pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từ chuyện nữ công nhân nghèo ủng hộ tiền ăn chống dịch, càng phẫn nộ những kẻ "thổi" giá máy xét nghiệm Covid-19 lên vài tỉ đồng
Hệ thống máy xét nghiệm phát hiện virus gây dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Không phẫn nộ sao được khi cả nước chung tay chống dịch Covid-19 thì vẫn có những người biết rõ nhất sự nguy hiểm của căn bệnh này, lại tham lam, tìm cách đục khoét ngân sách. Kể từ khi dịch xuất hiện ở Việt Nam, hàng nghìn cá nhân, tổ chức đã góp công, góp của để động viên những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, góp phần cùng các lực lượng chức năng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Gần đây, Mẹ Việt Nam Anh hùng Đàm Thị Bẩy, 100 tuổi (ở thôn 1, xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn, Hà Nội) đã ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 xã Hồng Kỳ 1 triệu đồng. Hay chị Nguyễn Thị Thủy (27 tuổi), công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), dù lương giảm vì dịch, trong túi chỉ còn 200.000 đồng tiền ăn nhưng đã trích một nửa số tiền đó đóng góp mua suất ăn ủng hộ các y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ… Trước đó, rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng và cá nhân khác đã chung tay phòng chống dịch Covdi-19.
Không bức xúc sao được khi ngày đêm những chiến sĩ biên phòng phải ở trong những căn bạt dựng tạm nơi biên cương Tổ quốc để chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh. Nhiều người dù nhận được tin cha mất, vợ sinh… nhưng cũng không thể về chịu tang cha, chăm sóc vợ vì nhiệm vụ chung. Hơn nữa, nhiều y, bác sĩ không quản khó khăn, hy sinh tình riêng để bám trụ tại bệnh viện 2-3 tháng, chạy đua với thời gian để điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Bệnh nhiệt đới TƯ, cho biết, nhân viên y tế tại bệnh viện đã trải qua những ngày làm việc rất căng thẳng. Có thời điểm bệnh nhân trở nặng, các bác sĩ phải hội chẩn gấp vào nửa đêm. Không chỉ vậy, các bác sĩ khi thăm khám cho bệnh nhân phải mặc đồ bảo hộ kín, rất nóng. Mỗi lần cởi đồ bảo hộ đều không thể tái sử dụng, vì vậy sẽ rất tốn kém, nhân viên y tế thậm chí còn mặc bỉm để hạn chế đi vệ sinh, nhằm tiết kiệm và có nhiều thời gian hơn trong chăm sóc người bệnh.
Những hy sinh thầm lặng này đã góp phần điều trị khỏi, cứu sống những bệnh nhân mắc Covid-19: Trong tổng số 270 ca mắc Covid-19 ở nước ta, đến ngày 25/4, đã có 225 trường hợp được điều trị khỏi, đặc biệt là không có trường hợp tử vong.
Nhưng thật phẫn nộ khi lại có những cán bộ y tế đã tham lam, vô cảm, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.
Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 7 bị can, trong đó ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội). Ông Cảm cùng đồng bọn bị bắt tạm giam, theo kết quả điều tra ban đầu là do sai phạm trong chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19. Các bị can này có hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế. Chiếc máy xét nghiệm trị giá khoảng 2,3 tỷ động đã bị các bị can "thổi" lên đến 7 tỷ đồng.
Không chỉ CDC Hà Nội, một số địa phương khác cũng dính nghi án thổi phồng giá máy xét nghiệm Covid-19. Bởi sau khi Bộ Công an khởi tổ vụ án trên, nhiều địa phương trong số này đã thương lượng với đối tác để giảm giá mua máy, trong khi trước đó, giá mỗi chiếc máy xét nghiệm được mua trên dưới 7 tỷ đồng.
Ngày 24/4, Bộ Y tế đã gửi công văn lần 2 cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố, bệnh viện trực thuộc yêu cầu báo cáo về việc mua xét nghiệm Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19. Được biết, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra liên quan đến vấn đề này.
Việc Bộ Công an vào cuộc và khởi tố vụ án tại CDC Hà Nội rất kịp thời. Điều dư luận quan tâm là cơ quan chức năng cần tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân sai phạm, trục lợi từ dịch bệnh, đặc biệt trong việc mua máy xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Có như vậy mới tạo tính răn đe, để những đồng tiền tư ngân sách, hàng trăm tỷ đồng từ các đơn vị, cá nhân đầu tư, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 mới không bị sử dụng sai mục đích.
Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định số 15/2020/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, đơn vị triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng giúp đỡ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này, trong đó có người nghèo, lao động tự do. Vì thế, xử lý nghiêm những hành vi trục lợi trên sẽ là bài học để những người thực thi gói hỗ trợ triển khai đến đúng đối tượng được hưởng, tránh đồng tiền đi lạc vào… nhà kinh tế khá giả như từng xuất hiện trong việc hỗ trợ người nghèo ở một số địa phương thời gian qua.