Truyện ngắn: Trầm cảm sau sinh

Ngô Nữ Thùy Linh
16/03/2025 - 11:13
Trước mắt anh, Miên rũ rượi và thê thảm đến tội nghiệp. Khi nghe mọi người kể lại, anh chỉ biết ôm Miên vào lòng, trấn an tinh thần cho cô. Anh nhẹ nhàng khuyên nhủ Miên để con lại cho bà ngoại chăm, anh sẽ đưa cô đi bệnh viện thăm khám, lấy thuốc điều trị.

Miên thả nhẹ thân hình xuống chiếc giường sau khi đã vật lộn với một mớ hỗn độn sữa, tã, bỉm, dọn dẹp đống quần áo của đứa nhóc. Đầu óc cô rối bời, dường như mọi uất ức ban sáng đã bắt đầu len lỏi vào đầu của Miên, cô thấy tưng tức ở ngực mặc dù hai bầu sữa cô vừa vắt kiệt. Nằm xuống cũng thấy bất ổn, nhìn sang thằng nhóc đang ngủ ngon lành, nước mắt cô chảy ào ạt, chưa bao giờ cô thấy tâm trạng mình tồi tệ đến vậy. 

Càng nhìn con, cô lại càng cảm thấy mình tội lỗi, cảm giác phụ nữ sinh ra trên đời này đều thật khổ. Họ đã phải mang nặng đẻ đau, chịu những hành hạ từ tuổi dậy thì cho đến khi lấy chồng, sinh con, và những nhọc nhằn đè nặng lên. Chưa bao giờ cô cảm thấy mình tệ hại như lúc này, bản thân tã tượi, người tròn xoe sau một tháng sinh con, làn da trắng ngần, săn chắc ngày nào bây giờ là những vết rạn, sạm đen ở bẹn, đùi, mông. Bụng cô vẫn căng ra như hồi bầu năm tháng. Bao nhiêu cơn buồn chán cứ ập đến, hành hạ trái tim bé nhỏ của Miên.

Có tiếng nhỏ nhẹ của mẹ ruột:

- Miên ngủ hả con, mẹ vào được không?

Miên không trả lời, cô vội vàng lau giọt nước mắt, nhẹ nhàng bước xuống giường, khe khẽ để thằng nhóc không tỉnh giấc. Cô mở cửa, nở nụ cười như chưa có chuyện gì xảy đến.

- Mẹ hỏi con việc gì sao?

- Mẹ không, chỉ muốn hỏi xem con thích ăn món gì, mẹ đi chợ nấu cho con ăn cho có sữa để em bé bú. Tầm này cũng chỉ ăn được thịt heo và các loại rau mát mẻ. Mai mốt vết mổ lành lặn hơn, mẹ mua thêm đồ tẩm bổ cho con.

Nhìn dáng mẹ nhỏ nhắn, loay hoay với công việc chăm cháu cả ngày, Miên lại chực trào nước mắt. Bao lâu rồi, cô đã không chăm chút được cho mẹ, chỉ có mẹ quày quả, chăm lo cho cả hai mẹ con từ lúc Miên vượt cạn đến nay. Cô chợt buột miệng:

- Hay là... con ly hôn mẹ ơi?

Mẹ khựng lại một nhịp, đang chuẩn bị khoác áo vào đi chợ, bà buông tay, nắm lấy bàn tay đang run lên của Miên, giọng nghẹn ngào:

- Sao nào, sao nào, nói mẹ nghe, con ấm ức điều gì, sao tự nhiên đòi ly hôn. Bây giờ chồng không có nhà, mai mốt được phép, nó vẫn về chăm bẵm con và cháu, mình nghĩ quẩn như vậy không được nghe con.

Nước mắt Miên lại ào ạt, cô như muốn gào lên:

Trầm cảm sau sinh- Ảnh 1.

