Vợ chồng không sinh con để giảm gánh nặng

G.K
06/06/2021 - 15:00
Vợ chồng không sinh con để giảm gánh nặng

Nhiều cặp vợ chồng chọn cách sống không con cái Ảnh minh hoạ

Ở các nước, ngày càng nhiều cặp vợ chồng không sinh con để giảm gánh nặng cuộc sống.

Anh Kim Seung-pyo (33 tuổi, Hàn Quốc) và chị Do Ara (31 tuổi) kỷ niệm một năm ngày cưới. Họ có một căn hộ, công việc ổn định nhưng không có ý định sinh con. "Chúng tôi gần như không đủ sống. Vì vậy, cả hai luôn nghi ngờ về khả năng nuôi dạy một đứa trẻ", anh Kim Seung-pyo, một nhân viên giao hàng, chia sẻ. Ngoài ra, họ còn đối mặt với vấn đề ai là người chăm con bởi cả hai đều đi làm.

Phía bên kia đại dương, cô Anna Parolini (37 tuổi, Italy) rời quê hương nhỏ bé ở miền Bắc Italy để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Cô sống cùng bạn trai ở Milan (Italy) và gác lại mong muốn có con. Cô lo ngại mức lương dưới 2.000 euro/tháng của mình sẽ không đủ cho một gia đình. "Không ai ở nơi này có thể giúp tôi. Nghĩ đến việc có một đứa con bây giờ khiến tôi lo ngại", cô nói.

Các cuộc khảo sát ở nhiều quốc gia cho thấy, người trẻ ngại sinh con vì gặp quá nhiều áp lực của cuộc sống. Báo cáo của Tổng cục thống kê Hàn Quốc cho biết, 3 trong số 10 người trẻ được hỏi cho rằng, việc kết hôn không nhất thiết phải sinh con. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Thống kê ước tính, dân số Hàn Quốc sẽ giảm xuống mức thấp nhất là 39,3 triệu người vào năm 2067 so với mức dân số 51,7 triệu người hiện nay.

Xu hướng gia đình không con - Ảnh 1.

Báo cáo của Tổng cục thống kê Hàn Quốc cho biết, 3 trong số 10 người trẻ được hỏi cho rằng, việc kết hôn không nhất thiết phải sinh con.

Khảo sát theo giới tính cho thấy, 33,4% phụ nữ Hàn Quốc cho biết họ không nghĩ rằng có con là cần thiết, trong khi với nam giới, con số này là 27,4%. Tại Hàn Quốc, thực tế cho thấy, cha mẹ cần phải chu cấp đầy đủ nguồn lực để con cái có thể đi học gia sư, học thêm hay học nghệ thuật trong cả chục năm. Bên cạnh đó, trung bình họ phải tiết kiệm trong gần 13 năm để có đủ tiền mua một căn nhà cỡ vừa. Đây chính là lý do tại sao nhiều cặp vợ chồng tại quốc gia này không muốn sinh con.

Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng bày tỏ, họ không muốn sinh ra một đứa trẻ khi tình hình dịch bệnh còn chưa ổn định như hiện nay, khi chứng kiến tình trạng thất nghiệp gia tăng. Park Keong-suk - Giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul - nhấn mạnh, cần tập trung vào chất lượng sống hơn là nhu cầu sinh con trong tình hình hiện nay.

Còn ở Nhật Bản, lý do chính nằm ở những bà mẹ đi làm. Những bà mẹ Nhật không những phải chấp nhận bỏ việc để nuôi con mà có người còn bị chèn ép do văn hóa văn phòng khốc liệt. Ở một công ty Nhật, ai cũng đều chịu trách nhiệm đối với mọi công việc được giao, một nữ kiến trúc sư sống ở Tokyo cho biết. Kết quả là không ai dám đến công sở mà mong về sớm. Điều này khiến cho việc làm mẹ gần như không thể. Cô ấy đã phải hoãn lại việc có con.

Nhiều phụ nữ sống ở các thành phố đắt đỏ như Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc) cũng muốn trì hoãn hoặc tránh sinh con. Theo họ, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành không hề nhỏ. Với các cặp vợ chồng trẻ làm thuê, việc kiếm đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt, trả góp mua nhà, xe đã là gánh nặng, chưa nói đến việc "đèo bòng" thêm con cái. Theo khảo sát của công ty tư vấn TF Securities, các bậc cha mẹ ở Bắc Kinh ước tính tốn ít nhất là 78.000 NDT (11.500 USD) cho các chi phí nuôi dạy con cái trong 1 năm.

Không phải vô cớ mà châu Âu mang danh "Lục địa già". Ngày càng nhiều người châu Âu sống ở đô thị có xu hướng chọn cuộc sống không vướng bận con cái. Ở Đức, 22% phụ nữ ở độ tuổi 40 không có con, đặc biệt ở Hamburg lên tới 32%. Kết luận nghiên cứu của Bỉ cho thấy, có nhiều lý do để một người hoặc một cặp vợ chồng quyết định không sinh con. Có khá nhiều người chọn ưu tiên trong cuộc sống là "sự nghiệp cá nhân" nên họ tự nguyện không sinh con để không bị vướng bận đường công danh. Có một số người không sinh con vì quyết định chung khi tiến tới hôn nhân là "chỉ có hai chúng ta mà thôi". Họ thoải mái tận hưởng một cuộc sống tự do, không bị ràng buộc, có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn.


Nguồn: NYT, Sixth Tone, Korean Times
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm