pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xuyên đêm cấp cứu cho bé 2 tuổi bị đuối nước
Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi (ảnh: BVCC)
Ngày 15/12, BV Đa khoa Tuyên Quang cho biết, các bác sĩ của BV vừa cấp cứu thành công bệnh nhi Lý Tuấn K. (2 tuổi, trú tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) bị đuối nước.
Trước đó, khoảng 18h ngày 14/2, trẻ được đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng hôn mê, xuất tiết đờm nhiều, 2 phổi thông khí kém, tim nhịp nhanh, đồng tử giãn 3mm, da lạnh… tiên lượng nặng.
Gia đình cho biết, khoảng 16h cùng ngày, bé đi chơi quanh nhà. Khi gia đình gọi nhưng không thấy bé nên chia nhau đi tìm. Kết quả phát hiện bé nằm bất động nổi trên mặt nước ở ao gần nhà. Ngay lập tức, gia đình vội vã vớt cháu bé lên và thực hiện một số biện pháp cấp cứu đuối nước như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Khi thấy bé nôn ra được chút nước và cất được 1 tiếng khóc, gia đình vội vàng bế bé đi cấp cứu tại trạm y tế xã và được chuyển lên BV cấp cứu.
Bác sĩ Đào Việt Thắng, Phó trưởng khoa Nhi (BV Đa khoa Tuyên Quang) cho biết, ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, kíp trực cấp cứu đã nhanh chóng hút thông đường thở, hỗ trợ hô hấp (thở oxy), dùng các loại thuốc vận mạch, kháng sinh, rửa dạ dày… Đến hơn 3h sáng ngày 15/12, các chỉ số sinh tồn dần ổn định, trẻ đã tỉnh, tự thở, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Nhi của BV.
Theo bác sĩ Thắng, trẻ nhỏ rất hiếu động. Do đó, phụ huynh nên chú ý, trông trẻ cẩn thận, không để trẻ chơi gần ao, hồ, sông, suối, biển tránh bị đuối nước. Nếu phát hiện có trẻ đuối nước, cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Trường hợp trẻ bất tỉnh, người lớn hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo cho trẻ kèm theo ép tim ngoài lồng ngực và nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế. Trên đường đi vẫn phải thực hiện các biện pháp cấp cứu như trên.
Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cho trẻ, rồi nhanh chóng đưa trẻ đến BV gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.