Hình minh họa

- Tại sao mẹ phải chịu đựng, tại sao? Sáng nay mẹ chồng con đã chạy xuống đây, gào lên như ai cấu, chỉ vài bước chân thôi, bà ấy đã có thể bế thằng nhóc lên nựng nịu. Nhưng không, bà ấy không làm. Bà ấy đã đứng ngoài cửa, chửi đông đổng vào mặt mẹ, vào mặt con và cả đứa con con mới sinh đấy, mẹ chịu nổi sao?

Dường như thấy Miên quá kích động, mẹ cô ôm cô vào lòng, vỗ về. Bà linh cảm về một điều không lành. Trước khi từ quê vào chăm bẵm cô những ngày sinh nở, bà đã tìm hiểu rất kĩ về cuộc sống của mẹ bỉm, về chứng trầm cảm mà thời gian gần đây các bà mẹ trẻ mắc phải. Bà nhẹ nhàng kéo cô ngồi xuống, pha cho cô một ly sữa nóng ấm, lựa những lời an ủi để không kích động Miên lúc này.

***

Đêm dài vô tận, bà ngoại một tay bế cháu khóc ngằn ngặt, ánh mắt vừa dõi theo Miên xem cô đang làm gì. Lúc này, cô đang lúi húi trong nhà vệ sinh, cọ rửa từng món đồ trong đó. Chưa chán, cô lại cầm điện thoại nhắn tin cho chồng, kêu anh về để chăm bẵm cô và con những lúc này. Biểu hiện của Miên không bình thường, nhưng lúc này nếu cáu gắt hay làm một điều gì đó kích động đến trạng thái tâm lý của Miên, mẹ cô sợ cô sẽ không đủ tỉnh táo để tiếp tục hành trình với đứa con nhỏ. Nước mắt bà ứa ra, thương cảm cho đứa con mình từng rứt ruột đẻ ra, bao năm học hành ngoan ngoãn, luôn là đứa con được bà tự hào, nay lấy chồng, sinh con, có lẽ bao áp lực đã dồn nén trên đôi vai bé nhỏ của nó.

Mới sáng nay thôi, khi linh cảm sức khỏe của Miên không tốt, bà đã chủ động liên hệ với anh chị của Miên gần đó, để có người hỗ trợ trong lúc cháu quấy khóc. Bà cũng điện cho chồng Miên, dặn anh có thể tranh thủ về phép được thì xin đơn vị về chăm bẵm Miên mấy hôm. Nhưng mẹ chồng Miên thì không, khi nghe tin Miên ốm, bà chẳng biết cô bị gì, chỉ tức tốc chạy xe từ nhà xuống. Vừa đậu xe ngoài ngõ, bà đã hộc tốc chạy vào nhà, đứng trước cửa nhà và chửi đông đổng. Bà chẳng cần biết lí do là gì, chỉ biết trước lúc Miên từ bệnh viện về, cô kêu ca thời tiết nóng, và không chịu mặc bộ đồ dài, đeo tất và bịt bông tai. Bà trách mẹ Miên không biết cách chăm người ở cữ, rồi cứ một hơi như thế bà đứng đầu ngõ tuôn ra, xong đâu đấy lại lên xe chạy về mà không để ý đứa cháu đang khóc ngặt nghẹo trong nhà.

***

Làm phụ nữ khổ anh nhỉ? Giá như em được là đàn ông.

Miên đã thủ thỉ những lời như thế vào tai chồng khi anh hối hả từ đơn vị về chăm lo cho cô những ngày cô vật vã với chứng trầm cảm sau sinh. Trước mắt anh, Miên rũ rượi và thê thảm đến tội nghiệp. Khi nghe mọi người kể lại, anh chỉ biết ôm Miên vào lòng, trấn an tinh thần cho cô. Anh nhẹ nhàng khuyên nhủ Miên để con lại cho bà ngoại chăm, anh sẽ đưa cô đi bệnh viện thăm khám, lấy thuốc điều trị.

Thằng bé cắt sữa mẹ từ lúc Miên chịu uống thuốc. Nó còi cọc, bụng bỏng beo, o oe đến tội nghiệp. Biết làm sao được, hội chứng trầm cảm có thể đến bất cứ lúc nào, kể cả người bình thường, nhưng nếu chịu nhiều áp lực công việc hay bị ai đó chèn ép, một cú sốc tâm lí... đều có thể mắc phải. Huống hồ gì đối với Miên, một người phụ nữ vừa mới sinh con với bao nhiêu áp lực tiền bạc, sữa tã, việc chăm bẵm cho con... chưa kể đến những áp lực từ phía mẹ chồng, khi bà chẳng mảy may chịu hiểu vấn đề bệnh tình của Miên xuất phát từ đâu. Bà chỉ nghĩ đơn giản, chắc Miên bị như thế là không chịu kiêng khem từ những ngày đầu mới xuất viện về nhà. Thời tiết nóng nực mà cô cứ phơi phới, lúc nào cũng kêu khó chịu nên không mặc áo quần dài tay, đi tất. Bà nào đâu biết cô vì suy nghĩ về chuyện nuôi con nhỏ, chuyện lấy lại vóc dáng sau sinh, rồi chồng xa nhà nhiều ngày, chẳng có ai giúp đỡ. Chỉ vậy thôi đã khiến cô xoay vòng trong mớ hỗn độn, chính cô đã để mình rơi vào tình trạng trầm cảm lúc nào không hay.

***

Những ngày tháng Ba rộn ràng đã gõ cửa ngoài kia. Lúc này, sau một đợt điều trị thuốc, Miên đã trở lại bình thường. Các chị em trong cơ quan sắp xếp thời gian đến thăm, động viên tinh thần cho Miên nhiều hơn. Cô chuẩn bị hành trang đi làm, sau những ngày ủ rũ ở nhà nghỉ thai sản. Dường như sau một thời gian nghỉ ngơi, cô nhận ra nhiều thứ, kể cả việc cô ốm vật vã sau sinh, về những điều mà xưa nay cô chưa từng nghĩ đến về thân phận người phụ nữ. Có con rồi cô mới hiểu được những vất vả, gian khổ mà người làm mẹ như mẹ cô đã từng trải qua. Thỉnh thoảng trong đầu cô lại vẩn vương ý nghĩ "cũng làm mẹ như nhau, sao mẹ chồng cô khắc nghiệt và không chịu hiểu chuyện đến vậy". Mỗi người phụ nữ sinh ra trên cuộc đời, đã từng nếm trải những vất vả thì phải thấu hiểu, cảm thông cho nhau.

Cô nhớ sau những ngày giày vò ở nhà, thấy con bụ bẫm, ngoan ngoãn, cô cũng dần dà thấy trong người thoải mái hơn. Lại nghĩ đến những người làm mẹ trẻ ngoài kia, với thời buổi hiện đại này, "trầm cảm sau sinh" không còn là điều gì đó quá xa lạ nữa. Nhưng cô vẫn mong gặp gỡ, trao đổi với những người thân, bạn bè, để họ hiểu hết được những gì mà người phụ nữ đã phải trải qua. Thấu cảm và yêu thương bản thân mình nhiều hơn.

***

Dâu lên nhà chơi, mua cho mẹ chiếc chảo chiên nhé, cái chảo nhà hư rồi.

Mẹ bảo chồng con mua cho, con bận chăm cháu, không lên liền được đâu, con còn phải đi làm nữa.

Được rồi, được rồi, bao giờ con rảnh, con mang lên cũng được, mẹ chờ được mà.

Miên đã suýt cáu lên khi mẹ chồng điện thoại nhờ cô mua đồ. Dường như bao dồn nén bao lâu nay cô vẫn chưa giải tỏa được. Nhưng khi nghe giọng mẹ chồng "xuống nước", cô lại thấy lòng mình lấn cấn.

Có lẽ thời gian là "liều thuốc" trả lời nhiều câu hỏi, trong đó có những thứ tha, cảm thông và cả những yêu thương cần có.

Miên áp điện thoại vào ngực, nghe lòng mình miên man, diệu vợi...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm