pnvnonline@phunuvietnam.vn
Yên Bái: Huy động nam giới tham gia các hoạt động bình đẳng giới
Các đại biểu tham gia hoạt động chia sẻ, tuyên truyền Dự án 8 tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc bộ Việt Nam với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống lâu đời, xin chị cho biết, trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã thực hiện triển khai Dự án 8 thế nào đến các cấp Hội địa phương trong toàn tỉnh?
Để triển khai thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban điều hành và tổ giúp việc do Hội LHPN tỉnh chủ trì. Chúng tôi ban hành quy chế và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban điều hành, tổ giúp việc và các phòng, ban chuyên môn cơ quan Hội LHPN tỉnh. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh có văn bản gửi cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã thực hiện dự án 8 tạo điều kiện thành lập Ban điều hành dự án tại các huyện, thị xã. Kèm với đó là văn bản chỉ đạo Hội LHPN cấp huyện tham mưu cho UBND địa phương thành lập Ban điều hành Dự án.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái và các ngành liên quan thống nhất xây dựng các nội dung hoạt động, đề xuất nhu cầu vốn hàng năm.
Đối với việc kiểm tra, giám sát thực hiện dự án 8, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp Hội bám sát các nội dung hướng dẫn trong Thông tư và các hướng dẫn khác chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án 8 tại địa phương. Chủ động tổ chức kiểm tra định kỳ, đồng thời, lồng ghép việc kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án trong việc thực hiện nhiệm vụ Hội; bên cạnh đó, theo dõi tiến độ Dự án được thực hiện thông qua báo cáo định kỳ hàng tháng của các cấp Hội huyện, thị xã.
Như chị vừa nói, ngay từ rất sớm, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã có chỉ đạo cụ thể, sâu rộng đến các cấp Hội cơ sở, vậy đến nay, việc triển khai Dự án 8 tại Yên Bái đạt được những kết quả thế nào, thưa chị?
Đối với 4 nội dung của dự án 8 đề ra, đến nay, Yên Bái đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể: Đã thành lập được 226 Tổ truyền thông cộng đồng, 14 Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tổ chức 4 cuộc đối thoại chính sách cấp xã, hỗ trợ 1 Tổ nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận với các dịch vụ kinh tế thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường trong sản xuất và kinh doanh hàng hóa.
Đồng thời, tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý Tổ truyền thông cộng đồng; 3 lớp đối thoại chính sách, 9 lớp thành lập, vận hành "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" cho đội ngũ cán bộ huyện, xã triển khai dự án và cho các thành viên "Tổ truyền thông" tại các thôn, bản.
Cho đến nay, các "tổ truyền thông cộng đồng", "địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" đã tổ chức được 75 cuộc truyền thông, hội thi với những nội dung thiết thực với phụ nữ và trẻ em như: bình đẳng giới, khuôn mẫu giới trong việc nhà, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản..., thu hút trên 14 nghìn lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã hướng dẫn thành lập "Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi" cho trẻ em; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số cấp huyện, xã; tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ cấp xã và thôn bản; tập huấn chương trình 2, chương trình 3 về phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Với hàng trăm mô hình, Tổ truyền thông được thành lập trong thời gian qua, vậy quá trình thực hiện tuyên truyền Dự án 8, với địa bàn tỉnh miền núi có đông dân tộc thiểu số sinh sống, xin chị cho biết, tỉnh Hội Yên Bái đã gặp khó khăn gì?
Bên cạnh những thành công và hiệu quả của nhiều mô hình, Tổ truyền thông cộng đồng đã thành lập tại các cấp huyện, xã, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ Hội chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai dự án lớn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, nên bước đầu còn nhiều lúng túng. Do vậy, việc tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo ở một số cơ sở Hội còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Đồng thời, một số nội dung hướng dẫn trong Thông tư 15 của Bộ Tài chính chưa phù hợp với nội dung hoạt động, vì vậy đã có một số khó khăn trong tổ chức hoạt động ở cấp Hội cơ sở. Ngoài ra, do các văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện chi tiêu, thanh toán đã khiến một số chị em còn gặp vướng mắc ban đầu, dẫn đến việc triển khai một số chỉ tiêu còn gặp khó khăn, đặc biệt là những chỉ tiêu liên quan đến công nghệ số ở đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đẩy mạnh và đạt kết quả tốt hơn trong việc thực hiện Dự án 8, thời gian tới, tỉnh Hội Yên Bái có những dự định, kế hoạch gì, thưa chị?
Với những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua, sắp tới, Hội LHPN tỉnh sẽ thường xuyên nắm bắt những khó khăn, hạn chế từ cấp huyện, thị xã để có những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ. Tăng cường nắm bắt, hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc từ cơ sở; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát trực tiếp tại địa phương.
Hội LHPN tỉnh cũng sẽ tổ chức giao ban giữa các cơ quan liên quan trong việc triển khai dự án để cùng nhau trao đổi tháo gỡ các khó khăn. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường sử dụng internet, mạng xã hội trong hoạt động tuyên truyền dự án 8 đến cơ sở và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với đội ngũ cán bộ Hội các cấp, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao về quản lý, triển khai thực hiện dự án. Còn với cộng đồng và người dân, Hội LHPN tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tại cộng đồng có tính tương tác cao với người tham gia. Đặc biệt, tỉnh Hội sẽ huy động sự tham gia của nam giới trong các hoạt động dự án, để đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa về thực hiện bình đẳng giới, xoá bỏ phân biệt giới ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số tỉnh Yên Bái.
Xin cảm ơn chị!