Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có sức sống mạnh mẽ

03/06/2018 - 18:51
Sáng 3/6/2018, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Trọng Hải.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đến dự.

Trước đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thành viên Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Ban Tổ chức Nhà nước Lễ kỷ niệm 70 năm và các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương khẳng định, 70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Lời kêu gọi được truyền đi như một lời hịch thúc giục mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Phó Chủ tịch nước, 70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển trong dòng chảy liên tục, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. 

Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN
 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng, biểu dương các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc. 

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong phong trào thi đua và công tác khen thưởng, cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời khắc phục, đó là phong trào thi đua tuy phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện; nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, còn để xảy ra tình trạng "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy huân chương"; khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân tuy đã được quan tâm nhưng còn ít; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao…

Để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ mới, Tổng Bí thư đề nghị toàn thể đồng chí, đồng bào, chiến sỹ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng. 

Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân, cụ thể cho đất nước, xã hội, con người; khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị-xã hội của nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, tạo động lực tinh thần, vật chất mới cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước mà chính Người là tấm gương mẫu mực, là nguồn cổ vũ lớn lao cho các phong trào thi đua yêu nước. 

Lời kêu gọi thi đua ái quốc nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước nói chung đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa các điển hình tiên tiến được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố dẫn đầu phong trào thi đua các cụm, khối thi đua năm 2017. Ảnh: Thu Thủy. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa các điển hình tiên tiến được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy. 
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tặng hoa các điển hình tiên tiến được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thu Thủy.
 

Tổng kết công tác thi đua-khen thưởng 70 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và 9.351 cá nhân danh hiệu Anh hùng LLVTND, 1.332 tập thể và cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng hàng trăm ngàn huân, huy chương, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu.

Trong số 700 đại biểu về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc lần này có 139 đại biểu nữ, trong đó có 2 nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 16 nữ Anh hùng lao động, 121 nữ điển hình tiêu biểu, 16 đại biểu thuộc 10 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Êđê, Paco, Bana, Thái, Stiêng, Khmer, K’hor). Đại biểu cao tuổi nhất là Anh hùng lao động Phạm Thị Vách (sinh năm 1940, đại biểu tỉnh Hưng Yên), đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Lê Cẩm Huyền (sinh năm 2007, Vận động viên, đại biểu tỉnh Quảng Ninh).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm