pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng nền tảng công nghệ kết nối cung cầu cho phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp
Bà Phạm Thị Thanh Hương (thứ 3 từ phải sang), Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội, cùng các lãnh đạo thăm quan gian hàng của phụ nữ Thủ đô
Sáng 16/7, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức hội thảo Phát huy vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong tuyên truyền, kết nối sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội, khẳng định, sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn được xác định là một yêu cầu quan trọng, cấp thiết để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, những năm qua Hội LHPN Hà Nội đã chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước, thành phố; các kiến thức và đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử. Cùng với đó, các cấp Hội phụ nữ thành phố cũng tăng cường phối hợp giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ nông sản còn thiếu đồng bộ; người tiêu dùng còn hạn chế trong việc tiếp cận nông sản theo chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn.
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo cho biết, theo số liệu thống kê hiện nay, phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50% dân số. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm gần 30%. Đặc biệt, chủ hộ kinh doanh, Giám đốc HTX thì 78% là phụ nữ, trong đó, chiếm đa số trong sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm.
Chia sẻ về giải pháp hỗ trợ phụ nữ thực hiện chuyển đổi số trong kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hảo kiến nghị, thời gian tới, cần tiếp tục đào tạo kỹ năng số, hướng dẫn phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong giao dịch thương mại, vận động phụ nữ tăng cường thanh toán trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt, sử dụng internet an toàn trong tra cứu thông tin và trong các giao dịch thương mại, phòng ngừa rủi do trên không gian mạng. Đồng thời, xây dựng "nền tảng công nghệ quản lý đội nhóm, kết nối cung cầu, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo cho phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp" kết nối với các nền tảng công nghệ có uy tín để thúc đẩy hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Theo thống kê, hiện Hà Nội có gần 30 trung tâm thương mại, 130 siêu thị, 455 chợ, trên 2.500 cửa hàng tiện ích, 1.414 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 159 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, 56 điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá và kinh doanh sản phẩm OCOP. Các hoạt động kết nối tiêu thụ, phân phối nông sản thông qua hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng và các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được diễn ra thường xuyên, liên tục, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.