58% phụ nữ mua trang phục dựa vào thương hiệu

ĐÌNH HƯNG
20/12/2019 - 18:31
58% phụ nữ mua trang phục dựa vào thương hiệu
Để xây dựng bộ nhận diện thì dễ, trong một đêm có thể làm được nhưng để xây dựng hình ảnh, danh tiếng, thương hiệu doanh nghiệp thì có thể cần cả cuộc đời của một doanh nhân.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tại hội thảo "Phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp TPHCM" được UBND TPHCM tổ chức ngày 20/12.

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, xây dựng thương hiệu là quá trình xây dựng được danh tiếng, uy tín, lòng tin cho sản phẩm. Ngày nay, thương hiệu của sản phẩm còn gắn với thương hiệu của cá nhân, của địa phương.

Ông Thịnh thừa nhận, để xây dựng được thương hiệu là vấn đề khó chứ không dễ. "Để xây dựng bộ nhận diện thì dễ, trong một đêm có thể làm được nhưng để xây dựng hình ảnh, danh tiếng, thương hiệu doanh nghiệp thì có thể cần cả cuộc đời của một doanh nhân. Khi bàn về xây dựng thương hiệu không nên chủ quan, rất cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, đi sâu, đi sát", ông Thịnh nói.

Trả lời cho câu hỏi tại sao phải cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thương hiệu cho địa phương? Ông Thịnh cho rằng, thực chất là khách hàng cần sản phẩm nhưng thường dựa vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm. Kết quả một cuộc khảo sát vừa được công bố cho thấy, có đến 58% người tiêu dùng là phụ nữ khi đi mua trang phục dựa vào thương hiệu để lựa chọn sản phẩm. Người tiêu dùng cần giá trị và lợi ích mà sản phẩm đó mang lại chứ không chỉ quan tâm đến cấu tạo, đặc điểm của sản phẩm đó.

Xây dựng thương hiệu có thể cần cả cuộc đời của một doanh nhân - Ảnh 1.

Xây dựng được thương hiệu là vấn đề khó chứ không dễ

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết, quan điểm về thương hiệu của Saigon Co.op khá đơn giản, đó là sự thương yêu, tin tưởng mà khách hàng dành cho doanh nghiệp. "Chúng tôi chăm sóc khách hàng bằng sự tận tâm, thấu hiểu, luôn luôn nỗ lực, không ngừng cải tiến và luôn khát khao vươn lên để phục vụ cho khách hàng, cộng đồng", ông Huy nói.

Trong khi đó, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn, cho rằng, giá trị thương hiệu đóng góp rất lớn đến doanh nghiệp. Để định vị thương hiệu thì doanh nghiệp phải xác định được vị thế, năng lực của mình. Lợi thế của Thái Tuấn là có quy trình đội ngũ xây dựng thiết kế, sản xuất vải.

"Tôi đặt ra phương châm luôn luôn đổi mới, khác biệt và chấp nhận thách thức. Do đó, khi có xu hướng mới về công nghệ là tôi đầu tư", ông Chí cho hay.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, TPHCM cần xây dựng chiến lược phát triển của mình, trong đó xác định rõ ngành nào là ưu tiên, thị trường nào, công đoạn nào của chuỗi giá trị, kèm theo là kế hoạch về nguồn lực để xây dựng, phát triển.

Thương hiệu mạnh thì doanh nghiệp mạnh

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM khẳng định, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm doanh nghiệp TPHCM đang trở thành một nhu cầu cấp thiết. Khi thương hiệu được xem là yếu tố dẫn đến quyết định, lựa chọn của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp thì điều đó cũng góp phần duy trì, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 390.000 doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lớn, còn doanh nghiệp lớn chỉ chiếm khoảng 1,9%. Cơ cấu quy mô doanh nghiệp như trên đang tạo nhiều áp lực trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của thành phố do các doanh nghiệp dễ bị tác động trước môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều biến động khó lường.

Xây dựng thương hiệu có thể cần cả cuộc đời của một doanh nhân - Ảnh 2.

Người tiêu dùng cần giá trị và lợi ích mà sản phẩm đó mang lại chứ không chỉ quan tâm đến cấu tạo, đặc điểm của sản phẩm đó

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, TPHCM đang được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng đổi mới sáng tạo, xây dựng được thương hiệu sản phẩm.

Nhận thức được vai trò của chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong thời gian qua, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. TPHCM mong muốn xây dựng và quảng bá những thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp nổi bật của mình từ đó xây dựng chính sách hỗ trợ, giúp những thương hiệu này vươn tầm quốc tế.

"Chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của mình", ông Phong nói

"Phải có những doanh nghiệp đủ mạnh, đầu đàn để dẫn dắt ngành hàng của địa phương. Không nên bàn xây dựng thương hiệu theo cách dàn hàng ngang để tiến lên. Bên cạnh đó, cần có sự huy động, kết nối để tất cả mọi doanh nghiệp đều có khả năng nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu cho mình. Có như vậy thì mới có cơ hội xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương", PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

"Thủ tục đầu tư hiện nay còn bất cập, kéo dài từ năm này qua năm kia. TPHCM hãy tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có thương hiệu tốt. Các chính sách thì cần phải phù hợp với từng giai đoạn, cần linh động", ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan)


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm