pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết, TPHCM tăng cường phòng tránh
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay đã có hơn 6.478 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 70,1% so với cùng kỳ năm 2019 (21.631 ca), không có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, trong tuần 18, thành phố ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4/24 quận, huyện; tăng 2 ổ dịch mới so với tuần trước đó.
Mặc dù không phải là mùa cao điểm sốt xuất huyết nhưng trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã có công văn gửi Trung tâm y tế quận huyện đề nghị chủ động phòng chống sốt xuất huyết trong tình hình chống dịch Covid-19. Trong đó, tập trung rà soát và xử lý 100% các điểm nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết.
Trước đây, bệnh sốt xuất huyết được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên hơn 10 năm nay tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn (trên 15 tuổi) xấp xỉ 50% trong tổng số ca bệnh ghi nhận được. Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, bệnh mạn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn còn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ.
Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt, mệt mỏi, lừ đừ, uể oải, ăn uống kém, buồn nôn, đau nhức... Nếu bị nặng thì có thể gây biến chứng các cơ quan dẫn đến tử vong. Do vậy, người dân khi bị sốt từ 2 ngày trở lên thì nên đi khám để được chẩn đoán, phát hiện điều trị kịp thời.
BS.CKII.Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Quốc tế City (TPHCM) - cho biết, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa, vì vậy cha mẹ cần chú ý đến môi trường sống, sinh hoạt của trẻ. Với những nhà có vườn, cây cối um tùm cần phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh không để ao tù, nước đọng. Nếu gia đình có bể chứa nước, hồ cá cần thay nước sạch thường xuyên và nếu có muỗi phải ngủ mùng.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh khi trẻ bị sốt xuất huyết thì không được cạo gió, cắt lễ vì có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng. Không được sử dụng thuốc hạ sốt có hại cho trẻ có thể làm xuất huyết tiêu hóa.
Bên cạnh đó, phụ huynh không cho trẻ uống các nước uống đậm màu như nước có ga... làm nhầm lẫn xuất huyết đường tiêu hóa rất khó đánh giá. Không nên cho trẻ truyền dịch tại nhà hay tại cơ sở y tế không đủ điều kiện y tế làm trẻ sốc, rung tim, phù phổi rất nguy hiểm.