pnvnonline@phunuvietnam.vn
VNM trở lại top 10 với vốn hóa 6,4 tỷ USD, nhà đầu cần lưu ý gì?
Cổ phiếu VNM trở lại top 10 vốn hoá lớn nhất sàn, được kỳ vọng tăng mạnh 20% thị giá. Ảnh minh hoạ
Giá trị vốn hóa Vinamilk vượt "ông lớn" Vingroup
Kể từ phiên "bùng nổ" vào cuối tuần trước, VN-Index đã tăng mạnh liên tiếp 3 phiên vừa qua với tổng số điểm tăng 49 điểm, giúp chỉ số vượt ngưỡng 1.270 điểm sau gần 2 tháng liên tục "rung lắc", thanh khoản ảm đạm.
Nhờ vào đó mà diễn biến chung các mã cổ phiếu ở hầu hết các nhóm ngành đều có xu hướng tăng tích cực.
Điển hình trong số đó là cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM, HOSE) khi bứt phá tăng mạnh thị giá, vượt lên quanh ngưỡng 76.000 đồng/cp. Như vậy, sau gần 1 tháng, cổ phiếu VNM đã tăng hơn 16%, giao dịch lên vùng cao nhất trong gần 1 năm qua, kể từ tháng 9/2023 đến nay.
Nhờ đó, vốn hóa của Vinamilk được tăng lên xấp xỉ ngưỡng 160.000 tỷ đồng (tương đương 6,4 tỷ USD). Giá trị này đã vượt "ông lớn" Vingroup (mã cổ phiếu VIC), trở lại top 10 doanh nghiệp có giá trị nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Dù vậy, mức vốn hóa hiện tại vẫn còn hạn chế so với thời kỳ hoàng kim hồi cuối năm 2017, giai đoạn Vinamilk còn là cái tên giá trị nhất thị trường.
Những tác nhân giúp cổ phiếu VNM tăng liên tục
Đà tăng của cổ phiếu VNM đến từ sự hỗ trợ đắc lực của khối ngoại. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 33 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng giá trị gần 2.400 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, quý 2/2024 là quý có doanh thu cao nhất của Vinamilk với 16.655 tỷ đồng, vượt đỉnh 16.194 tỷ đồng (quý 3/2021), đồng thời cũng là quý đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay với 9,5% so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế là 2.696 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Kết quả này được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước ở mức tăng trưởng tăng lần lượt là 5,8% và 29,9% so cùng kỳ. Trong đó, thị trường nước ngoài đóng góp tới 18,5% doanh thu hợp nhất quý II/2024; doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.740 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ.
Tổng kết 6 tháng đầu năm, Vinamilk thu về 30.768 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.903 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 5,7% và 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau nửa đầu năm 2024, Vinamilk đã hoàn thành 51% về doanh thu với mức lợi nhuận sau thuế đạt 47% kế hoạch đề ra của năm 2024.
Diễn biến lợi nhuận sau thuế tại Vinamilk những năm vừa qua
Quy mô tài sản sau 6 tháng đầu năm cũng có sự cải thiện tích cực. Trong 6 tháng qua, Vinamilk đã "giải quyết" được gần 2.000 tỷ đồng nợ phải trả, giảm mức nợ xuống 15.856 tỷ đồng, đồng thời nâng vốn chủ sở hữu thêm 9,5% so với thời điểm đầu năm, đạt mức 38.337 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại Vinamilk tính đến hết tháng 6 đạt 54.194 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm tỷ lệ 29,3%, vốn chủ sở hữu chiếm 70,7%.
Nhà đầu tư lưu ý yếu tố rủi ro gì?
Diễn biến tăng trưởng tích cực của Vinamilk trong bối cảnh ngành tiêu dùng trong nước nhận về nhiều hỗ trợ: doanh thu bán lẻ tiếp nối đà tăng mạnh trong tháng 7 ở mức gần 10% so với tháng trước; nền kinh tế phục hồi; thuế giá trị gia tăng duy trì ở mức 8% được kéo dài tới cuối năm 2024.
Xuất khẩu cũng được mở rộng đà tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 15,7% so với cùng kỳ, VNM từ đó hưởng lợi nhiều với số liệu xuất khẩu tăng vượt trội trong quý 2 vừa qua.
Theo Chứng khoán Mirae Asset, nhờ vào giá nguyên liệu giảm cùng với việc đẩy mạnh marketing sản phẩm đã giúp Vinamilk đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quý 2 năm nay. Đồng thời, giúp doanh nghiệp xuất hiện nhiều tiềm năng, triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới. Điển hình là tình hình giá sữa bột dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà giảm trong tương lai, góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng biên độ lợi nhuận trong dài hạn; tiềm năng tới từ mảng thịt bò của VNM.
Song, nhà đầu tư cần lưu ý, đây cũng là một rủi ro cho cổ phiếu VNM, khi giá sữa bột thế giới vẫn có thể tăng khi chịu tác động từ các yếu tố địa chính trị hoặc rủi ro thời tiết; xuất hiện đối thủ cạnh tranh mới tại thị phần trong nước.