pnvnonline@phunuvietnam.vn
Từng bước chuyển từ "Quốc hội tham luận" sang "Quốc hội thảo luận và tranh luận"
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội với các đoàn đại biểu Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)
Trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIV của Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Về hoạt động lập pháp, Quốc hội khóa XIV tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và ban hành một khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Trong đó có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền...
Về hoạt động giám sát, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được tăng cường, có sự đổi mới, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn "trúng" và "đúng" vấn đề.
Quốc hội đã tiến hành giám sát 7 chuyên đề liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh đó, 5 năm qua, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời có những quyết định mới hoặc điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với yêu cầu tại từng thời điểm, nhất là các vấn đề kinh tế - xã hội "nóng", nổi bật, mới phát sinh. Các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, chính sách tiền tệ và tài khoá được xem xét thận trọng, linh hoạt, bảo đảm ứng phó kịp thời, góp phần hạn chế các tác động bất lợi...
Cơ cấu đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV vẫn còn một số khó khăn
Về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Với tổng số 494 đại biểu được bầu từ đầu nhiệm kỳ đã cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định; trong đó, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu là phụ nữ, đại biểu có trình độ từ đại học trở lên đều tăng.
Trong suốt nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Từng đại biểu đã chủ động hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, thể hiện ở việc thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp công dân; bám sát thực tiễn, phát hiện nhiều vấn đề cấp thiết và bức xúc trong đời sống xã hội để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan; đẩy mạnh thực hiện quyền giám sát, nâng cao chất lượng giám sát, đi vào chiều sâu, đến cùng của vấn đề.
Tuy vậy, cơ cấu đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu ngoài đảng, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu là nhân sỹ, trí thức, các nhà khoa học tiêu biểu vẫn chưa đạt so với yêu cầu đặt ra.
Về các kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nhiều thủ tục làm việc tại kỳ họp được cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, góp phần từng bước chuyển từ "Quốc hội tham luận" sang "Quốc hội thảo luận và tranh luận". Trong đó, việc giải trình trực tiếp tại các phiên họp, đăng ký tranh luận, "hỏi nhanh, đáp gọn",… lần đầu tiên được triển khai trong nhiệm kỳ và ngày càng hoàn thiện hơn qua các kỳ họp đã mang lại hiệu quả, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, bảo đảm quyết định của Quốc hội được xem xét dân chủ, công khai, toàn diện, nhiều chiều, bám sát thực tiễn, có tính khả thi…