pnvnonline@phunuvietnam.vn
10 lợi ích bất ngờ của loại gia vị quen thuộc trong món phở gà
Đinh hương thuộc họ sim, tên khác là tử hương. Nụ hoa đinh hương (bộ phận dùng chủ yếu của cây) được thu hái vào lúc nụ bắt đầu chuyển từ màu xanh sang màu hồng đỏ, để cả cuống hoặc ngắt bỏ, phơi âm can hoặc sấy nhẹ đến khô.
Đinh hương giàu chất chống oxy hóa, protein, chất xơ, canxi, sắt, kẽm, kali, niacin, folate, vitamin B, vitamin C, vitamin E, vitamin D và vitamin K,... nên có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe phổ biến của đinh hương theo các nghiên cứu khoa học trên NIH và theo Healthline:
1. Giàu chất chống oxy hóa và chống viêm
Ngoài việc chứa một số vitamin và khoáng chất quan trọng thì đinh hương còn đặc biệt giàu chất chống oxy hóa tự nhiên gọi là eugenol (chiếm từ 70% đến 90% tinh dầu đinh hương) đã được chứng minh có tác dụng giảm stress oxy hóa - yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh mãn tính và chống viêm cũng như giảm đau mạnh mẽ.
Theo Healthline, nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy eugenol có tác dụng ngăn chặn các tổn thương oxy hóa do gốc tự do gây ra có hiệu quả gấp 5 lần so với vitamin E - vốn được biết đến là một chất chống oxy hóa mạnh. Đồng thời, các nghiên cứu về loài gặm nhấm cũng cho thấy đinh hương mang lại lợi ích chống viêm và có thể giúp ức chế các enzym gây viêm, chẳng hạn như Myeloperoxidase (MPO), một dấu hiệu của tình trạng viêm và stress oxy hóa thường tăng cao ở những người mắc một số bệnh lý nhất định, chẳng hạn như bệnh tim.
2. Có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất đinh hương giúp ngăn chặn sự phát triển của khối u và thúc đẩy quá trình tiêu biến tế bào ung thư, trong đó eugenol được xem như hợp chất đem đến nhiều tác động nhất. Tuy nhiên, mặc dù những phát hiện này rất đáng khích lệ nhưng hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung đinh hương giúp giảm sự phát triển của khối u hoặc cải thiện các dấu hiệu viêm và tổn thương tế bào ở người.
Hơn nữa, những nghiên cứu này sử dụng một lượng chiết xuất đinh hương đậm đặc và eugenol khi sử dụng với liều lượng lớn có thể gây tổn thương gan, đặc biệt là ở trẻ em nên chúng ta cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn trên người trước khi kết luận chính thức.
Điều quan trọng cần biết là các chất bổ sung và thuốc thảo dược không thể điều trị, chữa khỏi hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Việc từ bỏ các phương pháp hóa trị liệu truyền thống và dựa vào các liệu pháp thay thế có thể khiến kết quả trở nên tồi tệ hơn.
3. Tiêu diệt vi khuẩn
Đinh hương có đặc tính kháng khuẩn - nghĩa là chúng có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh chẳng hạn như vi khuẩn E.coli gây ngộ độc thực phẩm hay những loại vi khuẩn gây bệnh viêm nướu từ đó giúp tăng cường sức khỏe răng miệng,...
Một nghiên cứu trên 40 người đã thử nghiệm tác dụng của nước súc miệng thảo dược bao gồm dầu cây trà, đinh hương và húng quế. Kết quả cho thấy sử dụng nước súc miệng này trong 21 này giúp người tham gia có sự cải thiện đáng kể về sức khỏe nướu, giảm lượng mảng bám và vi khuẩn trong miệng. Công dụng này sẽ tăng lên khi kết hợp với đánh răng thường xuyên và vệ sinh răng miệng đúng cách.
4. Chống nhiễm trùng
Theo Y học cổ truyền, đinh hương được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng đường hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy đinh hương có tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn và chống viêm, có thể hữu ích trong việc điều trị và ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng.
Chẳng hạn như dầu đinh hương, đã được chứng minh là có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn chống lại các mầm bệnh thường gây bệnh ở người, chẳng hạn như nấm men Candida và nấm Aspergillus.
Ngoài ra, eugenol, hợp chất hoạt động chính trong đinh hương, đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của virus và làm giảm sự lây nhiễm virus của các virus herpes, chẳng hạn như herpes simplex-1 (HSV-1) và herpes simplex-2 (HSV-2), và cung cấp tác dụng kháng virus chống lại bệnh viêm gan A và cúm A, theo NIH.
Các nhà nghiên cứu cũng đã kiểm tra xem các hợp chất có trong đinh hương có thể có hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng do COVID-19 hay không. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu trên người để hiểu liệu đinh hương có mang lại bất kỳ sự bảo vệ nào chống lại COVID-19 hoặc mang lại lợi ích cho những người bị nhiễm COVID-19 hay không.
Và mặc dù các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy đinh hương và chiết xuất đinh hương có thể mang lại sự bảo vệ đáng kể chống lại một số mầm bệnh và nhiễm trùng, nhưng hiện tại chưa có đủ nghiên cứu về những lợi ích này ở người.
5. Đinh hương cải thiện sức khỏe lá gan
Theo Healthline, các nghiên cứu cho thấy nhiều hợp chất chống oxy hóa trong đinh hương như eugenol có thể đặc biệt có lợi cho gan bao gồm cải thiện chức năng gan, giảm viêm và giảm stress oxy hóa. Tuy nhiên nghiên cứu về tác dụng bảo vệ gan của đinh hương trên người còn khá hạn chế. Hơn nữa, như đã nói ở trên, eugenol khi dùng ở liều lượng lớn gây độc hại cho sức khỏe.
Một nghiên cứu nhỏ cho thấy việc bổ sung hợp chất eugenol trong 1 tuần giúp giảm mức độ glutathione-S transferase (GST) - một họ enzyme có liên quan tới quá trình giải độc thường là dấu hiệu của bệnh gan.
6. Điều chỉnh lượng đường trong máu
Chiết xuất đinh hương và nigericin được tìm thấy trong đinh hương có tác dụng làm tăng sự hấp thu đường từ máu vào tế bào, tăng tiết insulin và cải thiện chức năng của các tế bào T đóng vai trò sản xuất insulin. Khi kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, đinh hương có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.
Nói cách khác, bổ sung chiết xuất đinh hương có thể giúp giảm lượng đường trong máu ở người khỏe mạnh và người mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù những kết quả này rất đáng khích lệ nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu chiết xuất đinh hương có thể giúp giảm lượng đường trong máu như thế nào.
7. Tăng cường sức khỏe của xương
Sức khỏe của xương suy giảm do lão hóa do khối lượng xương giảm và tăng nguy cơ gãy xương. Đinh hương giàu mangan (55%DV/2g thìa cà phê đinh hương xay) hỗ trợ hiệu quả cho quá trình hình thành xương và cực kì quan trọng trong việc tăng mật độ khoáng xương và sự phát triển của xương.
Ngoài ra, chiết xuất đinh hương cũng giàu eugenol có tác dụng cải thiện một vài dấu hiệu loãng xương cũng như tăng mật độ và sức mạnh của xương.
Tuy nhiên nghiên cứu về tác dụng của đinh hương đối với khối lượng xương hầu hết chỉ giới hạn ở những nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm, cần nhiều nghiên cứu hơn để kết luận về tác dụng này.
8. Có thể giúp giảm vết loét dạ dày
Loét dạ dày tá tràng gây ra những vết loét đau đớn hình thành ở niêm mạc dạ dày, tá tràng và thực quản. Nguyên nhân phổ biến là do sự suy yếu của lớp màng bảo vệ dạ dày bắt nguồn từ các yếu tố như căng thẳng, nhiễm trùng và di truyền gây ra.
Tinh dầu đinh hương đã được chứng minh là giúp tăng sản xuất chất nhầy dạ dày - có vai trò là rào cản giúp ngăn ngừa sự ăn mòn niêm mạc dạ dày do axit từ quá trình tiêu hóa gây ra. Mặc dù vậy, những số liệu hiện tại là chưa đủ và chỉ mang tính chất hứa hẹn, cần các nghiên cứu sâu hơn trên người trước khi kết luận về mức độ đinh hương cần thiết để đạt được hiệu quả mong muốn.
9. Hỗ trợ chữa đau răng
Dầu đinh hương có lẽ được biết đến nhiều nhất như một phương thuốc chữa đau răng. Việc sử dụng dầu đinh hương để trị đau răng lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1649 tại Pháp.
Trong một nghiên cứu cũ đăng tải trên tạp chí Science thực hiện trên 73 người trưởng thành, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gel làm từ đinh hương có thể so sánh với benzocaine (một loại thuốc gây tê cục bộ) về khả năng giảm đau do tiêm vào miệng.
Tác dụng này đến từ eugenol - là thuốc gây mê tự nhiên. Mặc dù tinh dầu đinh hương rất tốt để điều trị cơn đau nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy nó có thể tiêu diệt vi khuẩn gây ra vấn đề một cách hiệu quả.
10. Bài thuốc chữa bệnh từ đinh hương
Theo Y học cổ truyền, đinh hương có vị cay, tê, mùi thơm mạnh, tính ấm, có tác dụng kích thích, làm thơm, ấm bụng, chống nôn, giảm đau, sát khuẩn, làm săn, tiêu sưng. Dưới đây là một số bài thuốc từ đinh hương mà bạn có thể tham khảo, lưu ý không tự ý sử dụng đinh hương để chữa bệnh mà cần có tư vấn của thầy thuốc:
1. Bài thuốc chữa sưng răng, đau răng, sâu răng
Chuẩn bị đinh hương đem giã nhỏ rồi ngâm với cồn. Ngâm càng lâu thì càng có tác dụng tốt. Khi bị đau răng, lấy bông thấm hỗn hợp ngâm rồi ấn dịt vào chỗ răng bị đau.
2. Bài thuốc chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa và thổ tả
Chuẩn bị 2g đinh hương, 6g sa nhân và 12g bạch truật đem tán bột các nguyên liệu này rồi uống ngày 2 - 3 lần, chia mỗi lần uống từ 2 - 4g.
3. Bài thuốc chữa viêm đường hô hấp, viêm xoang mũi, xoang mặt, giảm nghẽn đường thở
Chuẩn bị tinh dầu đinh hương, tinh dầu bạch đàn, trần bì, hạt mùi, menthol, natri bicarbonate, acid citric, trộn đều rồi vo thành các viên nhỏ. Mỗi lần dùng 2 - 3g cho vào nước sôi để xông họng hoặc ngậm để súc họng.
4. Bài thuốc chữa nghẹt mũi, cảm cúm và nhức đầu
Chuẩn bị cao nóng dạng xoa bao gồm tinh dầu đinh hương, bạc hà, quế, long não, sa nhân và hồi. Khi dùng thì lấy một ít cao này bôi vào mũi, thái dương và gáy để giảm đau.
5. Bài thuốc chữa phong thấp, đau xương, nhức mỏi, chân tay lạnh
Chuẩn bị 20g đinh hương, 12g long não, 250ml cồn 90 độ rồi đem các nguyên liệu đã chuẩn bị đi ngâm 7 ngày đêm. Sau đó lọc bỏ bã và cất dùng dần. Khi dùng thì lấy bông thấm thuốc ngâm rồi bôi, xoa bóp vùng đau nhức ngày 1 - 2 lần để đạt hiệu quả.
6. Bài thuốc đinh hương chữa đinh râu
Chuẩn bị 1 phần đinh hương, 2 phần đọt cây dứa dại đem giã nát rồi đắp vào đinh râu.
11. Tiêu thụ đinh hương bao nhiêu mỗi ngày?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt ra lượng tiêu thụ đinh hương chấp nhận được là 2,5 mg mỗi kg (kg) trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Điều này có nghĩa là một người nặng 58,9 kg có thể tiêu thụ khoảng 147 mg đinh hương hoặc ít hơn mỗi ngày một cách an toàn. Tuy nhiên trước khi bổ sung bất kì một hợp chất nào bạn cần trao đổi với bác sĩ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Đặc biệt với đinh hương ở dạng thuốc bổ sung có thể không an toàn đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Trong một số ít trường hợp, trẻ sơ sinh và trẻ em bị tổn thương gan, co giật và các bất thường khác sau khi uống dầu đinh hương không pha loãng. Dầu đinh hương cũng chứa một lượng lớn eugenol, có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng như co giật và tổn thương gan nếu ăn phải lượng rất cao. Vì lý do này, không nên uống tinh dầu đinh hương.