pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vượt qua cảm giác cô đơn ở tuổi ngoài 50
Ảnh minh họa
Chị Bùi Minh Tân (47 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) có hai cậu con trai đều đã lớn nhưng chưa lập gia đình. Con út đang học đại học nên sống cùng bố mẹ. Còn cậu cả (theo đuổi ngành nghệ thuật) nên từ năm thứ 4 đại học đã xin bố mẹ ra ở riêng cho tiện sinh hoạt và công việc.
Chồng chị Tân là nhân viên lái tàu Bắc - Nam, thường xuyên vắng nhà. Trong khi mấy chị em cùng cơ quan tị nạnh vì chị Tân thảnh thơi, trong khi họ đầu tắt mặt tối cả ngày, hết việc nhà lại đến việc cơ quan thì chị Tân lại than: "Nhàn quá cũng thành tự kỉ. Nhiều hôm về nhà, chồng đi công tác, con thì đứa đi với bạn, đứa học thêm, làm thêm, một mình thui thủi, ăn chả buồn ăn, uống chả buồn uống. Nhiều lúc nằm nghĩ mà nước mắt cứ chảy ra vì buồn".
Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), cô đơn là sự khó chịu về nhận thức hoặc cảm giác không thoải mái khi ở một mình hoặc cảm thấy chỉ có một mình mình. Đây là một sự đau khổ về cảm xúc mà chúng ta cảm thấy khi nhu cầu thân mật và đồng hành vốn có của chúng ta không được đáp ứng.
Xét ở khía cạnh này, chị Tân và nhiều phụ nữ trung niên dễ rơi vào cảm giác cô đơn dù đang sống bên cạnh chồng con, gia đình.
Thông thường, phụ nữ vất vả nhất là thời gian sau kết hôn vì vừa phải gây dựng kinh tế gia đình, sinh con, nuôi con, phấn đấu cho sự nghiệp. Giai đoạn này, đòi hỏi phụ nữ phải gồng mình cố gắng gấp đôi, gấp ba. Nhiều khi, đương đầu với mệt mỏi, áp lực khiến họ bị stress.
Thế nhưng, khi con cái đã lớn, biết tự chăm sóc và kiếm tiền nuôi bản thân, không phụ thuộc vào cha mẹ, người mẹ lại dễ rơi vào cảm giác hẫng hụt.
Lý giải về điều này, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà phân tích: "Phụ nữ bước vào giai đoạn trung niên có nhiều sự thay đổi cả về tâm sinh lý lẫn sức khoẻ. Tâm lý lo lắng khi vào giai đoạn "tuổi xế chiều" khiến người trong cuộc dễ tủi thân, chạnh lòng, nặng tâm tư, nhiều suy nghĩ, chịu đựng nỗi buồn một mình nếu chồng con không gần gũi, lắng nghe và chia sẻ. Khi trạng thái này kéo dài, không được giải toả sẽ khiến phụ nữ rơi vào trầm cảm, cô đơn".
Trên nhiều diễn đàn, hội nhóm của phụ nữ trung niên, các thành viên chia sẻ về kinh nghiệm, bí quyết để vượt qua cảm giác cô đơn của bản thân. Có chị chọn cách tham gia các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao hay nhóm bạn có cùng sở thích. Có chị chọn cách đi du lịch, có người làm thơ, đọc sách, nghe podcast…
"Bạn có thể cho mình buồn một chút, chán nản một chút, xong phải nghĩ đến những điều tích cực để lấy lại tinh thần ngay.
Đừng chỉ nghĩ đến bản thân mình, cảm giác cô đơn của riêng mình mà hãy nhìn ra thế giới ngoài kia - thế giới của những người nhọc nhằn mưu sinh để có cơm ăn áo mặc, thế giới của những người đang phải đương đầu với bệnh tật, thế giới của những người đang gặp biến cố trong cuộc sống…., bạn sẽ thấy chẳng có lý gì để mình buồn chán cả.
Hãy luôn nghĩ rằng, ta không cô độc trong sự cô đơn của mình. Đôi khi, việc cảm thấy cô đơn là một điều bình thường", chị Trần Phương Huyền, một giáo viên Yoga, chia sẻ.