pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vai trò của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai (giữa), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (bìa trái), Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh (bìa phải) là 3 nữ lãnh đạo ngành tổ chức cán bộ
Công tác cán bộ nữ được nâng lên rõ rệt
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về việc "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới", báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ", trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về công tác phụ nữ, cán bộ nữ được quan tâm, ban hành, đưa vào lồng ghép trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội". Điều đó cho thấy nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội về vai trò của phụ nữ, công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt.
Theo đó, văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em".
Thông qua việc chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đoàn kết, tập hợp, nâng cao chất lượng hoạt động Hội, lãnh đạo Đảng các cấp đã tạo điều kiện để phụ nữ phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác phụ nữ, cán bộ nữ và các chương trình thực hiện Luật Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Theo số liệu báo cáo ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, tỷ lệ cấp ủy viên nữ bình quân của 63 tỉnh/thành ủy đạt 16% (tăng 3% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ cấp ủy viên nữ cấp trên cơ sở đạt 17% (tăng 2% so với nhiệm kỳ trước), tỷ lệ cấp ủy viên nữ cấp cơ sở là 21% (tăng 2% so với nhiệm kỳ trước). Trong đó, 46/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy cấp tỉnh tăng, cao nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện tại, số nữ Bí thư cấp tỉnh là 6 người, nữ Phó Bí thư cấp tỉnh là 15 người.
Từ những con số trên, có thể thấy, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ nữ về cơ bản đều có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng so với nhiệm kỳ trước. Đội ngũ cán bộ nữ được trẻ hóa, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị được nâng lên, đặc biệt ở các tỉnh thuộc khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ cấp ủy viên nữ là người dân tộc thiểu số tăng cao.
So với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập, Việt Nam được đánh giá có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam là quốc gia có số lượng nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ cao trong khu vực (khóa XV đạt 30,26%), đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Hiện tại, nhiều ban, bộ, ngành như: Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương Đảng, Ban Công tác đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, Thông tấn xã Việt Nam..., người đứng đầu đều là lãnh đạo nữ.
Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Đảng về thực hiện công tác cán bộ nữ
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó "Phụ nữ tham chính" đã chứng tỏ được bản lĩnh cũng như những sự ưu việt khi được tín nhiệm giữ những chức vụ quan trọng và thực tiễn công tác. Tại các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nguồn nhân lưc nữ được quan tâm và có quy hoạch phát triển.
Song, trên thực tế, công tác cán bộ nữ vẫn còn tồn tại một số vấn đề như tỷ lệ nữ cán bộ tham gia các vị trí cấp chiến lược còn thấp. So với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ của Việt Nam, số cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo vẫn còn khá khiêm tốn so với nam giới.
Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước gây nên tình trạng thiếu bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục. Bởi vậy, một bộ phận phụ nữ ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, phụ nữ là người dân tộc thiểu số ít có điều kiện tiếp cận các chính sách, cơ hội học tập, nâng cao trình độ để có thể tham gia công tác quản lý, lãnh đạo.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, các cấp, các ngành cần chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ đảm bảo trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị, nhất là cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Công tác phụ nữ phải phát huy được tinh thần làm chủ, sức sáng tạo và khả năng đóng góp của các tầng lớp phụ nữ.
Cùng với đó, các cấp Hội LHPN trong cả nước cũng cần cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong công tác phụ nữ, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cũng như chuyển đổi sang nền kinh tế số, bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhiệm vụ của địa phương, tập trung xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những biện pháp cụ thể để đưa tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, chăm lo bảo vệ phẩm giá, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của tổ chức Hội, Hội LHPN Việt Nam rất mong muốn nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức quốc tế trong việc tạo thêm những điều kiện, cơ hội cho phụ nữ được tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng của mình để họ có thể tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ, cũng như có cơ hội để tham chính tốt hơn.