Truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ, phấn đấu giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc

Văn Trí
09/10/2022 - 18:00
Truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ, phấn đấu giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh minh họa

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, UBND tỉnh Điện Biên đặt ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2022, giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, phía Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với cả 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, là cửa ngõ giao thương của khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào thông qua cửa khẩu Quốc tế (Tây Trang - Pang Hốc), cửa khẩu Quốc gia (Huổi Puốc - Na Son) và nhiều lối mở biên giới; Giao thương với tỉnh Vân Nam Trung Quốc thông qua lối mở (A Pa Chải- Long Phú), hiện đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ thủ tục để nâng cấp lên cửa khẩu song phương, có sân bay Điện Biên Phủ đã có đường bay Điện Biên - Hà Nội, Điện Biên - Thành phố Hồ Chí Minh và đang được nâng cấp mở rộng.

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tính thương mại hóa trong sản xuất nông nghiệp tương đối cao. Điện Biên có nhiều đặc sản có chất lượng cao để khuyến khích thu hút các doanh nghiệp nhà đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh Điện Biên đã đặt mục tiêu đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững. 

Tăng cường kết nối, giao thương

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn, cho biết: Với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh Điện Biên với người tiêu dùng, tạo sự phát triển bền vững, ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất, định hướng xuất khẩu trong thời gian tới; hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo sản xuất một số sản phẩm có thế mạnh của tỉnh. 

Cụ thể như: tập trung, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu gạo Điện Biên theo hướng sản xuất sản phẩm hữu cơ sạch, có chất lượng cao; phát triển các sản phẩm chè, cà phê theo hướng tập trung thâm canh mở rộng diện tích, liên kết với các HTX, các doanh nghiệp; tập trung phát triển cây macca trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh trồng được khoảng 40.000 ha, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có khoảng 80.000 -100 ngàn ha trồng tập trung, trong đó có khoảng 30.000 ha cho thu hoạch quả ổn định, đưa Điện Biên trở thành thủ phủ macca của cả nước. 

Truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ, phấn đấu giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên Phạm Đức Toàn phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022.

Tuy nhiên, do năng lực sản xuất nội tại còn hạn chế cùng với điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn nên việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn có kết quả rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mong muốn. 

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn mong muốn nhận được sự hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản và hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Điện Biên vào tiêu thụ ổn định trên thị trường; thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nông, lâm sản của tỉnh Điện Biên góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Điện Biên trở thành các sản phẩm quen thuộc của người tiêu dùng trong cả nước; hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế cho cán bộ công chức, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

Công tác truyền thông phù hợp

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến hết năm 2022 là phấn đấu giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 5.500 lao động là người dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho khoảng 6.300 lao động là người dân tộc thiểu số... 

Truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ, phấn đấu giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc - Ảnh 2.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 trên địa bàn tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ giảm 5% tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh minh họa

Để thực hiện Chương trình, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động triển khai Chương trình; chỉ đạo chính quyền cơ sở phổ biến đầy đủ các chính sách, cơ chế, quy định đến cộng đồng dân cư, người dân tham gia thực hiện Chương trình; tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư, người dân tham gia giám sát thực hiện Chương trình theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng được chú trọng: Thực hiện tốt công tác truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức, quan điểm của đồng bào các dân tộc thiểu số về định hướng, chủ trương, đường lối của Đảng và cơ chế, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm