Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên “lay lắt” giữa mùa dịch

Nguyễn Long
04/09/2021 - 06:15
Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên “lay lắt” giữa mùa dịch

Bà Trần Thị Ba trong căn phòng rộng 10m2 đầy rác

Dịch Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động bị "đóng băng", cuộc sống của những người lao động sinh sống tại xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không làm việc, không thu nhập, người dân nơi đây hàng ngày chỉ còn biết trông chờ vào những bữa ăn từ thiện, nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm.

"Ngày nào không đi nhặt rác thì chỉ có nhịn đói"

10h sáng, những chiếc xe đạp chở hàng nằm im lìm, những chiếc xe máy thường ngày dùng để chở hoa quả nay bị xích vào gốc cây, phủ kín bạt. Bên cạnh đó là hàng chục chiếc xe kéo tay chuyên để chở hàng thuê, nay cũng được gác lên tường rào dọc đường vào xóm trọ dưới chân cầu Long Biên.

Đã hơn 1 tháng, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng để phòng, chống dịch Covid-19. Cũng kể từ ngày đó, cuộc sống của nhiều người nghèo tại Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) được xem là một trong những nơi tập trung đông người nhập cư của Hà Nội.

Những người dân trong xóm trọ này chủ yếu sống bằng nghề nhặt ve chai, cửu vạn, xe ôm, bốc hàng hoặc ra chợ ai thuê gì thì làm nấy. Công việc ban đêm kiếm được tiền ngày nào "xào" ngày ấy. Vì vậy, khi thực hiện giãn cách xã hội dài ngày, họ chẳng biết sẽ bấu víu vào đâu.

Xóm trọ dưới chân cầu Long Biên “lay lắt” giữa mùa dịch - Ảnh 1.

Đã nhiều ngày nay, bà Trần Thị Ba (73 tuổi, quê Nam Định) không thể rời khỏi căn nhà trọ 10m2 ngập ngụa rác. Thường ngày, bà đi nhặt rác quanh thành phố để kiếm sống. Do dịch bệnh, không ai thu mua, rác nhặt được bà phải mang về tích trong nhà.

"Trước đây, khi chưa giãn cách ly xã hội, mỗi ngày tôi đi nhặt rác cũng được 100.000 đồng, thi thoảng có người thương tình cho thêm chút tiền lẻ nên cũng đủ ăn, đủ tiền nhà trọ. Hơn 1 tháng nay không làm gì ra tiền rồi. Ngày nào không đi nhặt rác thì xác định ngày đó chỉ có nhịn đói", bà Ba nói.

Cố lê chân đau đi xin suất cơm từ thiện

Chị Nguyễn Thị Hương (quê Hưng Yên) cho biết, thời điểm không có dịch thì chị có thể đi làm và lo được cho cuộc sống gia đình. Nhưng đã gần 2 tháng nay, chị không đi làm được, đồng nghĩa với việc không có tiền, trong khi chị phải nuôi 2 đứa con nhỏ, chi phí sinh hoạt hàng ngày quá lớn. Cuộc sống gia đình chị hiện tại rất bế tắc.

Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Hà Nam) lên Hà Nội làm thuê từ năm 2006 cho đến nay. Năm 2016, có người quen nhượng lại cho gia đình chị lò bánh mỳ. Ngày thường, 2 vợ chồng chị có thể làm được 80 đến 100kg, giao buôn cho những nhà hàng, mỗi ngày cũng lãi được mấy trăm nghìn đồng, đủ để vợ chồng, con cái sống qua ngày. Nhưng đã gần 2 tháng nay, lò bánh mỳ của gia đình chị phải ngừng hoạt động để phòng, chống dịch, khiến thu nhập của gia đình chị về con số 0.

"Tiền thuê nhà 6 triệu đồng/tháng mà chủ nhà chưa có ý định giảm bớt. Mấy hôm trước, có 1 chị quyên góp được chút lương thực và nhờ phường đứng ra hỗ trợ cho mọi người trong xóm, mỗi gia đình được 5kg gạo và 1 chai nước mắm. Nếu không có chỗ gạo và mắm đó thì chẳng biết lấy gì mà ăn", chị Hoa tâm sự.

Chị Hoa kể, những ngày qua, theo dõi trên tivi và một số trang báo mạng, chị nắm được thông tin, những lao động nghèo bị mất việc như chị sẽ được hưởng 1.500.000 đồng nhưng đến giờ chị chưa hề được nhận, cũng chưa có ai tới phổ biến, hướng dẫn thủ tục để được hưởng.

