Như PNVN đã phản ánh, hiện nhiều doanh nghiệp thường phủ nhận sản phẩm của mình quảng cáo sai trên trang web khi bị "sờ gáy".
Theo Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử thì để có website thương mại điện tử, doanh nghiệp phải thông báo với Bộ Công Thương. Theo đó, trên hồ sơ sẽ phải cung cấp các thông tin về tên thương nhân, tổ chức, cá nhân; số đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân; lĩnh vực kinh doanh/hoạt động; địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân; các thông tin liên hệ… Để khi có vấn đề gì liên quan đến sản phẩm thì cơ quan chức năng liên hệ và xử lý.
Quy định là vậy, nhưng các doanh nghiệp luôn tìm cách "né" luật, nhất là với những sản phẩm chưa được cấp phép lưu thông hoặc chưa được cấp phép quảng cáo. Vì sao cơ quan chức năng không xác định được chủ sở hữu của các website đó?
Để tìm hiểu vấn đề này, PNVN liên lạc với một người tên Yến, nhân viên một công ty công nghệ có trụ sở tại Hà Nội. Yến cho biết, công ty của cô chuyên cung cấp cấp các website cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Giá thành mỗi website phụ thuộc vào độ bảo mật cũng như yêu cầu của khách hàng.
Khi biết chúng tôi muốn làm một website để quảng cáo thực phẩm chức năng, Yến bảo có nhiều gói để lựa chọn. Theo đó, gói 1 là 1.999.000 đồng. Gói này sẽ có những giao diện mẫu, được miễn phí tên miền .com và .net. Đặc điểm của gói này là không có SSL, không cần cung cấp thông tin doanh nghiệp.
Gói 2 có giá 4 triệu đồng. Gói này ngoài được tặng tên miền .com và .net còn được tặng hotting trong năm đầu tiên. Bao gồm SSL, bản mobie.
Gói 3 là gần 9 triệu đồng, thiết kế theo yêu cầu của doanh nghiệp và được miễn phí tên miền .vn. Một số gói khác có chí phí cao hơn tùy theo yêu cầu của khách.
Sau khi nhận website và đi vào hoạt động, đơn vị cung cấp website sẽ hỗ trợ đăng bài trên website. Khi doanh nghiệp muốn mở rộng cao hơn thì bên cung cấp sẽ thiết kế lại cho phù hợp quy mô, doanh nghiệp.
Yến cũng cho biết, khi đăng ký bảo mật thì doanh nghiệp phải đăng ký thông tin với Bộ Công Thương theo quy định. Nếu chẳng may bị hack website thì sẽ lấy lại được tên miền cũng như các dữ liệu.
Chúng tôi bảo không muốn cơ quan chức năng quản lý thông tin, Yến tư vấn nên chọn gói 1, bởi gói này không bảo mật. Thay vào đó, những thông tin của doanh nghiệp cung cấp chỉ có đơn vị cung cấp website biết và bảo mật tuyệt đối.
“Có rất nhiều đơn vị lựa chọn gói 1 để mở website, nhất là với những doanh nghiệp chuyên về thực phẩm chức năng. Nếu chẳng may bị phát hiện thì họ bỏ luôn website này mà làm website khác”, Yến cho biết.
Như vậy, qua những thông tin mà Yến cung cấp, chúng ta có thể hình dung được cách doanh nghiệp lách luật. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp nhất mực từ chối đó là website của mình nên cơ quan chức năng không thể xử lý được.