Vì sao nhiều nhân viên y tế nghỉ việc?

Linh Trần
04/07/2022 - 09:00
Vì sao nhiều nhân viên y tế nghỉ việc?

Ảnh minh họa

Bác sĩ T.K.N. đã có hơn chục năm công tác tại một bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở đóng tại Hà Nội. Thế nhưng, cách đây mấy tháng, anh N. đã dứt áo ra đi rồi vào làm tại một phòng khám tư.
Hơn chục năm gắn bó nhưng vẫn phải dứt áo ra đi

Bác sĩ N. chia sẻ, công việc của anh rất vất vả. Do lượng bệnh nhân đông, có ngày anh phải khám cả trăm lượt người. Trong khi đó, lương bác sĩ tính theo hệ số quy định của Nhà nước cùng với phụ cấp ngành. Ngoài ra, anh còn có tiền thu nhập tăng thêm của bệnh viện. Tính ra, mỗi tháng thu nhập của anh được khoảng 15 triệu đồng. Để có thêm thu nhập cho gia đình, tranh thủ ngày nghỉ, anh đi làm thêm tại phòng khám tư. Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng bệnh nhân ít đi. Những ngày tháng đi hỗ trợ các địa phương khác chống dịch, dù được trợ cấp khoảng 200.000 đồng/ngày nhưng thu nhập tăng thêm lại bị cắt do không trực tiếp làm việc tại bệnh viện. Trong khi đó, tại vùng dịch, các y bác sĩ như anh làm việc vất vả hơn, trung bình, mỗi ngày làm việc 12 tiếng, thậm chí còn hơn. Nhiều hôm về nhà đã khuya, anh trệu trạo nhai thìa cơm rồi đi ngủ. Bởi có muốn gọi điện cho con cũng chẳng được, vì giờ ấy mọi người đã đi ngủ.

Khi dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, bệnh viện nơi trước đây anh công tác lại đưa ra nhiều chính sách mới. Đơn cử, y, bác sĩ phải tăng buổi trực nhưng không có phụ cấp, hoặc cắt giảm phụ cấp. Đặc biệt, khi trong khoa có nhân viên bị kỷ luật thì cả phòng bị liên đới. Như khoa của anh, trưởng khoa bị kỷ luật vì làm ngoài giờ, cả phòng cũng bị cắt thi đua. Ngoài ra, một số người cũng bị cắt giảm thu nhập tăng thêm. Một số người phản ứng ra mặt nhưng số khác thì "cắn răng chịu đựng".

Biết trình độ tay nghề của bác sĩ N. rất "cứng", đã nhiều lần phòng khám tư ngỏ ý mời anh về làm. Họ cam kết, trả lương, thưởng hậu hĩnh. Trước đây, anh còn đắn đo và còn tư tưởng "chân trong, chân ngoài". Tuy nhiên, gần đây, chán nản với môi trường làm việc cũ, nên khi phòng khám tư lại mời cùng chế độ đãi ngộ tốt như lương "cứng" 70 triệu đồng, ngoài ra còn được thưởng, anh đồng ý ngay. "Mình ra đi cũng tiếc lắm, bởi bệnh viện là môi trường để rèn luyện tay nghề, học hỏi thầy cô, đồng nghiệp. Tuy nhiên, ai cũng cần phải sống, phải nuôi gia đình", bác sĩ N. bày tỏ.

Trước tình trạng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc, Sở Y tế thành phố Hà Nội đã có văn bản trình UBND thành phố, báo cáo Thường trực HĐND thành phố về việc đề nghị xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ các y, bác sĩ và nhân viên y tế của thành phố theo trình tự, thủ tục rút gọn. UBND TP Hà Nội cho rằng, một chế độ đãi ngộ thỏa đáng, kịp thời là rất cần thiết, cũng là việc cần sớm giải quyết để tri ân, ghi nhận, khích lệ, động viên đối với những đóng góp to lớn của lực lượng y tế.

Thời gian qua, có nhiều nhân viên y tế trong cả nước nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, năm 2021, toàn ngành có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác. Từ tháng 1 đến ngày 30/4/2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác. Tổng cộng, từ đầu năm 2021 đến ngày 30/4 năm nay, Hà Nội có gần 860 cán bộ y tế nghỉ việc, chuyển công tác.

Không riêng Hà Nội, tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2021 có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc; Riêng quý 1/2022 đã có gần 400 người nghỉ việc. Tại Đồng Nai, chỉ trong khoảng 6 tháng đầu năm 2022 đã có 230 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Còn tại Gia Lai, trong năm 2021, có 110 trường hợp là bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tại tỉnh này tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ.

Vì sao nhiều nhân viên y tế nghỉ việc? - Ảnh 2.

Hình ảnh nhiều nhân viên y tế chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 thời điểm năm 2021. Ảnh minh họa: Gia Khiêm

Người bệnh chịu thiệt thòi

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế bệnh viện công nghỉ việc, lãnh đạo một bệnh viện tuyến Trung ương cho biết, hơn 2 năm chống dịch Covid-19 vất vả, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đi hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch đã làm việc kiệt sức. Tuy nhiên, thù lao họ nhận được chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Thậm chí, có điều dưỡng viên xin nghỉ việc vì thời gian dịch đã tranh thủ bán hàng oline và nhận thấy thu nhập cao hơn so với nghề điều dưỡng vất vả, lương thấp.

Bác sĩ Lê Hữu Nghị, Phó Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, cho rằng, ngoài công tác khám, chữa bệnh vất vả, các y, bác sĩ luôn đối diện với nhiều rủi ro. Nhất là việc chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hoặc các dịch vụ kỹ thuật cho bệnh nhân bị BHYT cắt giảm. Thực tế, đã có khá nhiều phát sinh trong điều trị, kể cả phần thuốc cho người bệnh luôn bị BHYT "đe dọa" cắt giảm. Ngoài ra, ngành y là ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, chỉ cần sơ ý (do chủ quan, mệt mỏi, kiệt sức...) sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng người bệnh. Ngoài rủi ro do con người, còn có cả rủi ro do cơ chế đem lại. Ví như hiện nay nhiều bệnh viện bị thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị cho người bệnh do đấu thầu. Nếu bệnh viện giải quyết để có thuốc cho bệnh nhân, có khi người chấm thầu, người ký duyệt hồ sơ... mang họa vào thân. Trong khi đó, nhân viên y tế bỏ việc ra bệnh viện tư hoặc các phòng khám tư để làm với mức lương, thưởng gấp 3- 10 lần so với bệnh viện công. "Tâm lý lo sợ đang bao trùm những người chấm thầu, kể cả người duyệt hồ sơ. Các y bác sĩ có thể làm đúng ở thời điểm hiện tại nhưng sau này chưa biết sẽ như thế nào", bác sĩ Nghị nói.

Bác sĩ Nghị cũng cho rằng, hậu quả do thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công thì người bệnh sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi. Nhiều bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra để mua thuốc, mua vật tư ở bên ngoài với giá rất cao. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng có khả năng chi trả. "Để vực dậy ngành y, lãnh đạo ngành y Việt Nam cần có đủ cái Tâm- cái Tài- cái Đức. Ngoài ra, cần có một cuộc cải tổ mạnh mẽ trong thượng tầng kiến trúc ngành y Việt Nam. Vấn đề là những người đứng đầu có dám nghĩ, dám làm, có dám đề xuất với Đảng, Chính phủ để đổi mới hay không", bác sĩ Nghị chia sẻ.

Ngày 29/6/2022, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trực thuộc và Sở Y tế địa phương yêu cầu báo cáo tình hình viên chức y tế nghỉ việc. Theo Bộ Y tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, viên chức, nhân viên y tế đang gặp nhiều khó khăn, vất vả. Theo đó, cường độ và áp lực công việc cao, cơ sở vật chất của các đơn vị y tế công lập còn hạn chế, môi trường làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Trong khi đó, thu nhập lại bị giảm đáng kể, nhất là tại các đơn vị y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Để có thông tin phục vụ công tác quản lý cũng như có biện pháp duy trì nhân lực y tế cần thiết, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc và nguyên nhân. Thời điểm thống kê từ ngày 1/1/2022 đến ngày 15/6/2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm