổn nên hẹn gặp, không nghĩ An lại gọi vòng vòng thêm mấy người nữa. Anh hỏi chuyện về Thùy, An nói Thùy mới ly hôn, hai vợ chồng có đứa con gái bốn tuổi. 

Hai mẹ con Thùy quyết định về ở với bố mẹ. Ngày xưa Thùy lấy chồng về miền Tây, chẳng có anh em bạn bè gì. Chinh cười cười: "Ông quan tâm bạn bè quá ta. Đừng nói là còn vương vấn nha!". 

Anh dằn cái chén xuống bàn, rượu sánh tràn ra bàn, mấy bữa nay, anh phải nghe không ít những câu tương tự. Chợt nghĩ, bạn bè là gì, là có thể bới móc nhau và coi là lời đùa cợt vì đã quen nhau quá lâu?

Anh nhìn An, người cho anh lời khuyên ngày anh mới về. Anh cảm thấy An đáng tin nhất trong những người từng nhậu với anh, từng là bạn. An đến giờ vẫn chỉ là một anh thợ máy, không quyền thế, chức tước, một vợ hai con, sống trong ngôi nhà do bố mẹ vợ cho. 

Ngày đi học, ai cũng như ai, con trai đứa nào chẳng có tính nghịch phá, vào đời rồi mới phân loại được rõ ràng. Hồi con gái, Nam bị bệnh phải vào Sài Gòn, chính An gọi điện cho anh báo tin để anh chạy tới. 

Khi thấy anh, Nam còn ngạc nhiên vì trước đó, anh và Nam không thân, chẳng mấy khi nói chuyện. Có gặp cũng là gặp trên bàn nhậu. Rồi khi vợ chồng Nam quyết định chuyển vào Sài Gòn sinh sống để tiện chữa bệnh cho con, anh cũng mách cho Nam nên mua nhà ở đâu để tiện đi lại, xin việc cho vợ Nam gần nhà tiện đưa đón con.

"Công ty vợ tui đang tuyển người, ông hỏi Thùy có tính đi làm ngay chưa, chuẩn bị bộ hồ sơ đi", anh nói với An. Anh không muốn đến nhà Thùy. Thùy lúc này đang ở giai đoạn nhạy cảm. Phụ nữ dù bị chồng bỏ hay bỏ chồng cũng là người có lỗi. 

Đến đám bạn học còn nghĩ vậy, nói gì người ngoài. Chinh giả lả: "Tui nói này, tới tuổi này mà ông không lo được cho vợ con mà để vợ phải đi làm?". Anh nhìn Chinh, nửa đùa nửa thật: "Vợ tui cần phải đi làm, một là kiếm tiền để chi tiêu, để được độc lập và hai nữa là để đề phòng khi giống Thùy bây giờ. Ông thử nói coi, nếu giờ vợ chồng ông ly hôn, ông chia cho vợ ông bao nhiêu nhà, bao nhiêu tiền?".

Chinh xạm mặt, hẳn chưa khi nào Chinh nghĩ đến chuyện đó, mà cuộc sống thì đâu ai biết ngày mai thế nào. Khi vợ nói muốn đi làm, chuyện con cái sẽ thu xếp ổn thỏa, anh đồng ý ngay. Lương vợ muốn chi dùng sao tùy vợ. 

Hồi anh quyết định mua căn hộ chung cư, anh chưng hửng khi thấy vợ chìa ra mấy cây vàng cùng cuốn sổ tiết kiệm nói đó giờ vợ dành dụm. Khi ấy anh còn đùa, vợ dành dụm được vàng, anh dành dụm được vợ con.

Ngày đi học, nhà Thùy nghèo nên thường đi bộ hoặc đi ké xe bạn. Nhà An khi ấy gần nhà Thùy nhất nhưng nhà An cũng không khá hơn. Xe đạp của An là xe tự lắp, nặng trịch và nay hư mai hỏng. 

Thêm nữa, An còn phải chở em gái đến trường. Khi đó, thi thoảng anh hay vòng xuống nhà An. Mẹ An bán xôi sáng rất ngon nhưng ngược đường. Hôm nào quởn quởn, anh mới chạy đến mua và cùng An đi học, sẵn tiện chở Thùy đi cùng. 

