Dịch sốt xuất huyết tăng gần 3 lần, 50 người tử vong

11/11/2019 - 19:19
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 50 trường hợp tử vong. Số ca mắc SXH năm 2019 tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 9.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Số mắc SXH tập trung nhiều tại các quận, huyện như quận Hà Ðông, quận Hoàng Mai, quận Ðống Ða,…

Còn theo PGS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai) cho biết, từ tháng 10 đến nay, số trường hợp đến khám, điều trị SXH tại BV tăng cao. Trung bình mỗi ngày có từ 30-50 trường hợp đến khám, trong đó từ 10-20 trường hợp phải nhập viện điều trị SXH. Hầu hết, các bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai.

Bệnh nhân điều trị SXH tại BV Bạch Mai

 Bà Rịa -Vũng Tàu tuy không phải là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất, nhưng lại một trong những địa phương có nhiều trường hợp tử vong nhất. Từ đầu năm đến nay, tại Bà Rịa- Vũng Tàu có 11.637 ca mắc SXH, trong đó, có 19 ca bị nặng và 5 ca tử vong.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc SXH, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 50 trường hợp tử vong. Các tỉnh, thành có số trường hợp mắc SXH cao là An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Nội, Khánh Hòa, Vĩnh Long,…

Theo lý giải của Cục Y tế dự phòng, năm 2019, số ca mắc SXH tăng cao là do những diễn biến bất thường về thời tiết, như mùa đông ấm hơn, mưa trái mùa nhiều và kéo dài hơn khiến cho muỗi trung gian truyền bệnh có thể phát triển quanh năm.

Ngoài ra, tại các tỉnh, thành nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước không được quan tâm xử lý. Tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi, các vật dụng chứa nước trong hộ gia đình như lọ cắm hoa, chậu hoa cây cảnh, chứa nước, đặc biệt các vật phế thải xung quanh nhà như lốp xe,… không được thu gom, đậy kín, xử lý để muỗi vào đẻ trứng.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh SXH. Do đó, để phòng bệnh, người dân nên nằm màn, mặc quần áo tránh muỗi đốt, bôi kem chống côn trùng cắn, phun thuốc diệt muỗi, cải tạo môi trường, tiêu diệt loăng quăng bọ gậy, hạn chế nơi đẻ trứng của muỗi ở những vật đựng nước ở trong nhà hay quanh nhà.

Để phòng bệnh SXH, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn. Mặt khác, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải để không cho muỗi đẻ trứng. Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm