pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tưởng niệm đồng bào tử vong do Covid-19: Xin hãy nhẹ nhàng thôi, đừng quá ồn ào!
Ảnh minh họa
1. Tôi và hơn 10 triệu người dân đang sinh sống tại TPHCM vừa trải qua 5 tháng khốc liệt của bệnh dịch Covid-19. Đó là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, để lại nhiều tổn thất nặng nề, đau đớn. Thành phố cũng đang chuẩn bị nhân lực, vật lực cho đợt bùng phát tiếp theo. Không ai muốn người dân phải gánh chịu thêm khó khăn và đau khổ, nhưng nếu có sự chuẩn bị trước, mọi việc sẽ chủ động hơn, các cơ quan, đoàn thể phối hợp cùng nhau nhịp nhàng hơn.
Năm tháng vừa qua, tôi cũng như rất nhiều người dân thành phố đã phải trải qua những đêm thức trắng vì lo lắng và sợ hãi; những cú điện thảng thốt kiếm nhau để hỗ trợ cho người nhiễm bệnh nặng và người đã tử vong; những giọt nước mắt nghẹn đắng rơi trong cả bữa ăn đạm bạc, giản dị vì thực phẩm bị thiếu thốn. Khóc không phải vì sự thiếu thốn ấy, ai cũng hiểu bệnh dịch phải chấp nhận để cùng nhau vượt khó; mà là bởi miếng rau kia là được bạn hỗ trợ, miếng hành lá kia là được người hàng xóm sẻ chia. Tình nghĩa đồng bào ruột thịt thể hiện sự yêu thương trong những sinh hoạt đời thường hàng ngày, chưa bao giờ được đẩy lên cao trào như những tháng vừa qua.
Chúng tôi đã đi qua những tháng ngày mà cha mẹ là các nhân viên ở tuyến đầu vài tháng không được về thăm con; ổ bánh mỳ ngày thường thấy đơn giản là vậy mà trong tâm dịch sao mà quý trọng đến thế. Và quan trọng nhất, nỗi sợ hãi nhiều nhất chính là mạng sống mong manh trong mùa dịch. Rất nhiều người thân, quen đã rời bỏ cuộc sống chỉ trong thời gian ngắn ngủi, đến mức người còn lại chưa đủ thể hiện được hết tâm trạng thảng thốt. Hết người này tới người khác ra đi, thông tin ào tới khiến người còn sống bị trầm cảm nặng. Kinh hoàng nhất, nỗi đau lặn vào trong khi dần dần người dân cũng quen với các con số tử vong mỗi ngày – các con số hàng trăm người chết. Người ta rời bỏ cuộc sống này nhanh chóng và cô độc. Không có người thân bên cạnh. Không có lễ tang ấm áp. Thậm chí có người không có cả quan tài. Chỉ là những túi đựng xác màu trắng lạnh lẽo...
2. Ngày hôm nay, lễ tưởng niệm do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và TPHCM phối hợp tổ chức vào lúc 20h ngày 19/11/2021. Chia sẻ cùng nhau những mất mát đau thương đã qua và động viên nhau để cùng gồng gánh tiếp tục với những khó nhọc còn phía trước. Buổi lễ diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và Công viên Thống Nhất, thủ đô Hà Nội. Tất cả các quận, huyện tại TPHCM tổ chức theo dõi trực tiếp lễ tưởng niệm này từ đầu cầu Hội trường Thống Nhất, sau đó thực hiện nghi thức tắt đèn, thắp nến.
Vào lúc 20h35 tại kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, Tàu Hũ – Bến Nghé, tại các quận 1-3-4-5-8 – Bình Thạnh – Phú Nhuận – Tân Bình sẽ thả hoa đăng. Cũng thời gian trên, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn TP đánh chuông; các tàu, thuyền, xà lan đậu tại các cảng kéo còi tưởng niệm. Người dân trong thành phố được vận động để tắt đèn, thắp nến ở khắp mọi nơi, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, căn hộ, khách sạn, văn phòng và nhà riêng...
TPHCM tính tới thời điểm này đã có hơn 17 ngàn người; cả nước có hơn 23 ngàn người tử vong. Và trong đó nữ giới chiếm hơn 58%, còn nam giới chiếm hơn 41%. Thành phố cũng đã ghi nhận 38 trẻ em và phụ nữ mang thai tử vong.
Tắt đèn và thắp nến để tưởng niệm cho người dân đã tử vong trong đại dịch Covid-19 là việc làm rất cần thiết. Việc làm này không chỉ để tưởng nhớ người đã mất mà còn chung tay để xoa dịu nỗi đau cho người còn sống.
Những người trẻ đang đối mặt với việc chưa biết bao giờ quay trở lại được công việc, học hành bình thường như cũ; số khác thì thất nghiệp trong hoàn cảnh nhiều công ty, cửa hàng đóng cửa dài hạn hoặc đóng vĩnh viễn. Người lớn tuổi hiện phải trải qua nỗi trầm cảm sinh hoạt trong nhà, dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội mà chúng ta phải giải quyết về mặt tâm lý xã hội.
Và nhìn vào thực tế, mỗi ngày, tại TPHCM có thêm hơn 1 ngàn người vẫn nhiễm bệnh, trong số đó vẫn có người trở nặng và tử vong dù đã được tiêm 2 mũi vaccine đầy đủ. Hậu quả mà đại dịch Covid-19 mang tới cho xã hội loài người vô cùng nặng nề, trên nhiều phương diện, trên nhiều khía cạnh, ở nhiều lứa tuổi, độ tuổi, địa vị xã hội khác nhau.
Hành động tắt đèn và thắp nến diễn ra ngày hôm nay là sự hiển hiện của tình yêu thương giữa con người với con người. Trong tâm khảm của nhiều người dân sống trong đại dịch tại TPHCM, tình thương này sẽ được duy trì mãi mãi. Không ai có thể quên được bạn của mình, người thân của mình đã từng ở đây, trong cuộc sống này và rồi giờ đã về với cát bụi.
Vì thế, hành động tắt đèn và thắp nến hãy nhẹ nhàng thôi, xin đừng quá ồn ào, để người đã mất và người còn sống được an dịu trong những ngày còn khó khăn phía trước...
Tính đến tối 18/11, Việt Nam ghi nhận 23.476 người tử vong vì COVID-19, trong đó TPHCM là 17.175 người, chiếm hơn 74% so với cả nước.