Ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

26/06/2019 - 12:06
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ pháp lý được thực hiện theo thứ tự ưu tiên là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được hỗ trợ trước. Quyết định này được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ vững vàng phát triển, thúc đẩy sản xuất hàng Việt Nam có chất lượng cao, xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Văn phòng Chính phủ vừa cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định có hiệu lực từ ngày 16/8/2019.

Nghị định này quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức khác và cá nhân có liên quan trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp.

Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

 

xac-dinh-ro-tieu-chi-de-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-doanh-nghiep-vua-va-nho-thumb43.jpg
Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP, việc hỗ trợ pháp lý được thực hiện theo thứ tự ưu tiên là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được hỗ trợ trước. Ảnh H.Hòa
 

Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật; doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.

Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định quy định cụ thể hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về: Văn bản quy phạm pháp luật; vụ việc, vướng mắc pháp lý.

Bên cạnh đó, xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật dữ liệu về: Bản án, quyết định của tòa án; phán quyết của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp; văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa; văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và thủ tục hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật. 

Hiện nay, doanh nghiệp do nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam chiếm 25% trong tổng số khoảng 600.000 doanh nghiệp đang có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, phụ nữ làm chủ vẫn chiếm tỷ lệ cao là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Theo mục tiêu, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có 350.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm