10 lần phẫu thuật cứu sống bệnh nhi bỏng 90% cơ thể

20/11/2016 - 10:46
Bệnh nhi bị bỏng đến hơn 90% cơ thể, nhiều khu vực sâu độ 4 tưởng không qua khỏi. Tuy nhiên, sau 10 lần phẫu thuật, bệnh nhi đã có thể trở về với cuộc sống.
BS Nguyễn Hải An, Chủ nhiệm Khoa Điều trị tích cực (Viện Bỏng Quốc gia), cho biết, sau hơn 2 tháng điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân Phan Bùi Hữu Ân (13 tuổi, quê Bình Định) đã ổn định, hiện đang tập vận động. Khi bệnh nhi chuyển ra Hà Nội, ít người có thể nghĩ em qua khỏi, bởi cơ thể bị bỏng đến 90%, trong đó 60% bỏng sâu, nguy cơ tử vong lên tới 95%.

Gia đình bệnh nhân cho biết, ngày 18/7, Ân bị ngã vào lửa gây bỏng toàn thân. Người nhà phát hiện, nhanh chóng dập lửa rồi đưa con tới cơ sở y tế sơ cứu, rồi chuyển lên BV Đa khoa Bình Định. Tuy nhiên, do tỷ lệ bỏng cơ thể quá lớn, bệnh nhi được chuyển ra Viện Bỏng Quốc gia. Các bác sĩ cho biết, bé bị bỏng lên đến 90% diện rộng và hơn 60% bỏng sâu, dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng hô hấp, tính mạng nguy kịch.
chau-an.jpg
Các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia điều trị cho bệnh nhi Ân
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã sử dụng kháng sinh liều cao, thuốc chống nấm, kết hợp lọc máu liên tục. Đồng thời, cắt da hoại tử sớm để loại bỏ nhiễm khuẩn sâu vào đường hô hấp. Ngoài ra, bệnh nhi phải mở khí quản và thở máy liên tục, dài ngày và trải qua hơn 10 lần phẫu thuật cắt hoại tử để ghép da sớm. Nhờ các giái pháp phối hợp điều trị, bệnh nhân đã được cứu sống. Sau khi điều trị phục hồi chức năng vận động, bệnh nhi sẽ được về với gia đình.

Theo bác sĩ An, mỗi tháng Viện tiếp nhận hàng trăm ca bị bỏng từ các nơi chuyển về. Hầu hết là những ca nặng được chuyển từ tuyến dưới lên. Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa biết cách sơ cứu bỏng ban đầu khiến cho việc chữa trị gặp khó khăn. Thậm chí, nhiều gia đình còn đắp thuốc Nam, nên khi chuyển đến viện, bệnh nhi đã bị sốt cao, co giật, rối loạn điện giải, chức năng gan...

HƯỚNG DẪN SƠ CỨU KHI BỊ BỎNG

- Khi bị bỏng, không nên bôi kem đánh răng lên vết phỏng mà ngâm khu vực bị bỏng trong nước mát khoảng 20 phút; cố gắng bảo tồn vòm nốt phỏng, tránh làm trợt vòm nốt phỏng. Nếu vết phỏng đã vỡ thì có thể bôi các loại mỡ có kháng sinh lên vết bỏng, hoặc đắp gạc vô trùng, thậm chí đắp khăn mặt tẩm nước sạch lên vết bỏng, băng kín và đưa đến cơ sở y tế.

- Trường hợp diện tích bỏng lớn, chiếm trên 10% diện tích cơ thể ở trẻ em hoặc trên 20% ở người lớn thì không nên ngâm lâu trong nước, sau khi hạ nhiệt vùng bỏng cho bệnh nhân bằng nước sạch, tiến hành băng kín vùng bị bỏng, ủ ấm bệnh nhân, chuyển đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm