pnvnonline@phunuvietnam.vn
TS y khoa phân tích sai lầm chết người trong vụ bớt xén vật tư y tế ở Bệnh viện Xanh Pôn
Liên quan đến vụ nhân đôi test thử nghiệm HIV và Viêm gan B, xảy ra tại BV Xanh Pôn (Hà Nội), TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư (City of Hope, California, Mỹ), đã có bài viết về vấn đề này. PNVN xin giới thiệu cùng độc giả.
Trong vụ việc vừa xảy ra ở BV Xanh Pôn, trên có 2 vấn đề:
Thứ nhất là xét nghiệm sử dụng phương pháp "que thử" nhưng bị kỹ thuật viên cắt làm đôi.
Thứ hai, xét nghiệm sử dụng phương pháp "Elisa" và kỹ thuật viên đã trộn 4 mẫu máu của 4 người để thử 1 lần.
Trước hết chúng ta nên hiểu tổng quát cơ chế của cả 2 phương pháp trên là phát hiện "kháng nguyên" của virus HIV hoặc virus viêm gan B (HBV) có trong máu người bệnh bằng các "kháng thể" tương ứng được gắn sẵn trên "que thử" hoặc "đĩa xét nghiệm Elisa". Kết quả phát hiện các virus trong máu người bệnh dựa trên sự bám của "kháng nguyên" vào "kháng thể" trong các xét nghiệm.
Về phương pháp "que thử"
Cơ chế thực hiện như sau: Mẫu thử sẽ được nhỏ lên vị trí màu vàng bên tay trái (hình trên cùng, bên trái), mẫu thử này sẽ thấm dần qua bên phải theo lực mao dẫn (có thể có sự hỗ trợ của một số loại dung dịch đệm để mẫu chạy tốt hơn).
- Khi mẫu qua khu vực có chứa kháng thể thứ 1 (màu đỏ) nếu trong dịch của bệnh nhân có chứa kháng nguyên virus thì kháng nguyên này sẽ bám vào kháng thể thứ 1 và phức hợp kháng nguyên- kháng thể này sẽ bám tiếp vào kháng thể thứ 2 tại vạch thử nghiệm "test line".
- Ngoài ra, vì lượng kháng thể 1 ở vùng màu đỏ đã được nhà sản xuất tính toán và cho nhiều hơn số lượng kháng nguyên có thể có trong dung dịch thử nên sẽ có một số lượng kháng thể thứ 1 trôi một mình (không có kháng nguyên) và bám vào kháng thể khác ở vạch đối chứng "control line". - Trên kháng thể 1 thường đã được gắn sẵn với một enzyme có khả năng làm chuyển màu hóa chất được để sẵn ở vạch thử "test line" và vạch đối chứng "control line" khi kháng thể này được cố định tại vị trí vạch đó trong một khoảng thời gian (thường là 10-15 phút).
- Theo nguyên tắc thì vạch đối chứng "control line" phải nhìn thấy được" thì chứng tỏ điều kiện thử nghiệm ok, kết quả ở vạch thử "test line" mới tin tưởng.
Quay lại vụ việc ở BV Xanh Pôn, thì tất nhiên là việc đọc que thử nguyên vẹn vẫn dễ dàng và rõ ràng hơn việc đọc que thử bị cắt làm đôi vì kích thước của các vạch sẽ to hơn và rõ ràng hơn. Khi cắt que thử làm đôi, kỹ thuật viên chỉ đọc sai kết quả khi họ không thấy "vạch đối chứng" (control line) mà vẫn đọc kết quả (điều này khó xảy ra) hoặc "mắt kém" không nhìn được vạch nhỏ có kích thước phân nưa vạch bình thường (xác xuất này cũng nhỏ). Tuy giải thích này có thể làm các bạn bớt lo về xác xuất kết quả sai trong xét nghiệm que thử bị cắt đôi nhưng cũng không thể là lời bào chữa cho vụ việc này vì bệnh nhân đã trả đủ tiền để làm một xét nghiệm "đúng tiêu chuẩn" nhưng các kỹ thuật viên lại tự ý hạ tiêu chuẩn này xuống. Chuyện này vẫn phải nên được xem là lừa đảo và cần được trừng trị bởi pháp luật.
Đối với xét nghiệm thứ 2 sử dụng phương pháp "Elisa"
Trong trường hợp này kháng thể được phủ đều trên bề mặt của từng giếng thí nghiệm trong đĩa (mỗi đĩa có 96 giếng).
Khi bỏ mẫu thử nghiệm của bệnh nhân vào nếu có càng nhiều kháng nguyên virus bám lên kháng thể trên đĩa thì khi đến giai đoạn cuối của quá trình giếng thí nghiệm đó sẽ chuyển màu vàng càng đậm.
- Độ vàng đậm của giếng thí nghiệm sẽ được đọc bằng máy để ra những con số cụ thể và sẽ dựa trên các "con số chuẩn" để biết được mẫu đó là dương tính (có virus) hay âm tính (không có virus).
Do vậy, việc trộn 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân để làm 1 xét nghiệm là một sai lầm nghiêm trọng vì sẽ làm mẫu máu của mỗi bệnh nhân bị pha loãng đi 4 lần. Nếu cả 4 người đều dương tính thì lượng kháng nguyên virus trong mẫu hỗn hợp còn dễ thấy được nhưng nếu chỉ 1 người dương tính trong 4 người thì tín hiệu sẽ rất thấp và dễ xảy ra hiện tượng "âm tính giả" (nhiễm bệnh nhưng xét nghiệm không ra!).
Với sai lầm nghiêm trọng này tôi nghĩ cách tốt nhất là BV nên sắp xếp kiểm tra lại cho tất cả những người đã nhận kết quả âm tính từ các xét nghiệm Elisa có tính chất "lừa đảo" này!
Nói chung, mỗi loại xét nghiệm lâm sàng hiện nay thường được thực hiện bằng những bộ kít mua từ các công ty nổi tiếng và có uy tín trên thế giới. Các công ty này để ra được các sản phẩm thương mại hóa và có độ tin cậy trên toàn thế giới họ đã phải chuẩn tất cả các thông số và các bước trong quá trình làm rất cẩn thận. Họ luôn đề nghị người sử dụng không được thay đổi quy trình (nhất là trên người) để ra được kết quả chính xác. Do vậy, việc tự ý thay đổi những bước trong xét nghiệm của phòng xét nghiệm BV Xanh Pôn khi người bệnh nhân đã đóng đủ tiền để được xét nghiệm "đúng tiêu chuẩn" là hành động không thể chấp nhận được, có khả năng đem lại những nguy cơ khôn lường với những trường hợp "âm tính giả".
Các bạn đã từng nghe câu nói "đã SIDA còn xông pha đi hiến máu" thì các bạn có thể hình dung được hậu quả của những việc lừa đảo y tế như thế này rồi đó!
Liên quan đến việc bớt xén hóa chất vật tư trong xét nghiệm, BV Xanh Pôn đã đình chỉ 3 nhân viên y tế. Đây là những nhân viên đã cắt đôi que thử test nhanh HIV và viêm gan B để test cho các bệnh nhân. Như thế, mỗi que thử thay vì chỉ test được một người thì nhân viên cắt đôi test cho hai người.
Ngay trong sáng ngày 10/12, UBND TP. Hà Nội, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc, yêu cầu Sở Y tế Hà Nội xác minh, làm rõ.
Phía BV cũng khẳng định, BV không có chủ trương, không chỉ đạo cắt đôi que thử nhanh HIV tại khoa Vi sinh Y học.