Vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

PV
13/05/2023 - 20:03
Vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia

Các hoạt động tuyên truyền thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ

Tính đến tháng 2/2023, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng tổ chức được 7.407 cuộc tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Giai đoạn 2021-2023, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai được thực hiện bài bản, có trọng tâm; phù hợp với từng địa bàn, chú trọng chiều sâu, chất lượng trong công tác hỗ trợ các xã biên giới còn nhiều khó khăn.

Giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ ở khu vực biên giới

Các cấp Hội tiếp tục phối hợp các đơn vị Bộ đội Biên phòng tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đặc biệt các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.

Các hoạt động tuyên truyền cũng tập trung vào nâng cao nhận thức về các âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân trong tham gia bảo vệ biên giới, biển, đảo; giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng, giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở khu vực biên giới như: mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, ma túy, di cư lao động không an toàn, xuất/nhập cảnh trái phép qua biên giới; hướng dẫn phụ nữ tổ chức ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo...

Vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia - Ảnh 1.

Các hoạt động tuyên truyền thu hút sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ

Cụ thể, các cấp Hội đã phối hợp vận động phụ nữ và gia đình tham gia tự quản đường biên, mốc giới; tổ chức các hoạt động Ngày hội Biên phòng toàn dân; thực hiện Phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"... Hàng năm, mỗi cơ sở Hội đã tổ chức ít nhất 2 hoạt động truyền thông về các chủ đề trên, đạt chỉ tiêu đề ra về công tác tuyên truyền, giáo dục của Chương trình trong giai đoạn 2021-2023.

Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động linh hoạt, như: sinh hoạt chính trị, nói chuyện chuyên đề, hoạt động truyền thông, tổ chức thi tìm hiểu về pháp luật, giao lưu, tọa đàm, sân khấu hóa, văn hóa văn nghệ, thi trực tuyến, chiếu phim, tuyên truyền trực quan qua pano, tờ rơi; tuyên truyền lưu động "Tiếng loa Biên phòng". Các hoạt động tuyên truyền được lồng ghép trong các đợt huấn luyện, dã ngoại làm công tác dân vận, đặc biệt tuyên truyền thông qua các thiết chế văn hoá, nền tảng mạng xã hội... Trang Fanpage "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" trên mạng xã hội Facebook, chuyên mục "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" trên trang website của Hội LHPN Việt Nam, Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam, trang Facebook "Hoa xương rồng" của Phụ nữ Quân đội... được duy trì hoạt động thường xuyên.

Vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia - Ảnh 2.

Hoạt động truyền thông, tổ chức thi tìm hiểu về pháp luật, giao lưu, tọa đàm... được tổ chức cả ở cấp Trung ương và địa phương

Tại cấp địa phương, việc nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, chiến sỹ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng, chống, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cả nước.

Tại các huyện, xã biên giới, Bộ đội biên phòng, Hội LHPN các cấp thành lập các nhóm Zalo, các trang fanpage của Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" để thường xuyên cập nhật các hoạt động, chia sẻ thông tin. Nhiều tỉnh đã thành lập được các mô hình truyền thông chủ đề biên giới, biến đảo thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều hội viên phụ nữ. Tiêu biểu có thể kể đến Đồng Tháp với mô hình "Tiếng loa Biên phòng"; Kon Tum với mô hình "Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới gắn với bảo vệ tài nguyên môi tường"; Nghệ An với mô hình "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số"; Khánh Hòa với mô hình "Phụ nữ đảm đang hướng về Trường Sa", "Phụ nữ hậu phương Trường Sa"…

Vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia - Ảnh 3.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ biên cương ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế được triển khai tại các tỉnh, thành

Tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội

Tính đến tháng 2/2023, các cấp Hội đã phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng tổ chức được 7.407 cuộc tuyên truyền, truyền thông/884.582 người, tập huấn được 843 lớp/74.056 người; truyền thanh tiếng loa Biên phòng được 5.435 lượt, cung cấp trên 1 triệu tờ rơi, tài liệu Luật Biên phòng Việt Nam tại các xã biên giới.

Qua các chương trình truyền thông, tuyên truyền đã phát hiện, xây dựng, biểu dương các điển hình là cá nhân phụ nữ tiêu biểu, mô hình hoặc cách làm hay để tuyên truyền nhân rộng. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong chấp hành luật pháp biên giới, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn với các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn chiến lược trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào tôn giáo, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Vận động, hướng dẫn phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia - Ảnh 4.

Các hoạt động chăm lo cho đồng bào vùng biên đón Tết thông qua Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Tết yêu thương" rộng khắp trên các địa bàn biên giới của cả nước.

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm