Khát vọng hòa bình
Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam được coi là biểu tượng của lương tâm, vinh dự của thời đại, một dân tộc nhỏ dám kiên cường đương đầu, chống lại những đế quốc lớn, vì các mục tiêu cao cả: Độc lập dân tộc, dân chủ mà cao nhất là quyền được sống trong độc lập, tự do, theo con đường lựa chọn của mình. Chính điều đó là sức mạnh mềm tạo nên lực hấp dẫn của Việt Nam. Vì thế mới có người mơ ước sau một đêm ngủ dậy thành người Việt Nam; mới có những cuộc biểu tình rầm rộ trên thế giới phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ; mới có phong trào hiến máu cho Việt Nam, phong trào tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu… Sự ủng hộ vật chất và tinh thần to lớn đó đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của Việt Nam mùa xuân năm 1975.
Với Hiệp định Geneve năm 1954, lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã công nhận một quốc gia thuộc địa có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó không những cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm hoàn thành các mục tiêu độc lập dân tộc mà còn có tác dụng động viên phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.
Hội nghị Geneve đã nêu rất cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một hội nghị quốc tế đa phương và đã trở thành tâm điểm của hoạt động quốc tế trong suốt những năm giữa thập kỷ 50 và cả những năm sau đó. Từ chỗ là một thuộc địa của Pháp, với cuộc đấu tranh đầy hy sinh, anh dũng của mình, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một bên tham gia đàm phán quốc tế, phát huy thiện chí hòa bình, tranh thủ được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và dân chủ.
Hiệp định Geneva đã đánh dấu một nửa nước được thống nhất, có thời cơ hòa bình xây dựng. Nhờ vậy, miền Bắc được củng cố để làm hậu phương lớn vững chắc chuẩn bị cho khả năng phải tiếp tục chiến đấu lâu dài giải phóng miền Nam. Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là một thành công lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu nấc thang đi lên trong tiến trình giải phóng dân tộc. Hiệp định Geneve cùng Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Hiệp định Paris 1973 trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Tiếp đó, trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán kéo dài ngày nhất, ròng rã gần 5 năm từ năm 1968 đến năm 1973 mới kết thúc. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn là bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí, mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, mềm mại nhưng khéo léo và đầy bản lĩnh trước những đòn tấn công ngoại giao sắc bén... Bà gọi công việc đó là “ngoại giao nhân dân”, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim.
Hiệp định Paris đã củng cố niềm tin của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa; đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, vì hòa bình và công lý.
Sự vươn lên mạnh mẽ
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ địa cầu, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh lại bị bao vây cấm vận, nay trở thành một Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ kinh tế thương mại với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ; có vai trò, vị thế ngày càng nổi bật trong khu vực và trên thế giới; là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC, WTO…
Nhiều năm qua, sức mạnh nội lực quốc gia đã tăng lên nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Việt Nam đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, tích cực tham gia giải quyết những vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước liên quan, góp phần giữ vững môi trường hoà bình khu vực và thế giới. Việt Nam có chính sách đối ngoại toàn diện được triển khai ở tất cả các kênh, từ ngoại giao chính trị tới ngoại giao kinh tế, văn hóa, từ đối ngoại nhà nước tới đối ngoại Đảng, Quốc hội và ngoại giao nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả nước, cả dân tộc. Các nước đã nhìn nhận Việt Nam là một nhân tố địa-chính trị quan trọng tại khu vực. Mối quan hệ bang giao đã đưa Việt Nam vào hàng các nước có tiếng nói thân thiện và tin cậy nhất của thế giới.
Từ khi gia nhập Liên hợp quốc 1977, Việt Nam đã là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và hiện là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á-Thái Bình Dương cho nhiệm kỳ 2020-2021. Tại khu vực, Việt Nam là một thành viên quan trọng của ASEAN, một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong ASEAN và cũng là một đối tác ngoại giao quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam tin tưởng sẽ đóng góp tích cực hơn nữa vào tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên và hòa bình, phát triển bền vững trên thế giới.
Việt Nam - Địa chỉ trong tương lai của các hiệp định hòa bình quốc tế
Năm 2019 đánh dấu 20 năm Hà Nội được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”. Việc Thủ đô Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai là một minh chứng rõ nét cho thấy vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Việt Nam đã trở thành "cầu nối" cho tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, giữ vai trò một đối tác góp phần kiến tạo hòa bình không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà cả khu vực Đông Bắc Á.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên góp phần hiện thực hóa phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Việt Nam tích cực tham gia tìm giải pháp cho các vấn đề "nóng" của khu vực và thế giới, đem lại hòa bình, ổn định và phát triển. Mặt khác, với việc tổ chức sự kiện quan trọng này, Việt Nam một lần nữa khẳng định với cộng đồng thế giới rằng Việt Nam là điểm hẹn hòa bình, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, tích cực của tất cả các quốc gia trên thế giới, tái chứng minh sự đúng đắn của đường lối “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ quốc tế.
Còn theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, Triều Tiên và Mỹ chọn Hà Nội vì một nét đặc thù riêng có, đó là Việt Nam là “chất xúc tác đặc biệt” đối với tiến trình đàm phán. Mỗi bên đều tìm thấy ở Việt Nam những điều họ đang kỳ vọng với phía bên kia. Tựu trung lại, Việt Nam mang tính biểu tượng cao của khát vọng hòa bình và hòa giải, từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ lẫn nhau, sang từng bước xây dựng lòng tin, để từ cựu thù trở thành đối tác của nhau. Như vậy, Việt Nam không chỉ đơn thuần cung cấp địa điểm, hậu cần, an ninh… cho cuộc gặp mà Việt Nam còn là sự khích lệ hai bên “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, hướng tới tương lai”.
Cựu chiến binh Mỹ Chuck Searcy thì cho rằng, sống gần 1/4 thế kỷ qua tại Việt Nam để làm công việc hòa giải, khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc da cam, ông đã chứng kiến Việt Nam trở thành bạn và đối tác bình đẳng với tất cả các nước. “Việt Nam có thể gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Đó là điều đặc biệt mà thế giới có thể học hỏi và người nước ngoài thấy hấp dẫn ở Việt Nam. Việt Nam đã cho thấy là một đất nước đầy năng lực trong việc đạt được hòa bình và hòa giải. Người Việt Nam giang tay ôm những người khác, đưa họ lại gần nhau. Người Việt rất giỏi việc này. Vì vậy, Việt Nam tạo một nền tảng trung lập, ổn định để Triều Tiên và Mỹ có thể gặp nhau đàm phán nghiêm túc về hòa bình”, ông Chuck nói.
Thực tế chứng minh trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn có sự tham dự của nguyên thủ các siêu cường như Hội nghị nguyên thủ các nước Châu Á-Thái Bình Dương APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu ASEM… Các nguyên thủ quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ của các siêu cường, đến đây đều bày tỏ sự hài lòng không chỉ về môi trường an ninh mà công tác tổ chức các sự kiện lớn Việt Nam đều làm rất tốt, tạo thành uy tín quốc tế. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều được coi là sự kiện quốc tế lớn và đầy tính nhạy cảm, Việt Nam được chọn rõ ràng bởi đã được đánh giá cao về năng lực tổ chức. Điều đó sẽ khiến một lần nữa uy tín của Việt Nam được nâng cao.
“Việt Nam rất khát khao hòa bình và trong quá khứ những địa danh như Geneva, Paris… từng được nhắc đến là nơi ký kết những Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai này, Việt Nam sẽ là nơi được tìm đến như một địa điểm lý tưởng cho việc đàm phán, ký những hiệp định quốc tế lớn. Cái tên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành địa danh có giá trị quốc tế gắn với những hiệp định trọng đại trong tương lai”, GS Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ sự lạc quan.