pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vãn cảnh và lễ Phật tại chùa Hương, du khách cần lưu ý gì?
Các biển thông báo thực hiện 5K được đặt tại nhiều khu vực trong chùa Hương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Cuối tuần qua, gia đình chị Phương Hà (Láng Hạ, Hà Nội) có chuyến hành hương lễ phật tại chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Chị Hà chia sẻ: "Hằng năm, cứ đầu xuân, đại gia đình chúng tôi thường tổ chức đi lễ chùa. Tuy nhiên, kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay, gia đình không thể duy trì việc này được nữa. Lần này, cũng chỉ có vợ chồng tôi đi chùa Hương mà thôi".
Cũng như nhiều du khách đầu tiên đến chùa Hương năm nay, chị Hà cảm thấy rất phấn khởi vì đã lâu lắm rồi mới được đi lễ phật thế này. Chị cầu mong cho dịch bệnh qua nhanh, người dân sớm trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường.
Chị Phạm Hương (Tây Hồ, Hà Nội), một trong những du khách đầu tiên đến chùa Hương năm nay chia sẻ: Năm nay, vì tình hình dịch bệnh nên du khách đến chùa Hương cần phải tuân thủ những yêu cầu phòng chống dịch của Ban Quản lý nơi đây. Vì thế, người dân trước khi đi chùa Hương cần tìm hiểu kỹ những quy định này để tránh lúng túng hoặc bị mất thời gian, dẫn đến tụ tập đông tại một điểm.
Theo quan sát, nếu như mọi năm, du khách đến chùa Hương đi theo đoàn đông, đoàn nhỏ… với những phương tiện di chuyển phong phú, từ phương tiện công cộng đến những đoàn xe 16 - 24 chỗ ngồi, xe cá nhân… thì những ngày đầu Chùa mở cửa trở lại trong năm nay, chủ yếu du khách đi theo quy mô nhỏ, hộ gia đình hoặc nhóm bạn bè nhỏ, di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Giá vé thắng cảnh chùa Hương năm nay vẫn như mọi năm là 80.000 đồng, vé đò tuyến chính 50.000 đồng/người, vé đò tuyến phụ là 35.000 đồng vé cáp treo 180.000 đồng/người.
Được biết, từ ngày 11/2 (tức 11 tháng giêng năm Nhâm Dần), Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) đã bán vé cho du khách tham quan, sớm hơn thời điểm cho phép của UBND TP Hà Nội gần 1 tuần. Ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, việc mở cửa sớm là để đơn vị thử nghiệm, rút kinh nghiệm để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách chính thức từ ngày 16/2.
Tất bật chuẩn bị đón khách
Những ngày này, nhiều tiểu thương, nhà thuyền đang tất bật dọn dẹp hàng quán, sửa sang tàu thuyền để chuẩn bị đón du khách về chùa Hương lễ Phật đầu năm.
Tại bến Đục, khoảng 6.000 chiếc thuyền đã được người dân hạ thủy từ nhiều ngày nay sẵn sàng phục vụ du khách. Một số con thuyền được các hộ dân kinh doanh hàn thêm phần mái che để phục vụ du khách trong những ngày thời tiết có mưa. Khi biết tin chùa Hương được đón khách du lịch, bà Trần Thị Trang (huyện Mỹ Đức) đã dậy từ sáng sớm để cùng chồng hạ thủy thuyền xuống suối Yến. Ngoài ra, vợ chồng bà cũng nghiên cứu thật kỹ những quy định phòng chống dịch mà Ban Quản lý đưa ra để tránh lúng túng khi phục vụ khách. Nhà bà Trang có 5 thuyền nhưng năm nay, bà dự đoán sẽ chỉ dùng khoảng 3 thuyền để chở khách vì lượng khách năm nay sẽ không đông như mọi năm.
Bà Nguyễn Thị Thúy (tiểu thương bán quần áo tại chùa Hương) phấn khởi cho biết: "Tôi thấy rất vui vì lâu lắm rồi mới được chứng kiến cảnh du khách đổ về đây lễ Phật thế này. Mấy ngày nay, tôi cũng đã nhanh chóng gọi điện, tìm các nguồn hàng để nhập hàng và bày bán. Tuy nhiên, năm nay tôi cũng không dám lấy nhiều hàng, chắc chỉ lấy bằng 1/3 so với mọi năm thôi".
Lưu ý khi đi Chùa Hương dịp đầu năm?
Theo quan sát, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đây được thực hiện chu đáo, các cổng, bến trạm đều có lực lượng y tế, tuyến trong từ chùa Thiên Trù lên động Hương Tích có 3 chốt y tế, khu vực cổng vào Hương Sơn cũng có 3 chốt y tế.
Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn khuyến cáo, người dân chưa tiêm vaccine phòng chống dịch Covid-19 thì không nên đến khu di tích để đảm bảo sức khỏe chính mình và cho cộng đồng.
Du khách khi đi chùa Hương cần tuân thủ quy định phòng chống dịch sau:
- Tại khu vực bán vé và cổng soát vé có lực lượng hướng dẫn yêu cầu du khách thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K của Bộ Y tế yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế bằng mã Qr Code. Đối với trường hợp đi theo đoàn đông người thì trưởng đoàn khai báo y tế, cung cấp thông tin, số điện thoại phục vụ việc truy vết khi cần thiết.
- Khi di chuyển bằng thuyền, du khách chú ý không đi các thuyền quá đông. Theo quy định, thuyền chỉ chở khoảng 70-80% số khách, trên thuyền có nước sát khuẩn, khẩu trang, thực hiện nghiêm túc quy định 5K.
- Các điểm tham quan cũng hạn chế khách đoàn và du khách không được ở lại quá lâu một điểm.
- Tại nơi thờ tự và thực hiện các nghi lễ tôn giáo (đền, chùa…) có lực lượng hướng dẫn du khách thực hiện các quy định về thời gian, cách thức tiến hành nghi lễ và kẻ vạch đứng giãn cách, bố trí theo một chiều. Đảm bảo sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, khoảng cách. Rút ngắn thời gian lễ, bố trí người đón lễ bên trong, người trả lễ ra bên ngoài theo 1 chiều và ngay sau khi lễ xong.
- Tại nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, thực hiện khai báo y tế bắt buộc với những khách lưu trú, thường xuyên khử khuẩn tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Các bàn ăn có vách ngăn bằng kính, mica, nhựa đủ độ dày ngăn giữa các bàn cao khoảng 60cm. Khi đi cáp treo, du khách đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện, trao đổi và giữ khoảng cách.