pnvnonline@phunuvietnam.vn
10 cuốn sách hay về nghề giáo
1. Được học
Tự truyện của Tara Westover (Nguyễn Bích Lan dịch) là câu chuyện về một cô gái người Mỹ phải đợi đến năm 17 tuổi mới được tiếp cận nền giáo dục. Nhưng chỉ 10 năm sau, cô đã giành học vị Tiến sĩ tại một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới: Đại học Cambridge. Nói rất nhiều về con đường tự-học của Tara Westover, nhưng cuốn sách không quên vai trò của những người thầy, những vị Tiến sĩ, Giáo sư từng khuyến khích, giúp đỡ cô. Có lẽ bản thân họ cũng không ngờ rằng với cô sinh viên mang đầy mặc cảm và ám ảnh đó, chỉ một ánh mắt ủi an, một lời khuyên ân cần đã đủ tạo ra bước ngoặt cuộc đời…
2. Màu của nước
Cuốn tự truyện của nhà văn Mỹ James McBride viết để tưởng nhớ người mẹ của mình, một phụ nữ gốc Do Thái da trắng kết hôn với những người đàn ông da đen. Vượt lên bi kịch cá nhân, sự thiếu thốn về vật chất, sự ngược đãi về tinh thần và mọi sự phân biệt đối xử, bà đã nuôi dạy 12 đứa con trở thành các bác sĩ, giáo sư, giáo viên, nhà khoa học. Cách bà chọn trường lớp cho các con cho thấy vai trò của việc giáo dục trong nhà trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đời của mỗi con người. Sách do Nguyễn Bích Lan dịch.
3. Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản
Là một người quan tâm đến giáo dục và mong muốn đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam, trong thời gian du học tại Nhật Bản, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đã tìm tòi nghiên cứu và có nhiều bài báo, công trình nghiên cứu có tính phản biện và đưa ra các phân tích mang tích độc lập về các vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam.
Từ việc so sánh về giáo dục Việt Nam và Nhật Bản, tác giả cho rằng, muốn xây dựng được nền giáo dục dân tộc, hiện đại và hội nhập quốc tế thì chắc chắn vấn đề "triết lý giáo dục" cần phải được giải quyết thấu đáo.
4. Kỷ luật tích cực trong lớp học
Cuốn sách của Tiến sĩ Jane Nelsen, Thạc sĩ Lynn Lott và H. Stephen Glenn đã được phát hành hơn 2 triệu bản trên toàn thế giới. Ấn bản này được cập nhật với những công cụ mới nhất dành cho người giáo viên hiện đại. Thay vì phải chăm chăm kiểm soát hành vi của trẻ, giáo viên sẽ thực sự có thời gian dạy và truyền đạt kiến thức cho trẻ. Thay vì phải đối mặt với sự thờ ơ, bàng quan của trẻ, giáo viên sẽ tận hưởng sự hào hứng, tích cực và đầy động lực từ các em. Sách do Max Bình dịch.
5. Maria Montessori: Cuộc đời và sự nghiệp
Tác phẩm của E.M. Standing cung cấp cho độc giả những kiến thức nền tảng cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất thế kỷ XX - Maria Montessori. Tác giả Standing ví khám phá của Maria Montessori cũng vĩ đại ngang với Columbus khám phá ra châu Mỹ. Chỉ có điều, thế giới mà Columbus khám phá ra là bên ngoài; còn Montessori đã khám phá ra một thế giới bên trong – bên trong tâm hồn của trẻ em. Sách do Nguyễn Bảo Trung dịch.
6. Đời giáo dở khóc dở cười
Tập truyện tranh hài hước của tác giả người Ireland - Colm Cuffe tái hiện cuộc sống thường nhật của một người giáo viên điển hình: yêu nghề, hết lòng vì trẻ. Bên cạnh những phút giây được hưởng trái ngọt (khá là hiếm hoi) khi học trò ngoan, đáng yêu, hiếu học... là vô vàn những câu hỏi trái khoáy rất đỗi hồn nhiên, nhưng người thầy chỉ biết "câm nín" hay "thở dài đánh thượt" với nét mặt khiến ai nhìn vào cũng phải bật cười. Sách do Ngô Hà Thu dịch.
7. Tro tàn của Angiela
Cuốn hồi ký của tác giả người Mỹ gốc Ireland - Frank McCourt dựa trên những ký ức thời thơ ấu của ông. Tác phẩm xoay quanh sự trưởng thành của những đứa trẻ, trong đó có ảnh hưởng từ người thầy, điển hình là thầy hiệu trưởng O'Halloran. Trong hồi ức của Frank McCourt, thầy O'Halloran hiện ra với một hình ảnh cần mẫn chuẩn bị kỹ lưỡng từ ở nhà những bài giảng và nội dung cần học sinh ghi nhớ, đem ra lớp treo lên cho học sinh học thuộc. Thầy còn dạy cho lũ học trò biết điều gì là quan trọng, và đặc biệt là, luôn giải thích tại sao những điều ấy lại quan trọng. Sách do Nguyễn Bích Lan và Hoàng Nguyên dịch.
8. Ước vọng cho học đường
Sách tập hợp 20 bài viết về giáo dục của GS Huỳnh Như Phương. Tác giả chủ ý chọn ra những bài viết khoảng 2 thập niên đầu thế kỷ XXI để cuốn sách còn giữ được tính thời sự, như vấn đề đổi mới đại học, cải cách chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, tăng học phí ở bậc trung học… Bằng lối viết điềm tĩnh nhưng sáng rõ, các bài viết bóc tách từng lớp sự kiện để tìm ra gốc rễ và kiến nghị giải pháp.
9. Trộm
Trong câu chuyện về cậu học trò Hae-il, hay còn gọi là "thằng trộm vặt", nhà văn Hàn Quốc Kim Ryeo Ryeong không chỉ cho độc giả thấy những góc khuất trong tâm lý của những thiếu niên tuổi cận trưởng thành mà còn phản ánh nhiều thực trạng đa chiều khác nhau trong xã hội Hàn Quốc.
Kim Ryeo Ryeong không đặt ra những chuẩn mực đạo đức, thước đo nơi trường lớp. Thay vào đó, là những câu hỏi cho giáo dục gia đình và trường học, mong muốn một cái nhìn sâu hơn từ người lớn và hy vọng sẽ bóc tách được dần những nút thắt trong lòng mỗi thiếu niên. Sách do Nguyễn Ngọc Quế dịch.
10. Học thế nào bây giờ?
Trong cuốn sách, tác giả Bruno Hourst chỉ ra những nghịch lý nơi trường học, như: Tại sao và nhân danh cái gì mà chúng ta đối xử với đứa trẻ trước khi đến trường và khi đến trường khác biệt đến vậy? Làm thế nào để chúng ta đã biến một đứa trẻ tò mò về mọi mặt, có khả năng học những điều cực kỳ phức tạp một cách dễ dàng đến kinh ngạc, thành một đứa trẻ lãnh đạm, chán ghét học tập? Tại sao người ta chấp nhận quá dễ dàng xem những đứa trẻ bị xếp loại như những đứa trẻ tăng động?... Sách do Nguyễn Khánh Trung dịch.