pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vẫn tồn tại khoảng cách giới trong yêu cầu tăng lương
"Nhân viên xin tăng lương là điều đáng xấu hổ"
Bà Indra Nooyi sinh ngày 28/10/1955, là một doanh nhân người Mỹ gốc Ấn. Năm 2006, bà Indra Nooyi trở thành Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn PepsiCo, thay thế cựu CEO Steven Reinemund. Trong 12 năm tại chức, chiến lược kinh doanh phân loại sản phẩm theo tiêu chí của bà đã gặt hái nhiều thành công cho tập đoàn. Với đóng góp to lớn và trách nhiệm điều hành, không mấy ngạc nhiên khi mức lương của bà đạt 31 triệu USD (tương đương khoảng 800 tỉ đồng) trong những năm cuối đảm nhiệm vai trò CEO, theo New York Times.
Điểm khiến người ta kinh ngạc không hẳn là mức lương bà Nooyi nhận được khi làm việc ở vai trò điều hành PepsiCo mà còn ở việc bà Nooyi chưa từng yêu cầu ban quản trị tăng lương. Thậm chí, bà còn từ chối khi được đề xuất bởi các thành viên ban điều hành. "Tôi cảm thấy không thoải mái khi được tăng lương giữa khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế lúc đó", bà cho biết.
Khi được hỏi lý do khiến bà cho rằng nhân viên xin tăng lương là một điều đáng hổ thẹn, bà chia sẻ: "Tôi không thể tưởng tượng được khi làm việc cho ai đó và nói với họ rằng tiền lương của mình không xứng đáng". Từ cuộc phỏng vấn, người ta có thể thấy bà Nooyi nhận thức rõ vai trò và cống hiến của mình đối với sự hưng thịnh của tập đoàn. Tuy nhiên, có lẽ bà cảm thấy mình đã được trả xứng đáng với những gì đạt được. Hiện nay, bà Nooyi là thành viên Hội đồng quản trị của Amazon, một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ có trụ sở tại Seattle, Washington.
Khả năng thành công của nữ giới thấp hơn
Chia sẻ của bà Nooyi khiến người ta liên hệ đến khoảng cách giới trong việc đòi tăng lương. Khi được hỏi về vấn đề giới trong yêu cầu tăng lương, rằng đây có phải là nguyên nhân khiến bà không yêu cầu trong suốt 12 năm, bà Nooyi đã phủ nhận: "Đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi. Tôi không thể tưởng tượng khi đang làm việc cho ai đó và đến nói với họ rằng, họ trả lương cho tôi không xứng đáng. Tôi và chồng vẫn thường nói về vấn đề này. Chồng tôi cũng cho rằng chúng tôi nhận được nhiều hơn khoản tiền chúng tôi từng nghĩ có thể kiếm được".
Một nghiên cứu được thực hiện bởi McKinsey và LeanIn.org vào năm 2016 cho thấy, trong kinh doanh, nữ giới yêu cầu tăng lương và thăng chức nhiều hơn 30% so với nam giới. Khi đàm phán về vấn đề này, nam giới bị cấp trên cho là "yêu cầu quá đáng", "hung hăng" và "đáng sợ". Tuy nhiên khả năng được tăng lương hoặc thăng chức của nam giới vẫn cao hơn 67% so với những phụ nữ không được miêu tả như trên. Mặc dù nữ giới cũng có những cảm xúc như vậy nhưng vốn bản tính thận trọng hơn đàn ông nên nhiều phụ nữ đã không có được mức lương mong đợi, khả năng thành công vẫn thấp hơn nam giới.
Bình thường hoá yêu cầu tăng lương của nữ giới
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Harvard Business Review vào năm 2018, tỷ lệ yêu cầu tăng lương và thăng chức giữa nam giới và nữ giới hiện ngang bằng nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của nam giới đạt mức 20% trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ chỉ đạt 15%. Hơn nữa, chênh lệch mức lương giữa nam và nữ cũng phản ánh thực trạng không phải lúc nào yêu cầu tăng lương hoặc thăng chức của phụ nữ cũng được đáp ứng. Nhiều ý kiến cho rằng điều này bắt nguồn từ sự phân biệt đối xử, "trọng nam khinh nữ" vẫn tồn tại trong xã hội. Giải pháp giúp xóa bỏ sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong công việc là bình thường hóa yêu cầu tăng lương của phụ nữ. Thực tế, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn đứng lên đàm phán khi cảm thấy không bình đẳng trong công việc cũng như mức lương nhận được.
Bàn về quan điểm của bà Nooyi, người ta có thể thấy lý do bà không yêu cầu tăng lương vì bà cảm thấy "những gì mình được trả xứng đáng với những gì mình làm được". Tuy nhiên, tình trạng bất công đối với người lao động vẫn đang tồn tại ở nhiều quốc gia. Vì vậy, đàm phán tăng lương là điều cần thiết và phụ nữ không nên cảm thấy hổ thẹn khi yêu cầu.