pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tuyên Quang: Hơn 10.400 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ gia đình dân tộc thiểu số phát triển sản xuất

Đoàn công tác NHCSXH Việt Nam kiểm tra hoạt động tín dụng của Phòng Giao dịch NHCSXH Yên Sơn (Tuyên Quang)
Trước đây, gia đình chị Ma Thị Phương, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), sống dựa vào cửa hàng tạp hóa nhỏ và nông sản của địa phương. Chị cho biết: Nhận thấy khách du lịch đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào ngày càng nhiều, nếu chỉ dựa vào buôn bán nhỏ sẽ không tạo được sức bật lớn về kinh tế, cũng không tận dụng được lợi thế, tiềm năng thu hút khách du lịch của vùng An toàn khu.
Sau khi bàn bạc với chồng, chị quyết định thay đổi hướng đi, phát triển dịch vụ lưu trú homstay cho du khách. Tuy nhiên, xây dựng homestay cần rất nhiều vốn, nguồn vay từ người thân, bạn bè chẳng thấm vào đâu.
Thông qua tổ chức Hội LHPN xã, cuối năm 2022, gia đình chị Phương mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội và nguồn vay thêm từ người thân. Chị cải tạo lại nhà sàn, đầu tư thêm chăn, đệm và làm phòng ăn tập thể. Homestay Tiến Phương của gia đình chị đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng được gần một năm nay và trở thành điểm đến thường xuyên của du khách đến lưu trú, nhờ thế mà đời sống gia đình thay đổi rõ nét hơn.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình chị Ma Thị Phương đã cải tạo, đầu tư dịch vụ homestay tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang)
Còn tại xã Yên Lập, Bản Lếch là một bản nhỏ của người Tày được bao quanh bởi dãy núi cao, người dân sống dựa vào nông nghiệp, nương rẫy, thu nhập còn bấp bênh. Bí thư Chi bộ thôn Bản Lếch, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ma Thị Bầu cho biết: Đời sống của chị em nơi đây còn nhiều khó khăn. Muốn phát triển kinh tế nâng cao đời sống, trước tiên phải thay đổi tư duy sản xuất. Bản thân chị cũng luôn phải nỗ lực phấn đấu để người dân trong thôn noi theo. Chị quyết định đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, nuôi dê. Vừa làm, vừa áp dụng kỹ thuật, mô hình chăn nuôi; "khi thành công, mình sẽ vận động nhân dân làm theo" - chị Bầu chia sẻ.
Ngoài ra, Bí thư Chi bộ Ma Thị Bầu còn là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn cũng hơn chục năm nay. Thời gian chị làm Tổ trưởng, thôn không có trường hợp nào nợ vốn và lãi quá hạn, quá kỳ trả nợ. Hiện toàn thôn có 35 hộ được hỗ trợ vay vốn của NHCSXH với dư nợ trên 1,9 tỷ đồng. Có được nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều hộ gia đình trong thôn tháo gỡ được khó khăn, điểm nghẽn để thúc đẩy sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bí thư Chi bộ thôn Bản Lếch, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ma Thị Bầu (bên trái) đến thăm hộ gia đình đang vay vốn ưu đãi từ NHCSXH trên địa bàn thôn
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến tháng 7/2025, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 10.425 tỷ đồng, tăng 421 tỷ đồng so với cuối năm 2024, đạt mức tăng trưởng 4,2%. Chất lượng tín dụng chính sách tiếp tục được duy trì ổn định.
Tổng dư nợ xấu chỉ ở mức 20,3 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu thấp là kết quả của quá trình kiểm soát tốt khâu thẩm định, giải ngân và phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền cơ sở trong việc theo dõi, đôn đốc người vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Ngày 21/7, Đoàn công tác của NHCSXH Việt Nam đã có buổi làm việc với Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang. Tại buổi làm việc này, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam Lê Thị Đức Hạnh đề nghị Chi nhánh tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là xử lý hiệu quả nợ quá hạn, nợ khoanh.
Cùng với đó, cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể và các đơn vị liên quan nhằm đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả vốn vay trong phát triển kinh tế hộ và giảm nghèo bền vững. Việc sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn vốn đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống người dân trên địa bàn.