pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vì sao sữa bột giả "hoành hành" trên thị trường suốt thời gian dài?

Trong vòng 4 năm, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood đã cho ra đời 573 nhãn hiệu sữa bột giả
Quảng cáo bán sữa giả tràn lan trên mạng xã hội
Không chỉ mới đây khi cơ quan chức năng triệt phá đường dây sản xuất sữa giả và tung ra thị trường gần 600 nhãn hiệu sản phẩm, doanh thu lên tới gần 500 tỷ đồng khiến dư luận xôn xao, mà trước đó, các cơ quan báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng quảng cáo bán sữa giả tràn lan trên không gian mạng xã hội một cách công khai.
Các đối tượng sản xuất kinh doanh mặt hàng này còn dàn dựng những kịch bản quảng cáo rất công phu, từ việc thuê người nổi tiếng quảng cáo; thuê người đóng giả chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ; thuê diễn viên quần chúng đóng giả bệnh nhân đã uống sữa của họ và khỏi bệnh tật. Từ đó khiến cho nhiều người bệnh vì nhẹ dạ cả tin, vì thiếu thông tin, vì tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” đã trở thành những con mồi rơi vào các cái bẫy lừa được chúng giăng ra trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Quang, ở xã Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), chia sẻ: “Các quảng cáo sữa giả trên không gian mạng xã hội ngày càng tinh vi hơn, họ dàn dựng kịch bản rất công phu, đánh trúng vào đối tượng khách hàng là những người lớn tuổi, thường mắc các bệnh tuổi già. Khi xem các quảng cáo thấy các y sĩ, bác sĩ, người nổi tiếng nói đúng với biểu hiện bệnh tật mà họ mắc phải, họ đã tin tưởng rồi bỏ tiền ra mua. Nhiều người vì quá tin mà còn bỏ các thuốc điều trị để sử dụng sữa với hy vọng có thể giúp họ vượt qua bệnh tật”.
Vào Google tìm kiếm từ khóa “Sữa xương khớp” trong khoảng thời gian 0,26 giây đã cho ra hàng nghìn sản phẩm và các sản phẩm đều được quảng cáo những công dụng rất “thần kỳ”. Tuy nhiên, kiểm tra kỹ thì chúng tôi phát hiện hầu như các sản phẩm này đều không phải là sữa, nó chỉ được gắn mắc sữa để đánh lừa người tiêu dùng mà thôi.
Sữa bột giả đến từ đâu?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, hầu hết các nhãn hiệu, sản phẩm sữa bột giả trên thị trường đều là thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Sau đó được quảng cáo là sữa bột và thổi phồng công dụng như "thần dược" đánh lừa người tiêu dùng.
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 4 nhóm là: thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Trong đó, với nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố - nghĩa là các sản phẩm sẽ được sản xuất và lưu thông ngay khi thực hiện tự công bố và không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.
Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng quy định này để sản xuất thực phẩm bổ sung và tự công bố sản phẩm, đến khi đưa ra thị trường thì cho sản phẩm "đội lốt" sữa bột, do vậy chỉ trong thời gian ngắn trên thị trường đã xuất hiện tràn lan các sản phẩm sữa giả.
Như vụ cơ quan chức năng triệt phá đường dây sữa giả vừa qua cho thấy, chỉ trong vòng 4 năm hoạt động, các đối tượng này đã tuồn ra thị trường tới 573 nhãn hiệu sản phẩm, đạt doanh thu tới 500 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm chúng đưa ra thị trường tới hơn 140 nhãn hiệu sữa bột giả.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: "Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các quảng cáo thực phẩm chức năng, quảng cáo sai sự thật, lừa dối hay gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý, khiến cho một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không bảo đảm an toàn”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay, thị trường thực phẩm có khoảng hơn 84.000 thực phẩm thông thường; 54.549 sản phẩm thực phẩm chức năng (29.779 thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 350 thực phẩm dinh dưỡng y học, 1.287 thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; 23.133 thực phẩm bổ sung), trong đó đến 80,4% là sản phẩm sản xuất trong nước của 201 cơ sở sản xuất.
Mặc dù công tác hậu kiểm vẫn được duy trì, song Bộ Y tế thừa nhận công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.
Thực tế, với hàng ngàn thực phẩm chức năng có mặt trên thị trường nhưng công tác hậu kiểm còn hạn chế, đồng nghĩa còn rất nhiều sản phẩm đang được lưu thông nhưng chưa được kiểm soát về chất lượng, người tiêu dùng cũng có thể gặp rủi do khi sử dụng sản phẩm bất cứ lúc nào.
Tăng chế tài xử lý, cần nhưng chưa đủ
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, xử phạt nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Theo số liệu của Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 87 cơ sở với số tiền 16,858 tỷ đồng; tại địa phương xử phạt 20.881 cơ sở với số tiền phạt 123,840 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực thực phẩm chức năng.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay có 4 vi phạm đạo đức nghiêm trọng trong quảng cáo trong thực phẩm chức năng, đó là quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm là những người bệnh, đặc biệt là người bệnh hiểm nghèo.
Từ đó PGS.TS Trần Đáng cho rằng: “Hiện vẫn thiếu các quy chế cụ thể cho người quảng cáo, đơn vị kinh doanh và nền tảng phát hành quảng cáo. Đồng thời, hệ thống quản lý, thanh tra chưa hoàn thiện, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết: "Siết quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ nằm ở việc tăng chế tài, mà cần thêm những giải pháp đồng bộ, sát với thực tế. Hiện nay mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đã tăng nhiều so với trước và thật sự nếu chỉ tính khung, mức xử phạt ít nhiều đã có tính răn đe. Nhưng ngoài chế tài, phải nhìn thực trạng, có bắt được vi phạm, có xử lý được vi phạm hay không? Hiện lực lượng thanh tra kiểm tra trong lĩnh vực còn khá mỏng, thậm chí thời gian tới sẽ mỏng hơn vì tinh gọn. Ngoài ra, quyền hạn của lực lượng thanh tra cũng bị hạn chế. Do vậy, mức phạt có cao đi chăng nữa nhưng nếu lực lượng mỏng, cơ chế và quyền lực cho thanh tra ít thì khó để phát hiện xử lý các vi phạm, không phát huy hết được ý nghĩa của việc tăng chế tài”.
Trước những vấn nạn trên, hiện nay, Bộ Y tế đang lấy ý kiến để sửa đổi nghị định 15/2018/NĐ-CP vì một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Trong đó sẽ bổ sung thêm nhiều quy định mới nhằm tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm và các doanh nghiệp không trung thực khi tiến hành công bố sản phẩm.
Bộ Y tế đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP với các nội dung như sau:
Quy định đăng ký công bố sản phẩm: Chỉ cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu được đứng tên công bố, các tổ chức khác phải có giấy ủy quyền để tránh giả mạo hồ sơ.
Thuyết minh thành phần sản phẩm: Doanh nghiệp phải giải trình rõ thành phần chính và chất ổn định công thức, hạn chế phối trộn không cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Bổ sung trường hợp phải công bố lại: Áp dụng khi thay đổi tổ chức chịu trách nhiệm, xuất xứ, thành phần, công dụng… nhằm ngăn chặn quảng cáo sai lệch.
Thu hồi giấy công bố sau 3 năm không kinh doanh: Sản phẩm không sản xuất, kinh doanh trong 3 năm sẽ bị thu hồi đăng ký, doanh nghiệp phải lưu hồ sơ phục vụ hậu kiểm.
Kiểm nghiệm thực phẩm: Bổ sung quy định về cơ sở kiểm nghiệm nhằm nâng cao giám sát và đảm bảo an toàn thực phẩm.