Ba năm học, nếu tính chi li thì anh chở Thùy chưa tới hai chục lần, lần nào cũng có An kè kè. Hồi chia tay, Thùy tặng anh cuốn sổ tay tự làm, anh nhận rồi bỏ đâu mất. Hồi Thùy lấy chồng, anh cũng không biết vì còn bận học, bận làm thêm tối mắt. 

Sau này mới hay tin Thùy theo chồng về miền Tây, anh còn đùa "tưởng mình tui chạy xa nhất, ai dè bà Thùy chân còn dài hơn chân tui". Những Tết anh về, có đi họp lớp cũng không gặp Thùy.

Một lần nữa, anh kéo An ra quán. Lần này chỉ có mình An, anh nói thẳng là anh không muốn ngồi chung với ai khác, vì anh chán không khí nhạt toẹt, hời hợt khi đông người. An kể, từ ngày học xong cấp ba, An và đa phần bạn bè học gần nhà, ra trường rồi đi làm cũng gần nhà.

Cũng như anh, chỉ khi Tết họp lớp, họ mới gặp nhau, góp ít đồng vào quỹ rồi rủ nhau đi nhậu. Từ khi anh về, tần suất gặp mặt mới nhiều lên. Hồi anh nói nhờ tìm việc cho vợ hay cho Thùy như đang làm khó nhau. Nên khi anh hỏi về Thùy, mọi người càng tin là anh và Thùy "còn gì đó".

Anh xoay xoay ly rượu nhỏ. Ở tuổi anh, bạn bè lên chức giám đốc hay trưởng, phó phòng là bình thường. Những cuộc nhậu xã giao cũng bình thường, nhưng để ý quan tâm bạn bè lại thành bất thường, nhất là họ đã quá quen đường đi nước bước ở thành phố này. 

Thế mà hồi anh nói sắp về, họ còn nói về gần nhà, có bè có bạn. Hóa ra, bè bạn ở đây là bạn nhậu. Chấm hết.

Cuối tuần, anh đang cheo leo trên mái nhà thì Thùy đến, chở theo con gái, phía sau xe còn chở theo cái thùng nhựa màu trắng. Cuộc hôn nhân không như ý không làm Thùy trở nên yếu đuối hay sợ sệt. 

Thùy làm ở công ty sát bên công ty vợ anh. Thi thoảng Thùy chờ vợ anh ở cổng, chìa cho gói xôi, nói xôi này má An nấu, ngày xưa anh thích ăn. Con gái có ngoại đưa đón nên ngoài giờ làm, Thùy còn nhận việc làm thêm ở cửa hàng bán quần áo. 

Có lần chạm mặt bạn bè, người hỏi "bà làm ở đây à?", người ngó lơ. Thùy cười cười: "Khi ấy tui thấy quê hương chát nghí ông ơi! Hồi còn trong đó, mỗi lần về là thấy tụi nó í ới tụ tập khí thế lắm". 

Anh cũng cười: "Tụi mình đi xa, khi về là khách, tụi nó là chủ nhà. Chủ nhà có nhiều mối quan hệ cần xử lý, nhiều công việc cần giải quyết. Nghĩ vậy đi cho khỏe bà ơi!".

Thùy lôi trong thùng ra con vịt xiêm to cộ, nói bà ngoại con bé nuôi được. Ngoài con vịt còn có bịch măng tre ngâm chua, mớ dưa leo mới hái cùng bịch đậu phộng còn nguyên đất. "Thì tui có nói gì đâu, tuy nhiều khi cũng tủi thân, cảm thấy mình tha hương ngay trên quê hương mình".

Rổn rảng một lúc, hai mẹ con Thùy vội vàng về. Con bé được tặng con gấu bông chắc vui lắm nên ôm rất chặt. 

Điện thoại reo, là Chinh gọi rủ anh đi nhậu mừng Vinh lên chức. Anh nhìn vợ anh tháo dây cột cánh con vịt xiêm, cho nó đi loăng quăng trong vườn, nói "không đi được". Tự dưng nhớ lời Thùy khi nãy, cảm thấy mình vẫn đang rất tha hương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm