Tự chủ đại học không có nghĩa muốn mở ngành đào tạo nào cũng được

13/06/2018 - 07:05
Nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại khi dự thảo Luật Giáo dục Đại học cho các trường tự chủ mở ngành dễ dẫn đến “quá đà” mà không có sự kiểm soát từ các cơ quan nhà nước cũng như bộ chủ quản.

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chiều 12/7, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc quy hoạch mạng lưới ngành đào tạo. Theo ông, làm tốt quy hoạch, sẽ tránh được hiện tượng “thừa thầy thiếu thợ”, đặc biệt là hạn chế tình trạng hàng trăm nghìn sinh viên thất nghiệp hiện nay.

mao.jpg
Đại biểu Trần Văn Mão quan tâm đến cơ chế mở ngành khi tự chủ đại học. Ảnh: VPQH

“Nói cơ chế thị trường giao quyền tự chủ cho các trường đại học là đúng nhưng không thể giao theo cách trường nào cũng mở mã ngành và mở bao nhiêu mã ngành cũng được. Bởi rất nhiều trường mở ngành đào tạo nhưng không có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu. Mặt khác có sự chênh lệch về năng lực giữa trường đào tạo đa ngành với trường đào tạo chuyên ngành” – đại biểu Mão cho hay.

Ông phân tích, mặc dù cạnh tranh mở mã ngành tuyển học sinh không sai nhưng mở ra chất lượng đào tạo kém, không đủ sinh viên học, gây lãng phí lớn và chất lượng đào tạo thấp.

Chính vì vậy, đại biểu Trần Văn Mão đề nghị luật cần phải cân nhắc về quy định được mở mã ngành và cần phải cân đối về nhu cầu của thị trường lao động, tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất, tránh dàn trải sẽ không có chất lượng cao.

Còn theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), yêu cầu mở ngành đào tạo phải phù hợp phát triển nguồn nhân lực trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo; đồng thời kết hợp quản lý nguồn lực giáo dục đào tạo hiệu quả nhất, tránh lạm dụng nhưng đồng thời cũng tránh gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục có nhu cầu, có điều kiện, khả năng trong việc mở ngành đào tạo.

ts.jpg
Lo ngại về tuyển sinh, mở ngành tràn lan khi tự chủ ĐH là có cơ sở. Ảnh minh họa
 

Đặc biệt, vai trò của bộ quản lý rất quan trọng trong việc điều chỉnh các chỉ tiêu tuyển sinh và dự báo ngành nghề đào tạo sát cho các trường có cơ sở mở ngành, tuyển sinh. Theo đại biểu Lê Quang Trí (Tiền giang), để đảm bảo chất lượng, số lượng và cơ cấu nguồn nhân lực, rất cần đến vai trò của bộ GD&ĐT trong việc thông tin, định hướng và điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh cho những ngành có nguy cơ cung vượt cầu.

“Vì thế cần quy định trách nhiệm của bộ GD trong khảo sát nhu cầu ngành học trong 5 – 10 năm tới, các lĩnh vực, các khu vực, cập nhật số liệu hàng năm làm cơ sở cho các trường `mở ngành” – đại biểu Quang Trí cho biết.

Lo ngại trên của các đại biểu là có cơ sở khi thời gian qua, việc mở ngành tràn lan khiến chất lượng đầu vào tuyển sinh tụt dốc không phanh. Sư phạm là ngành "điển hình" của hệ quả nở rộ tràn lan các khoa, trường chuyên ngành sư phạm, gây nên sự dư thừa của hệ thống các ngành dào tọa sư phạm ở cả bậc ĐH và cao đẳng. Điểm đầu vào thảm hại của ngành này năm ngoái khiến bộ GD&ĐT phải tổ chức các cuộc họp khẩn với nhiều trường ĐH sư phạm để lên phương án quy hoạch lại mạng lưới đào tạo giáo viên cả nước.

Theo bộ GD&ĐT, từ năm 2010 đến nay bộ này đã dừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 161 chuyên ngành thạc sĩ; thu hồi quyết định đào tạo đối với 57 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 32 ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ; cảnh cáo 207 ngành và dừng tuyển sinh đối với gần 100 ngành đào tạo trình độ đại học vì không duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình thực hiện.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm