pnvnonline@phunuvietnam.vn
X-quang tuyến vú tầm soát sớm ung thư cho chị em ngoài 40 tuổi
TS.BS. Nguyễn Thu Hương (bìa trái) làm sinh thiết cho bệnh nhân
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp hữu hiệu nào có thể phòng ngừa ung thư vú, tuy nhiên ung thư vú là bệnh có thể chẩn đoán sớm và điều trị được khỏi hoàn toàn. Giai đoạn sớm có thể phát hiện qua sàng lọc bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như: siêu âm, X-quang hay MRI tuyến vú, trong đó X-quang là phương pháp hiện nay đã được khẳng định giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do ung thư vú đối với phụ nữ từ độ tuổi 40.
BS Thu Hương chia sẻ một ca lâm sàng với bệnh nhân nữ 64 tuổi tên H., tiền sử khỏe mạnh, trong gia đình không có ai mắc bệnh lý gì về ung thư vú hay ung thư buồng trứng. Bệnh nhân cho biết, bà có cảm giác đau nửa trên vú trái nên đã tới khám một cơ sở y tế, tại đây chị được chỉ định siêu âm, kết quả siêu âm cho thấy chị có nốt giảm âm tuyến vú trái (kích thước khoảng 10x9mm). Lo lắng trước một tổn thương có nguy cơ ung thư, chị đã thăm khám tại bệnh viện.
Theo BS Thu Hương, trên hình ảnh siêu âm tuyến vú của bà H. quan sát thấy nốt giảm âm vú trái với hình dạng bầu dục, cấu trúc giảm âm đồng nhất, bờ ranh giới rõ, có trục lớn song song mặt da, với tổn thương có hình thái như vậy hướng nhiều tổn thương lành tính.
Tuy nhiên với độ tuổi trên 40 tuổi, chưa từng chụp X-quang tuyến vú trước đây, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân cần chụp thêm X-quang tuyến vú 3D. Ngoài đánh giá nốt tổn thương một cách toàn diện trên không gian đa chiều, trên X-quang, bác sĩ có thể quan sát được những vùng biến đổi cấu trúc, vi vôi hóa mà trên siêu âm không thể thấy được. Trên hình ảnh X-quang cho thấy các vôi hóa đa hình thái và vô định hình tập trung thành vùng và thành nhóm tuyến vú trái, phân loại BIRADS 4b (nguy cơ ác tính 10%-50%).
Đối với tổn thương rất nghi ngờ như vậy, bệnh nhân sau đó được chụp MRI tuyến vú có tiêm thuốc cản quang, hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy các dải ngấm thuốc có xu hướng phân bố theo cấu trúc ống tuyến tương ứng với các đám - vùng vi vôi hóa trên X-quang (BIRADS 4). "Sau khi trao đổi với người bệnh, chúng tôi quyết định thực hiện can thiệp đám vi vôi hóa vú trái dưới hướng dẫn X-quang có đặt marker. Việc đặt marker sau can thiệp giúp các phẫu thuật viên định vị được tổn thương trong trường hợp có kết quả mô bệnh học bất thường", BS Thu Hương cho biết.
Do vi vôi hóa là các tổn thương rất nhỏ, đường kính nhỏ hơn 1mm, nên để lấy được chúng trong quá trình can thiệp dưới hướng dẫn X-quang thực sự là một kỹ thuật khó, đòi hỏi thiết bị chuyên biệt và người làm can thiệp phải có kỹ năng và kinh nghiệm. Dưới nỗ lực của ekip Trung tâm Vú, bà H. đã được lấy mảnh bệnh phẩm ra khỏi cơ thể. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy những mảnh bệnh phẩm có vi vôi hóa là ung thư thể ống tại chỗ.
Ung thư thể ống tại chỗ còn được gọi là ung thư biểu mô trong ống dẫn sữa hoặc ung thư vú giai đoạn 0. Ung thư thể tại chỗ là bệnh ung thư vú không xâm lấn, điều này có nghĩa là các tế bào lót ống dẫn sữa đã thay đổi thành tế bào ung thư nhưng chúng không lan qua thành ống dẫn vào mô vú xung quanh. Chính vì vậy, việc phát hiện từ giai đoạn rất sớm khiến bệnh nhân có cơ hội điều trị bảo tổn tuyến vú (phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến vú), có thể không cần phải điều trị hóa chất toàn thân, giảm tác dụng không mong muốn của hóa chất lên cơ thể như: rụng tóc, mệt mỏi, loét dạ dày-đại tràng..., từ đó giúp nâng cao chất lượng sống. Hơn nữa, theo thống kê, tỷ lệ sống thêm 10 năm của bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn 0 lên tới 98%, ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn này gần như không ảnh hưởng tới tuổi thọ trung bình.
Qua ca lâm sàng này, vai trò của X-quang tuyến vú trong chẩn đoán sớm ung thư vú được khẳng định. Với các chị em bước sang tuổi 40, bên cạnh siêu âm thì chị em trong độ tuổi trên cần được chụp X-quang tuyến vú hằng năm để có thể phát hiện được ung thư vú từ giai đoạn 0, khi các tế bào ác tính chưa xâm lấn qua cấu trúc ống tuyến ra nhu mô xung quanh, không hề có dấu hiệu nào trên lâm sàng.