pnvnonline@phunuvietnam.vn
10 loại tinh dầu giúp giảm ho và những lưu ý khi sử dụng
Ho xảy ra có thể do thời tiết thay đổi, giao mùa, dị ứng hoặc một triệu chứng kéo dài sau khi bị cảm lạnh hoặc bệnh hô hấp. Ho có thể là một phản xạ tốt của cơ thể, giúp loại bỏ chất nhầy trong phổi và các chất kích thích khỏi cổ họng nhưng ho sẽ gây sự khó chịu cho cả người bệnh và những người xung quanh.
Để giảm ho một cách nhanh chóng và hiệu quả, các bạn có thể sử dụng một số loại tinh dầu. Tuy nhiên, khi sử dụng tinh dầu giảm ho, mọi người nên sử dụng một cách thận trọng vì không có hướng dẫn nào được phê duyệt về liều lượng hoặc nồng độ.
1. Mười loại tinh dầu giúp giảm ho
Dưới đây là 10 loại tinh dầu giúp giảm ho mà mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm.
1.1. Tinh dầu khuynh diệp (bạch đàn)
Tinh dầu khuynh diệp là một loại dầu gió được chiết xuất từ tinh dầu của lá khuynh diệp hay còn có tên gọi khác là bạch đàn. Theo một số nghiên cứu, bạch đàn có tác dụng kháng khuẩn và có thể chống lại vi khuẩn gây bệnh cũng như có thể giúp giảm viêm, giảm đau và giảm căng cơ do cảm lạnh hoặc cúm.
Nhiều sản phẩm có sẵn trong hiệu thuốc kết hợp dầu khuynh diệp để giảm nghẹt mũi, bao gồm một số loại thuốc trị ho và thuốc xoa bóp. Một nghiên cứu trên trẻ em đã kết luận rằng việc xông hơi bằng tinh dầu khuynh diệp giúp giảm bớt cơn ho và nghẹt mũi vào ban đêm của trẻ, giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Tuy có tác dụng giảm ho nhưng tinh dầu khuynh diệp có thể gây ra phản ứng dị ứng, đặc biệt những người có cơ địa dị ứng hoặc hen suyễn. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên dùng tinh dầu khuynh diệp. Vì vậy, phụ nữ mang thai và trẻ em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng loại tinh dầu này.
1.2. Tinh dầu hương thảo
Tinh dầu hương thảo được điều chế thông qua phương pháp chưng cất bằng hơi nước từ ngọn hoa hương thảo.
Hương thảo có thể làm dịu các cơ trong khí quản, giúp bạn thở dễ dàng hơn. Giống như bạch đàn, hương thảo chứa hợp chất cineole, có tác dụng làm sạch đường thở và hỗ trợ hệ thống hô hấp, có tính kháng khuẩn nên có thể được sử dụng để điều trị hen suyễn, viêm phế quản, cảm lạnh.
Khi sử dụng tinh dầu hương thảo, mọi người nên lưu ý không thoa tinh dầu lên vùng mắt, niêm mạc và bất kỳ khu vực da nhạy cảm nào. Tinh dầu hương thảo không nên được dùng ngoài da hoặc khuếch tán trong không khí xung quanh trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
1.3. Tinh dầu bạc hà
Tinh dầu bạc hà được làm ra từ lá và thân của cây bạc hà thông qua phương pháp chưng cất hơi nước, ép lạnh hoặc sử dụng khí CO2. Tinh dầu bạc hà thường được sử dụng phổ biến để giảm nghẹt mũi và ho. Khi hít vào tinh dầu này tạo ra cảm giác mát lạnh nên có thể làm dịu hoặc làm tê cổ họng đang bị ho hoặc ngứa.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy rằng khi một người khỏe mạnh sử dụng dầu bạc hà, các cơ của khí quản được thư giãn. Điều này có thể giải thích tại sao dầu có thể giúp dễ thở ở những người bị ho.
Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng loại tinh dầu này.
1.4. Tinh dầu quế
Quế thường được sử dụng làm gia vị trong nấu ăn và có nhiều công dụng đối với sức khoẻ. Một nghiên cứu cho thấy rằng tinh dầu quế có thể hữu ích trong việc ngăn chặn mầm bệnh đường hô hấp nếu được khuếch tán trong không khí trong thời gian ngắn. Tinh dầu quế còn có tác dụng chống lại sự sinh sản của vi khuẩn thông thường.
Mặc dù có nhiều công dụng đối với sức khoẻ nhưng tinh dầu quế rất nóng. Do đó, mọi người chỉ nên sử dụng với lượng nhỏ, không thoa lên mắt, mũi hoặc miệng vì có thể gây bỏng. Đặc biệt, không nên dùng tinh dầu quế cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.
1.5. Tinh dầu tràm trà
Dầu cây trà (Tràm) có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây nhiễm trùng xoang và các vấn đề về hô hấp, chẳng hạn như ho. Ngoài ra, cũng có nghiên cứu cho rằng dầu cây trà có thể giúp điều trị một số loại virus, nhưng nghiên cứu về lĩnh vực này còn hạn chế.
1.6. Tinh dầu phong lữ
Chiết xuất từ cây phong lữ có liên quan đến việc giúp điều trị nhiễm trùng ở đường hô hấp trên, bao gồm cả viêm phế quản. Các nhà nghiên cứu đã xem xét một số nghiên cứu đo lường tác dụng của chiết xuất phong lữ đối với bệnh ho. Tất cả chỉ trừ một nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây phong lữ có tác dụng giảm ho.
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc sử dụng những giọt chất lỏng chiết xuất từ cây phong lữ làm giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường và rút ngắn thời gian mắc bệnh.
1.7. Tinh dầu cam bergamot, nhục đậu khấu và cây bách
Các loại tinh dầu của hạt nhục đậu khấu, cam bergamot và cây bách đều chứa camphene, một hợp chất tương tự như long não.
Khi hít vào, camphene có tác dụng làm mát, sảng khoái cũng như có đặc tính chống oxy hóa nên có thể giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại và tránh khỏi vi trùng có hại, giúp trị ho hoặc các tình trạng viêm đường hô hấp hiệu quả.
1.8. Tinh dầu xạ hương
Một nghiên cứu cho thấy cỏ xạ hương có thể được sử dụng như một chất chống vi trùng cho các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, loại thảo dược này chứa hàm lượng carvacrol cao nên hữu ích trong việc loại bỏ hoặc bảo vệ cơ thể chống lại virus và vi khuẩn.
1.9. Tinh dầu kinh giới
Tinh dầu kinh giới chứa carvacrol với hàm lượng cao. Các tác giả của một nghiên cứu năm 2014 đã phát hiện ra rằng carvacrol là một chất có thể chống lại nhiều loại vi trùng. Do đó, loại dầu này có thể giúp điều trị các nguyên nhân gây ho do virus hoặc vi khuẩn.
1.10. Tinh dầu oải hương
Cơn ho của bạn có thể là triệu chứng của bệnh hen suyễn.Tinh dầu oải hương có thể giúp cải thiện các triệu chứng hen suyễn của bạn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng hít dầu hoa oải hương sẽ ức chế sức cản đường thở do hen phế quản.
2. Cách sử dụng các loại tinh dầu giúp giảm ho
Các loại tinh dầu trên hầu hết đều được sử dụng bằng cách sử dụng máy khuếch tán hoặc nhỏ vài giọt vào thau nước để xông hơi, cho tinh dầu vào bồn tắm, ngoài ra một số tinh dầu có thể thoa lên vùng cổ. Đặc biệt lưu ý không được uống các loại tinh dầu trên.
- Sử dụng tinh dầu để xông hơi mặt: Mọi người có thể xông hơi tinh dầu bằng cách cho một vài giọt tinh dầu vào dụng cụ xông hơi hoặc thau nước nóng, sau đó chùm một chiếc khăn mỏng lên đầu và để hơi nước bay vào mũi họng. Để cách mặt với thau nước khoảng chừng 20 đến 30 cm để tránh bị bỏng.
- Sử dụng tinh dầu để tắm: Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần cho vài giọt tinh dầu vào chậu hoặc bồn tắm, sau đó tắm và ngâm mình trong nước khoảng 5-10 phút.
- Sử dụng tinh dầu thoa lên da hoặc cổ: Bạn có thể sử dụng dầu khuynh diệp, dầu tràm trà để thoa lên cổ. Tuy nhiên, nếu là tinh dầu nguyên chất thì bạn cần pha với dầu nền (đây là loại dầu làm từ thực vật giúp pha loãng tinh dầu thiên nhiên).
3. Một số lưu ý khi sử dụng tinh dầu giảm ho
Mặc dù tinh dầu có tác dụng giảm ho cũng như hỗ trợ điều trị một số bệnh lý hô hấp khác nhưng mọi người nên lưu ý một số điều sau khi sử dụng tinh dầu:
- Các loại tinh dầu nên được sử dụng thận trọng nhất là ở trẻ em hoặc phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Một số loại tinh dầu có thể gây ra tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng. Do đó, khi sử dụng tinh dầu mà gặp bất kỳ phản ứng bất thường nào, bạn nên ngưng sử dụng ngay lập tức.
- Sử dụng tinh dầu giảm ho chỉ có tính hỗ trợ điều trị, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Chỉ sử dụng tinh dầu là chưa đủ, bạn cần kết hợp với nhiều phương pháp khác như sử dụng thuốc (theo chỉ định từ bác sĩ), nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể sử dụng thêm gừng hoặc mật ong. Nếu áp dụng tất cả các biện pháp trên mà tình trạng ho không thuyên giảm, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám sớm.
Trên đây là 10 loại tinh dầu giảm ho hiệu quả. Khi mua tinh dầu từ các cửa hàng bạn nên xem xét về chất lượng và hàm lượng của tinh dầu. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn nên tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia.