Xác thực sinh trắc học: Gần hạn chót, app có thể quá tải

Tuệ Anh
20/12/2024 - 17:34
Xác thực sinh trắc học: Gần hạn chót, app có thể quá tải

Người dân cần nhanh chóng xác thực sinh trắc học để tự bảo vệ quyền lợi. Ảnh minh họa

Việc xác thực sinh trắc học được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cùng các nhà băng đánh giá, không chỉ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà còn nhằm giảm tình trạng gian lận và các hành vi lừa đảo tài chính.

Nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân xác thực sinh trắc học

Theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến và giao dịch tại ATM nếu: (1) Chưa hoàn thành đối số đối chiếu giấy khai báo và thông tin sinh trắc nghiệm đúng đắn; (2) Chưa cập nhật, tiện ích bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, thị thực) đã hết hiệu lực.

Tại cuộc họp vào sáng nay của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cùng các ngân hàng về việc rà soát quán triệt nghiêm túc thực hiện các quy định xác thực sinh trắc học theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN, nhiều hội viên chia sẻ, dù gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hỗ trợ người dân kịp thời cập nhật sinh trắc học nhanh chóng, đảm bảo không bị gián đoạn các giao dịch.

Quy định này được đánh giá là bước đi mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, từ đó tạo dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sâu rộng và bền vững.

Ngay từ đầu năm, nhằm thực hiện theo Quyết định 2345/QĐ-2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, các nhà băng đã tích cực phối hợp cùng Bộ Công an để triển khai tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp.

Ngoài ra, sau khi Thông tư 17 và Thông tư 18 được ban hành vào cuối tháng 6 năm nay, các ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kêu gọi hỗ trợ khách hàng nhằm sớm hoàn thiện xác thực sinh trắc học để tránh ảnh hưởng đến các giao dịch trực tuyến.

Cụ thể như: Gửi thông báo rà soát thông tin thời hạn giấy tờ tùy thân và thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học; Tăng cường giải pháp hỗ trợ khách hàng: xác thực tại quầy, xác thực trên nền tảng số, yêu cầu nhân viên hỗ trợ tại màn hình hiển thị, tăng cường đội ngũ tổng đài,...; Chạy chương trình khuyến mãi, tăng quà, tăng điểm/bốc thăm thưởng;...

Thậm chí, để kịp thời phục vụ nhu cầu người dân đến xác thực tại quầy, nhiều ngân hàng đã kéo dài thời gian làm việc trong tuần và làm thêm cuối tuần. Theo đại diện một ngân hàng, sau khi triển khai phương pháp này, lượng khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công đã tăng gấp đôi so với trước đó.

Đối với các trường hợp có yếu tố nước ngoài, các hội viên cũng đã nhanh chóng có phương án hỗ trợ.

Trường hợp người nước ngoài, người gốc Việt chưa xác định quốc tịch, quy trình xác thực yêu cầu gặp mặt trực tiếp tại ngân hàng. Khách hàng được nhận thông báo này thường xuyên qua các kênh: email, SMS Banking, Internet Banking...

Trường hợp người Việt Nam đang lao động ở nước ngoài và không thể về nước để thực hiện xác thực sinh trắc học trực tiếp, các ngân hàng đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ từ xa: xác thực qua ứng dụng ngân hàng; sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID); liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ đặc biệt.

Người dân nên thực hiện càng sớm càng tốt

Nêu ý kiến tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, cho biết: "Các tổ chức hội viên quán triệt và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hệ thống của ngân hàng cần liên tục cập nhật, rà soát số liệu và có các biện pháp để nhắc nhở khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân hợp lệ".

Xác thực sinh trắc học: Gần hạn chót, app có thể quá tải- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, trao đổi cùng các ngân hàng tại cuộc họp (Ảnh: VNBA)

Ông Hùng đưa ra khuyến cáo, thời điểm cuối năm và đầu năm thường phải sử dụng nhiều giao dịch thanh toán vì vậy, để tránh gián đoạn các giao dịch do bị hạn chế hoặc tạm dùng một số dịch vụ ngân hàng (giao dịch trực tuyến và sử dụng ATM/CDM), các chủ tài khoản cần lưu ý cập nhật sinh trắc học và các giấy tờ tùy thân hợp lệ trong năm 2024.

Đồng tình với quan điểm này, các ngân hàng nhấn mạnh, thời hạn hiệu lực Thông tư 17 và Thông tư 18 đang đến gần, khách hàng nên thực hiện cập nhật sinh trắc học càng sớm càng tốt, tránh tối đa việc để đến thời hạn chót bởi có thể nền tảng app hoặc quầy giao dịch sẽ quá tải, dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật, như giai đoạn cao điểm tháng 7 vừa qua.

Hơn nữa, cuối năm là thời điểm giao dịch tăng cao, việc cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân sẽ giúp khách hàng tránh gián đoạn dịch vụ, góp phần giảm tình trạng gian lận và các hành vi lừa đảo tài chính.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm