Từ “cuộc giải phóng kép” đến khát vọng vươn lên của phụ nữ Việt Nam

Chiến Văn
02/09/2021 - 06:45
Từ “cuộc giải phóng kép” đến khát vọng vươn lên của phụ nữ Việt Nam

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ảnh tư liệu

Cuộc cách mạng tháng Tám đã Cách đây 76 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là tiền đề, động lực để phụ nữ chung sức, đồng lòng trong kháng chiến, kiến quốc và ngày nay là quyết tâm xây dựng người phụ nữ thời đại mới như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu lên.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới, từ nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn có đoạn: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

Từ đó, lớp lớp thế hệ phụ nữ Việt Nam từ trẻ đến già, từ nông thôn đến thành thị đã góp công, góp sức bảo vệ thành quả của Nhà nước Cách mạng sơ khai, đi qua hai cuộc trường chinh vĩ đại để hôm nay cùng nhân dân cả nước chung sức, đồng lòng vì khát vọng một Việt Nam hùng cường. Ngay trong sự kiện mít tinh ngày 2/9/1945, những người phụ nữ đã có đóng góp quan trọng. Không chỉ có mặt đông đảo tại lễ mít tinh, nhiều chị em phụ nữ còn trực tiếp tham gia các hoạt động quan trọng của buổi lễ như kéo cờ, chuẩn bị kỳ đài, lễ tân, an ninh, bảo vệ...

Trước đó, phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia một cách chủ động vào Cách mạng tháng Tám. Có thể nói, Cách mạng tháng Tám thành công là "cuộc giải phóng kép" đối với phụ nữ Việt Nam. Họ vừa được giải phóng khỏi thân phận người dân của một nước nô lệ, vừa được giải phóng khỏi những khuôn phép cổ hủ, bất bình đẳng... Với sự đóng góp lớn lao, phụ nữ Việt Nam cũng được hưởng những thành quả của Cách mạng. Tuyên ngôn độc lập và tiếp theo là Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định phụ nữ cũng giống như nam giới, được hưởng cuộc sống tự do, độc lập, được công nhận và phát huy những quyền cơ bản của giới mình.

Sau Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nước ta liên tiếp trải qua những bước phát triển không ngừng về mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đoàn kết, đồng lòng cùng tình yêu nước nồng nàn, nhân dân Việt Nam đã lần lượt làm nên những chiến thắng vĩ đại chống lại kẻ thù xâm lược, thống nhất non sông. Đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lại sát cánh, chung tay nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế, ngày càng khẳng định được vị thế của đất nước với bạn bè năm châu. Có thể thấy, từ khi được giải phóng đến nay, phụ nữ Việt Nam luôn chung vai, sát cánh cùng các lực lượng xã hội khác, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm vào các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những người phụ nữ có mặt ở mọi nơi trên các chiến trường, trực tiếp cầm súng trở thành những chiến sĩ du kích, biệt động, thanh niên xung phong, tình báo chiến lược... Không trực tiếp ra trận, những người phụ nữ ở phía sau luôn là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước là hình ảnh của những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi trên cánh đồng, nương rẫy; những nữ công nhân miệt mài lao động trong các nhà xưởng, công trường hay hình ảnh những phụ nữ say sưa nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia công tác giáo dục, đào tạo... Ở môi trường nào, phụ nữ Việt Nam cũng khẳng định được vai trò của mình. Những ngày gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phụ nữ Việt Nam với truyền thống, nhiệt huyết của mình lại tiếp tục xông pha trên tuyến đầu; nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động thiện nguyện, mỗi người một việc tùy theo năng lực, sở trường chung sức, đồng lòng cùng cả nước quyết tâm chiến thắng "giặc Covid-19".

Từ “cuộc giải phóng kép” đến khát vọng vươn lên của phụ nữ Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều phụ nữ đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia chống “giặc đói” năm 1945Ảnh tư liệu

Trong suốt tiến trình lịch sử đó, chúng ta vẫn luôn kiên định mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Cùng với đó, vai trò của người phụ nữ ngày càng được nâng cao về mọi mặt. Người phụ nữ Việt Nam ngày nay đã luôn phát huy được truyền thống, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần làm chủ, khát vọng, ý chí vươn lên của mình. 

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới...". 

Nội dung của văn kiện chính là sự tiếp nối, phát triển quan điểm của Đảng, Bác Hồ về phụ nữ và công tác phụ nữ từ trước tới nay. Đây cũng là tiền đề, động lực quan trọng để phụ nữ Việt Nam tiếp tục phấn đấu, vươn lên, phát huy ngày càng tốt hơn phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh, vai trò của mình trong công cuộc "giải phóng" bản thân, chăm lo gia đình và chung tay xây dựng, phát triển đất nước.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa được tổ chức, lần đầu tiên trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tỉ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Ngoài ra, trong tổ chức Đảng, chính quyền của Nhà nước có rất nhiều cán bộ chủ chốt là nữ. Nhiều địa phương có phụ nữ là người giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh, huyện... Những con số ấy không chỉ thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với phụ nữ mà còn chứng tỏ rằng, phụ nữ nước ta ngày càng tự tin thể hiện năng lực, phẩm chất, bản lĩnh để nâng cao vị thế của mình trong xã hội hiện đại.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm