Vết thương nhỏ không để ý, nhập viện thì đã nguy kịch

Linh Trần
02/05/2022 - 16:28
Vết thương nhỏ không để ý, nhập viện thì đã nguy kịch

Bệnh nhân đang được cấp cứu, điều trị tại BV

Trong quá trình lao động, bệnh nhân có vết thương nhỏ trên đỉnh đầu nhưng chủ quan không để ý. Khi nhập viện, bệnh nhân được xác định bị uốn ván, giai đoạn toàn phát.

Ngày 2/5, BV Đa khoa Đồng Văn (Hà Giang) cho biết, BV vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.H. (27 tuổi, trú tại huyện Đồng Văn) bị uốn ván giai đoạn toàn phát.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, cứng hàm, sốt nóng liên tục và có cơn co giật toàn thân. Các bác sĩ khai thác tiền sử, được biết bệnh nhân có vết thương do lao động trên đỉnh đầu kích thước khoảng 1x 0,5cm đã khô, không chảy dịch. Gia đình cho biết, do vết thương nhỏ, không chảy nhiều máu nên bệnh nhân và gia đình đã chủ quan, không để ý.

Sau khi thăm khám và tiến hành hội chẩn toàn viện, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán bệnh nhân mắc uốn ván giai đoạn toàn phát.

Trước tình trạng diễn biến rất nặng của bệnh nhân, người nhà đã xin cho bệnh nhân về nhà không tiếp tục điều trị. Sau khi nghe bác sĩ điều trị giải thích thuyết phục, gia đình đồng ý để bệnh nhân ở lại tiếp tục điều trị.

Trải qua 28 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, giao tiếp tốt, tự vận động nhẹ nhàng, ăn uống được, các chỉ số sinh tồn bình thường.

Các bác sĩ cho biết, nhiễm trùng uốn ván thường xảy ra khi cơ thể bị tổn thương như vết chích da, vết rách da, vết trầy da, bỏng, viêm tai giữa, phẫu thuật... Thời kỳ ủ bệnh 4-21 ngày. Trực khuẩn gây bệnh phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng độc tố vào máu và tấn công vào thần kinh, cơ. Lúc này, bệnh nhân bị co cứng cơ, từ đó xuất hiện các cơn co giật gây ngưng thở, suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, ngừng tim. Khi bị thương, người dân cần xử lý vết thương ban đầu đúng cách để phòng ngừa uốn ván. Nếu vết thương sâu, dính bụi bẩn... cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được xử lý.

Ngoài ra, người dân cũng nên chủ động tiêm phòng uốn ván khi có vết thương dập nát, sâu, bẩn, đặc biệt với nhóm người chưa tiêm ngừa đầy đủ, hoặc cách thời gian tiêm mũi vaccine gần nhất từ 10 năm. Sau đó, tiêm nhắc lại vaccine uốn ván theo khuyến cáo của đơn vị tiêm chủng để có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm