2 năm "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương": Tổng nguồn lực hỗ trợ đạt gần 152 tỷ đồng

Trần Lê
12/05/2023 - 18:28
2 năm "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương": Tổng nguồn lực hỗ trợ đạt gần 152 tỷ đồng

Phụ nữa Hrê. Ảnh: Thành Đạt

Thực hiện bài bản, có trọng tâm; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác hỗ trợ các xã biên giới còn nhiều khó khăn, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vừa có báo cáo sơ kết thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2021 - 2023.

Hai ngành đã phối hợp xây dựng và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đi vào thực chất, cụ thể, phù hợp với nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của bà con nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tại các xã biên giới; tạo được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành, sự chung tay của các đơn vị đồng hành và toàn xã hội.

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết nơi vùng cao - Ảnh 1.

Chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, tình cảm, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng

Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Sau 2 năm triển khai Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn lực hỗ trợ đạt gần 152 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện các chỉ tiêu về mô hình sinh kế, các hoạt động truyền thông và trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có học bổng từ "Quỹ tiếp bước cho em tới trường", Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng") đã đạt được theo đúng kế hoạch ở hầu hết các tỉnh. Một số tỉnh vượt chỉ tiêu đề ra.

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết nơi vùng cao - Ảnh 2.

Trẻ em các vùng dân tộc thiểu số được chăm lo bằng nhiều hoạt động ý nghĩa

Việc triển khai hỗ trợ đồng hành không chỉ được thực hiện tại 210 xã của Chương trình mà còn được triển khai mở rộng ở 149 xã biên giới khác. Hội LHPN một số tỉnh biên giới đã năng động, lồng ghép triển khai thực hiện các hoạt động từ nguồn kinh phí của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2021 đến nay đã có 62 xã về đích nông thôn mới, hội viên phụ nữ khu vực biên giới, hải đảo nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, phát huy tốt vai trò công dân khu vực biên giới.

Các tổ chức cơ sở Hội ngày càng được củng cố, kiện toàn, phát triển có chiều sâu, hoạt động hiệu quả. Qua đó tình đoàn kết quân dân được củng cố, gắn kết, phụ nữ tích cực tham gia và vận động người thân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết nơi vùng cao - Ảnh 3.

Phụ nữ biên cương được trao tặng sinh kế

Chương trình đã góp phần thực hiện Khâu đột phá "Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh" được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII của Hội LHPN Việt Nam. Đồng thời tiếp tục tạo hiệu ứng và lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội; khẳng định đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Hỗ trợ thiết thực phụ nữ biên cương trong giai đoạn tiếp theo

Phát huy kết quả đạt được trong 2 năm qua, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương" giai đoạn 2021- 2025, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp nguồn lực đầu tư cho các xã biên giới trong Chương trình.

Trong đó, chú trọng chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu:

(1) Đến năm 2025, ít nhất mỗi xã biên giới, hải đảo có 01 mô hình sinh kế bền vững từ các nguồn hỗ trợ, tiếp sức của các tổ chức, doanh nghiệp. Ít nhất mỗi xã duy trì và xây dựng 01 mô hình tín dụng, tiết kiệm tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

(2) Có 100% xã trong Chương trình được trang bị máy vi tính và sử dụng thành thạo máy vi tính, điện thoại thông minh phục vụ công việc, sinh hoạt, có tủ sách, báo Phụ nữ. Đồng thời khuyến khích tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ tiêu.

(3) Mỗi xã có ít nhất 01 mô hình văn nghệ, thể thao của phụ nữ. Đảm bảo đến năm 2025, các chỉ tiêu của giai đoạn đạt và vượt ở tất cả các xã thuộc Chương trình.

“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết nơi vùng cao - Ảnh 4.

Mô hình văn nghệ, thể thao của phụ nữ biên cương được nhân rộng

Để đạt được chỉ tiêu trên, giải pháp được đề ra là:

- Đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp nguồn lực từ các Chương trình, Dự án, đặc biệt từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia đang triển khai trên cùng địa bàn, trong đó có Dự án 8 "Thực hiện bình đằng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", Dự án 3 "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025 để hỗ trợ các xã trong Chương trình chưa hoàn thành các chỉ tiêu, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của phụ nữ. Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Cổng thông tin nhân đạo 1400 phát động ủng hộ nhắn tin đợt 4 vào dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2024).

- Đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền và các hoạt động truyền thông giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc nhằm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

- Tăng cường truyền thông về ý nghĩa, hoạt động của Chương trình trên các kênh truyền thông khác nhau của Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng để lan tỏa và kêu gọi sự chung tay hỗ trợ ủng hộ về tinh thần và vật chất của xã hội đối với Chương trình.

- Hội LHPN Việt Nam chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình sinh kế cho phụ nữ đang triển khai tại các xã biên giới để có giải pháp hỗ trợ, điều chỉnh, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả nhằm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng duy trì và phát huy tốt các mô hình tập hợp, thu hút phụ nữ khu vực biên giới nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, chú trọng các mô hình đáp ứng nhu cầu thiết yếu của phụ nữ, các mô hình văn nghệ, thể thao phù hợp với địa bàn biên giới.

- Các cấp Hội cũng đề xuất phương án điều chỉnh phân công hỗ trợ đối với một số tỉnh và đơn vị đồng hành theo hướng: Mở rộng lựa chọn các tỉnh được phân công hỗ trợ, có thể chọn hỗ trợ các xã biên giới đất liền, biên giới biển còn khó khăn ngay tại tỉnh mình hoặc những địa bàn gần hơn; Phát huy hơn nữa vai trò đồng hành của Hiệp hội Nữ Doanh nhân, Hội Nữ trí thức tại các tỉnh trong hỗ trợ địa bàn các xã biên giới đặc biệt khó khăn trong tỉnh; Khuyến khích các đơn vị đồng hành linh hoạt lựa chọn các hình thức hỗ trợ phù hợp, sáng tạo để tiết kiệm các chi phí phát sinh và tối đa hóa nguồn lực.

Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc triển khai các hoạt động đồng hành, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn còn đang gặp khó khăn, hạn chế để kịp thời có kế hoạch đôn đốc, thúc đẩy, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra đến cuối giai đoạn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm