Phát biểu tại tọa đàm, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - khẳng định, trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế nổi bật với sự đóng góp đáng kể của ngành nông nghiệp. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, mặc dù nông nghiệp chỉ đóng góp 16,3% GDP của Việt Nam nhưng có đến 41,9% lực lượng lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp.
Lao động nữ của cả nước là 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%, so với 57,5% nam giới. Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng và chủ chốt trong sản xuất nông nghiệp. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của Việt Nam.
Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam - cho rằng chỉ có thể thay đổi cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái nông thôn nếu như xóa bỏ những rào cản về mặt cấu trúc, phân biệt đối xử trong luật pháp, thực tiễn để đảm bảo các cơ hội, kết quả bình đẳng cho phụ nữ.
Còn theo bà Elisa Fernandez - Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về BĐG và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Việt Nam cần quan tâm đến quyền của phụ nữ nông thôn về tiếp cận đất đai và các nguồn lực sản xuất, tiếp cận tới chuẩn mực mức sống đầy đủ và an sinh xã hội, tham gia vào quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro do thảm họa gây ra.
Các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có phụ nữ ở khu vực nông thôn được đặc biệt quan tâm. Phụ nữ nghèo, thu nhập thấp được tiếp cận tới hàng loạt các sản phẩm tài chính vi mô đa dạng như vốn, tiết kiệm, bảo hiểm thông qua các Quỹ hỗ trợ tín dung, Quỹ Bảo hiểm vi mô. Theo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tính đến tháng 7/2017, gần 3 triệu hộ phụ nữ nghèo, khó khăn được vay vốn với số tiền trên 75.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ủy thác, tín chấp của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đang được thực hiện, trong đó các chỉ tiêu quan trọng tập trung vào phụ nữ nông thôn là “Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50% vào năm 2020” và “Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100% vào năm 2020”. Đến nay, ước tính có trên 46% lao động nữ trong tổng số lao động được học nghề theo các đề án, chương trình của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.