pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng các mô hình tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình ở tỉnh Lào Cai hiện nay
Hội LHPN tỉnh Lào Cai ra mắt mô hình "Trao yêu thương, Nhận hạnh phúc" góp phần bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình.
Tổng kết 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy, giai đoạn 2007 – 2022, tỉnh Lào Cai đã xây dựng và nhân rộng 132 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 460 câu lạc bộ và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại 40 xã, phường, thị trấn và 400 thôn, bản, tổ dân phố. Thực hiện Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số" trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 – 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng 01 mô hình thí điểm về "Tăng cường sự tham gia của Phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới" trong 2 năm 2020 – 2021 tại xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai. Trong đó, đã tổ chức 02 Hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới và hướng dẫn xử lý các vụ bạo lực gia đình cho trên 100 lượt thành viên Câu lạc bộ; 03 hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho trên 260 lượt người là trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng 20 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 100 Câu lạc bộ và 100 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình cấp thôn tại 20 xã thuộc Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà; thí điểm xây dựng mô hình sửa đổi hương ước, quy ước khu dân cư gắn với mô hình câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại 05 xã thuộc Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo xây dựng được 735 mô hình điểm về bình đẳng giới gắn với phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Hội LHPN tỉnh Lào Cai xây dựng và mở rộng mô hình "địa chỉ tin cậy", giai đoạn 2012 – 2016. Theo thống kê, các cấp Hội xây dựng được 180 địa chỉ tin cậy, 134/134 cơ sở Hội xuất sắc đã xây dựng được địa chỉ, từ đó tiến hành tuyên truyền công tác phòng, chống bạo lực gia đình và hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực. Giai đoạn 2016 – 2020, Hội xây dựng được 196 địa chỉ tin cậy tại 162 xã, phường, thị trấn.
Sở Lao động – TB&XH tỉnh tập trung xây dựng mô hình "Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh", theo thống kê, đến năm 2019 toàn tỉnh có 170 "Địa chỉ tin cậy – Nhà tạm lánh" cộng đồng, được đặt tại Nhà văn hóa thôn hoặc nhà của Trưởng thôn, tổ dân phố. Từ 2016 đến 2019, tại các địa chỉ này đã tiếp đón 45 trường hợp nạn nhân bị bạo lực giới hoặc có nguy cơ bị bạo lực đến đây để chia sẻ thông tin và có nhu cầu tư vấn hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, biện pháp phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình. Các mô hình là cơ bản được xây dựng và đặt tại cộng đồng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều hộ gia đình, qua đó từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, đồng thời hỗ trợ được các nạn nhân bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình duy trì và vận hành các mô hình này cũng đã cho thấy một số điểm còn hạn chế, như: khó tìm được địa điểm đặt mô hình khi một số gia đình có uy tín, có điều kiện về nhà ở song từ chối vì tâm lý "ngại liên lụy"; những người tham gia vận hành mô hình còn hạn chế về kiến thức pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; ít kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn, xử lý tình huống; vẫn còn một bộ phận người dân tại địa bàn xây dựng mô hình song chưa biết đến sự hiễn hữu của mô hình, chưa nắm được số điện thoại đường dây nóng cần liên lạc khi cần trợ giúp…
Đầu năm 2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, trong đó xác định chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Để đạt tiêu chí này, cần phải nâng cao hiệu quả các mô hình tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình.
Cụ thể: Tăng cường tập huấn kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, kỹ năng tư vấn, xử lý tình huống, hỗ trợ nạn nhân…cho lực lượng tham gia vận hành mô hình (thường với mô hình tại cộng đồng sẽ có trưởng thôn, cán bộ Hội Phụ nữ, cán bộ Đoàn, công an viên…).
Tăng cường truyền thông về mô hình đến người dân sống trên địa bàn đặt mô hình đó, vừa để tăng hiệu quả tuyên truyền, vừa tăng khả năng tiếp cận với nhóm đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới hoặc có nguy cơ cao bị bạo lực trên địa bàn.
Với các mô hình có tính tương thích cao với nhau về cả mục tiêu, đối tượng, nhân lực vận hành…(như mô hình "địa chỉ tin cậy" và "địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh") có thể tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin và kinh nghiệm duy trì, vận hành để tăng hiệu quả hoạt động.
Với các mô hình đã và đang thí điểm, cần phải nhanh chóng tổng kết để rút kinh nghiệm, nghiên cứu xây dựng và nhân rộng mô hình trong thực tế. Với các mô hình đã vận hành nhiều năm cần có sự rà soát, kiểm tra, đánh giá thực chất, từ đó điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Mở rộng và nâng cao được hiệu quả của các mô hình tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình sẽ góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu mà tỉnh Lào Cai đặt ra trong thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030.