pnvnonline@phunuvietnam.vn
100 đại biểu tham gia lớp tập huấn "Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cộng đồng"
100 đại biểu tham gia lớp tập huấn "Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cộng đồng"
Lớp tập huấn về "Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cộng đồng" được TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức cho 100 đại biểu là các trưởng thôn/bản, chi hội trưởng phụ nữ, người có uy tín tại cộng đồng, Hội LHPN 2 xã Mường Mươn, Lùng Phình (xã Mườn Mương thuộc huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên; xã Lùng Phình thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), là 2 xã chỉ đạo điểm Dự án 8 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Trong 2,5 ngày, các đại biểu đã được giảng viên, Thạc sĩ Lê Văn Sơn - Tư vấn về giới - GFCD tại Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng Đồng (GFCD) giới thiệu một số khái niệm cơ bản về giới; một số vấn đề giới của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong một số lĩnh vực; một số vấn đề bất bình đẳng giới và vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số; cùng học viên phân tích các nguyên nhân và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề giới; khái niệm lồng ghép giới; lồng ghép giới trong truyền thông và hoạt động cộng đồng; truyền thông về bình đẳng giới; thu hút sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Ngoài ra tại lớp tập huấn, các đại biểu cũng được giảng viên Hoàng Anh Thơ - Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam hướng dẫn truyền thông và triển khai thực hiện Phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới".
Qua lớp tập huấn, các đại biểu cơ bản hiểu được trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cả nam và nữ đều được đảm bảo các quyền như nhau; có vị trí, vai trò, trách nhiệm ngang nhau; tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi như nhau; được hưởng lợi ngang nhau; cùng xóa bỏ các định kiến giới, rào cản giới, khuôn mẫu giới; cùng tôn trọng sự khác biệt giữa nam và nữ; thừa nhận và xem xét sự khác biệt giữa nam và nữ; tạo điều kiện thuận lợi cho nam và nữ dựa trên sự khác biệt của họ.
Các đại biểu dự tập huấn nhận thức được trách nhiệm của cá nhân bản thân là người nêu gương, tiên phong đi trước trong việc không được có hành vi bạo lực gia đình và lên án các hành vi bạo lực gia đình; đối với gia đình: Cần giáo dục nhắc nhở các thành viên trong gia định không có hành vi bạo lực, kịp thời hòa giải mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, phối hợp với các tổ chức tại địa phương để phòng, chống bạo lực gia đình... qua đó hiểu được và sẵn sàng tham gia chia sẻ việc nhà; việc nhỏ, việc to thì cùng lo, cùng quyết để gia đình hạnh phúc.
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.