"Hôm nọ bác Tổ trưởng Tổ dân phố đến, chúng tôi có hỏi "giờ phải nghỉ làm như thế này do dịch thì chúng tôi có được hỗ trợ không?" thì Tổ trưởng bảo: "Phường chỉ hỗ trợ cho những người có sổ hộ khẩu và sổ tạm trú". Có sổ thì mới được, như chúng tôi chỉ có giấy tạm trú, tạm vắng ở quê lên thì không được", chị Hoa kể.

Xóm trọ nghèo này có khoảng hơn 500 người đang sinh sống, tất cả đều làm nghề tự do và đang cùng chung cảnh ngộ như gia đình chị Hoa, thậm chí có nhiều hoàn cảnh còn bi đát hơn.

11h trưa, có tiếng xe ọt ẹt vang lên ở cuối ngõ. Nhiều người nhận ra đó là cụ Thắm (90 tuổi, quê Nam Định) đang đẩy xe đi lấy cơm trưa miễn phí. Cụ Thắm cho biết, cụ không lấy chồng nên cũng chẳng có con, cụ sống ở khu trọ này đã gần 40 năm. Hàng ngày, cụ cũng đi nhặt ve chai như nhiều người khác.

"Mấy hôm nay, ngày nào cũng chỉ ăn mỳ tôm xót ruột quá, hôm nay biết tin có đoàn đến phát cơm từ thiện, tôi ra xin một suất về ăn. Khổ quá, dịch bệnh suốt chả làm ăn được gì, đã thế chân lại đau, phải mượn cái xe đẩy trẻ của hàng xóm để lết ra xin cơm", cụ Thắm tâm sự.

Trao đổi với PV Báo PNVN, ông Bùi Thanh Xuân, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết, về công tác hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, lao động mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phường đã phối hợp với các tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm triển khai nhiều đợt trao quà hỗ trợ tới các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, lao động tự do, mất việc trên địa bàn.

Trong đó, đặc biệt khu vực lao động tự do làm việc tại chợ Long Biên, khu vực tổ 3 (khu xóm trọ nghèo - PV). Vừa qua, UBND phường đã phát trên 1.000 lượt quà trong khu vực này. Hiện nay, UBND phường và Ủy ban MTTQ phường triển khai tiếp đợt thứ 2.

Trao đổi về công tác xét duyệt hồ sơ để trợ cấp tiền theo Nghị quyết 68, người đứng đầu UBND phường Phúc Xá cho biết, phường đang triển khai. Hiện phường Phúc Xá đứng đầu trong toàn quận Ba Đình với gần 800 hồ sơ đã xét duyệt, đang triển khai chi trả cho các đối tượng lao động mất việc và đối tượng theo Nghị quyết 68. Hiện nay, việc xét duyệt phải triển khai từ cơ sở, thiết lập hồ sơ và tổ chức hội đồng xét duyệt. Hồ sơ nào đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định thì hội đồng của phường sẽ báo cáo với quận để phê duyệt và sau đó tổ chức chi trả.

Bà Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, Hội LHPN phường Phúc Xá đặc biệt quan tâm tới khu vực xóm trọ sau chợ Long Biên, tại đây có nhiều lao động nhập cư, bị mất việc do dịch Covid-19, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.

"Từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4, Hội LHPN phường Phúc Xá đã 2 lần hỗ trợ lương thực là gạo và nước mắm, dầu ăn cho mỗi hộ dân tại xóm trọ này. Hội LHPN TP Hà Nội và Hội LHPN quận Ba Đình cũng phối hợp tặng mỗi hộ 1 suất quà gồm gạo và 200.000 đồng tiền mặt. Trong thời gian tới, Hội LHPN phường sẽ tiếp tục quan tâm đến những người lao động tại khu vực này", bà Giang cho biết.

Cũng theo bà Giang, Hội LHPN phường đang phối hợp cùng cơ quan chức năng rà soát xem những đối tượng nào đủ điều kiện để nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng). "Nhiều người không có sổ tạm trú tạm vắng, khi biết tin có hỗ trợ thì mới bắt đầu ra công an phường làm thủ tục. Tuy nhiên, những trường hợp này sẽ không được hưởng hỗ trợ vì theo quy định phải có sổ tạm trú tạm vắng trên 6 tháng", bà Giang thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm