pnvnonline@phunuvietnam.vn
11 câu hỏi quan trọng về COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa ai giải đáp được chính xác
Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia trên thế giới vẫn đang không ngừng cố gắng tìm hiểu về loại virus corona chủng mới hay SARS-CoV-2 này. Những gì chúng ta biết rõ về virus corona chủng mới là chúng đã xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngay trước năm mới và hiện đã lây lan tới gần 200 quốc gia, lây nhiễm cho hơn triệu người và khiến gần 60.000 người tử vong.
Tuy nhiên căn bệnh COVID-19 này lại lây lan quá nhanh trong cộng đồng, nhanh hơn nhiều so với tốc độ các nhà khoa học tìm ra các câu trả lời quan trọng. Đến nay, vẫn có 11 câu hỏi lớn xung quanh virus corona chủng mới và COVID-19 mà các nhà khoa học chưa thể giải đáp được chính xác.
1. Virus corona chủng mới thực sự đến từ đâu?
Một con tê tê tìm kiếm thức ăn ở Johannesburg, Nam Phi vào tháng 2/2019. Ảnh: Themba Hadebe/AP
Ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên xuất hiện trong hoặc xung quanh chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu khá chắc chắn rằng virus này được phát triển trên loài dơi. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy virus corona chủng mới có chung khoảng 80% bộ gen với SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), một loại virus cũng xuất phát từ dơi và gây ra dịch bệnh vào năm 2002 và 2003.
Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa xác định rõ được làm thế nào virus corona chủng mới lây từ dơi sang người. Trong dịch SARS, một con cầy giống như chồn là vật chủ trung gian lây truyền virus. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng cầy hương, lợn, rắn hoặc là tê tê có khả năng là vật chủ trung gian của virus corona chủng mới.
Một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đã công bố kết quả ban đầu chỉ ra tê tê là vật trung gian lây truyền virus sang cho con người khi họ tìm thấy sự giống nhau về di truyền 99%. Nhưng nghiên cứu và dữ liệu của nhóm vẫn chưa được các nhà khoa học khác xác minh và đánh giá ngang hàng.
Tại sao điều này quan trọng? Việc hiểu làm thế nào virus corona chủng mới phát triển và lây lan có thể dẫn đến cải thiện các phương pháp điều trị bệnh.
2. Có bao nhiêu người thực sự bị nhiễm COVID-19?
Các trường hợp nhiễm, tử vong, phục hồi chỉ phản ánh những con số được xác nhận nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ số lượng ca bệnh thực tế lớn hơn nhiều.
Theo một nghiên cứu của nhiều trường đại học tại Mỹ, Anh, Hồng Kông và Trung Quốc đăng tải trên tạp chí Science ngày 16/3, mỗi một người xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới có thể sẽ dẫn tới số trường hợp không bị phát hiện cao gấp 5-10 lần. Điều này là do khả năng xét nghiệm chậm hơn so với tốc độ lây lan bệnh và nhiều nước - bao gồm cả ở Mỹ - đã không thực hiện xét nghiệm rộng rãi từ rất sớm.
Tại sao điều này quan trọng? Đánh giá được chính xác số người nhiễm bệnh sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự lây lan của virus, tỷ lệ tử vong của COVID-19, tỷ lệ người mang mầm bệnh không triệu chứng và các yếu tố khác. Nó cũng sẽ cho thấy thực hiện cách ly xã hội hay phong tỏa khu vực có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh hay không.
3. Điều gì khiến virus corona chủng mới lây lan nhanh như vậy?
Hành khách Indonesia đến từ Vũ Hán được phun thuốc sát trùng tại sân bay Hang Nadim ở Batam vào ngày 2/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Indonesia thông qua AP
Việc đo khả năng lây lan của virus từ người này sang người khác được gọi là R0, hoặc R-naught; giá trị càng cao thì độ lây nhiễm càng lớn - mặc dù nó thay đổi theo vùng và điều kiện xung quanh. Virus corona chủng mới có R0 là khoảng 2.2, có nghĩa là trung bình một người bị nhiễm bệnh sẽ lây lan cho 2,2 người. Cúm theo mùa có R0 khoảng 1,3.
Các nhà nghiên cứu chưa hiểu tại sao virus corona chủng mới lại lây truyền nhanh tới như vậy. Họ cũng đưa ra một số quan điểm rằng: Thứ nhất, các protein bề mặt của virus cho phép nó bám vào tế bào chủ và xâm chiếm chúng, gắn với một chốt đặc biệt mạnh, Ed Yong của Atlantic cho biết.
Hơn nữa, các virus này dường như cũng lây nhiễm ở cả đường hô hấp trên và dưới, không giống như SARS lây nhiễm chủ yếu ở các mô sâu hơn trong phổi. Ngoài ra, ho - một triệu chứng đặc trưng của COVID-19 cũng giúp lan truyền virus thông qua những giọt bắn, dịch tiết. Cũng có một số bằng chứng cho thấy nó lây nhiễm vào các tế bào ruột và có thể lây lan qua phân.
Tại sao điều này quan trọng? Biết cách virus xâm nhập có thể giúp mọi người ngăn chặn sự lây lan của nó tốt hơn. Việc xử lý hành vi của nó cũng có thể thúc đẩy các chính phủ hành động sớm hơn để ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai của các bệnh tương tự khác.
4. Điều gì gây tử vong ở những người mắc COVID-19?
Phim chụp X-quang cho thấy COVID-19 khiến chất lỏng lấp đầy trong phổi. Ảnh: Weifang Kong và Prachi P. Agarwal
Những người phát triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng thường có một kiểu khá giống nhau. Vào ngày đầu tiên, người bệnh thường bị sốt và cảm thấy đau cơ, mệt mỏi và ho khan. Vào ngày thứ năm, hơi thở khó khăn hơn và đến ngày thứ bảy, họ có thể phải nhập viện. Ngày thứ tám là khi tình hình có thể trở nên tồi tệ, chất dịch bắt đầu lấp đầy phổi và ngăn chặn dòng oxy, một tình trạng gọi là hội chứng suy hô hấp cấp tính. Chất dịch đó có thể nhìn thấy rõ trên phim chụp X-quang phổi.
Các bác sĩ hiện nay vẫn đang cố gắng tìm hiểu tại sao không chỉ những người có các yếu tố rủi ro rõ ràng như hút thuốc và các bệnh mãn tính mới bị bệnh nặng mà ngay cả những người trẻ và dường như khỏe mạnh cũng có thể mắc COVID-19 nghiêm trọng.
Một nhà virus học nói với tờ The Washington Post rằng virus có thể sao chép đủ nhanh để kích hoạt hệ thống miễn dịch rất đột ngột thay vì dần dần, khiến nó trở nên "điên loạn". Ngoài thiệt hại do virus gây ra, tình trạng viêm có thể mở thêm mao mạch phổi và khiến chúng bị rò rỉ nhiều hơn - khiến chất lỏng nhanh chóng tích tụ trong phổi, cắt giảm lưu lượng oxy và làm căng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tim.
Tuy nhiên, căn bệnh này mới tồn tại chưa đầy ba tháng nên để biết chính xác điều gì khiến nó trở thành mối đe dọa đối với một bộ phận đáng kể bệnh nhân chưa thể rõ ràng ngay.
Tại sao điều này quan trọng? Hiểu được cách thức virus corona chủng mới gây tổn hại cho cơ thể sẽ giúp các nhà khoa học tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả hơn và phát triển các loại thuốc điều trị.
5. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 là bao nhiêu?
Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 không phải nước nào cũng giống nhau, có nhiều yếu tố tác động tới.
Tuổi tác là một vấn đề lớn. Những người lớn tuổi có nhiều khả năng tử vong do suy phổi vì mắc COVID-19, trong khi những người trẻ ít xảy ra điều này hơn. Tuy nhiên, bất cứ ai ở lứa tuổi nào cũng có thể trải qua tình trạng viêm phổi nặng, mệt mỏi, và các triệu chứng đáng lo ngại khác.
Địa điểm cũng rất quan trọng. Các chính phủ không phản ứng mạnh mẽ và sớm trước sự bùng phát khiến các phòng cấp cứu và các đơn vị chăm sóc đặc biệt bị quá tải bệnh nhân. Điều đó khiến nguồn lực bác sĩ không đủ khả năng để đối phó và buộc phải đưa ra quyết định sống chết cho bệnh nhân.
Ngay cả điều kiện thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan của virus, ảnh hưởng đến số người mà nó giết chết trong một dân số nhất định.
Thực tế, tỷ lệ tử vong trung bình luôn thay đổi, và sẽ không thể xác định được tỷ lệ tử vong trung bình toàn cầu là bao nhiêu cho đến khi đại dịch giảm.
Tại sao điều này quan trọng? Sự thay đổi về tỷ lệ tử vong giúp các nhà nghiên cứu phơi bày những lỗ hổng trong phản ứng của chính phủ, chuỗi cung ứng, chăm sóc bệnh nhân và giúp đưa ra những đề xuất khắc phục.
6. Tại sao những người trẻ tuổi có nguy cơ tử vong thấp?
Một đứa trẻ đeo khẩu trang. Ảnh: Cathal McNaughton/Reuters
Trên cơ sở bình quân đầu người, những người trẻ tuổi có khả năng phục hồi tốt nhất khi mắc COVID-19. Tính đến ngày 16/3, gần 30% trường hợp được xác nhận tại Hoa Kỳ là những người trong độ tuổi từ 20-44, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Trong đó có 20% trường hợp nhập viện và 12% phải vào khoa ICU.
Tuy nhiên, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói trong một cuộc họp báo đầu tháng 3 rằng những người trẻ tuổi "không phải là bất khả chiến bại". "Virus này có thể đưa bạn vào bệnh viện trong nhiều tuần hoặc thậm chí giết chết bạn", ông Tedros nói.
Dù vậy, tỷ lệ trẻ em tử vong vì virus corona chủng mới vẫn thấp. Thông thường, trẻ em và người già nằm trong cùng loại nguy cơ mắc các bệnh như cúm. Nhưng điều đó không đúng với COVID-19: Khoảng 80% số ca tử vong là những người từ 65 tuổi trở lên, trong khi chỉ có một số ít trẻ nhỏ chết vì bệnh này. Những trường hợp đó là một trong những bí ẩn lớn nhất về COVID-19 cho đến nay.
Tại sao điều này quan trọng? Biết được tại sao trẻ em mắc COVID-19 không có dấu hiệu bệnh hoặc chỉ gặp các triệu chứng rất nhẹ có thể giúp phát triển các loại vắc xin trong tương lai.
7. Bạn có thể bị tái nhiễm COVID-19 không?
Theo The Guardian, đã có một số ít trường hợp mắc COVID-19 sau khi có kết quả âm tính thì vài ngày sau lại cho kết quả dương tính với virus corona chủng mới.
Theo các chuyên gia, những trường hợp này dường như là ngoại lệ và có thể là kết quả xét nghiệm bị lỗi. Không ai chắc chắn về việc liệu người mắc bệnh có thể miễn dịch lâu dài với COVID-19 hay không. Nhưng các nhà nghiên cứu hệ thống miễn dịch tin rằng rằng cơ thể sẽ nhận ra và chiến đấu với virus corona chủng mới nếu gặp lại chúng trong tương lai.
Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ chia sẻ rằng ông "thực sự tin tưởng" bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục sẽ có khả năng miễn dịch.
Tại sao điều này quan trọng? Hiểu được việc cơ thể có thể tạo ra miễn dịch lâu dài với virus corona chủng mới sẽ giúp mọi người hiểu cách kiểm soát đại dịch và có thể cho phép gỡ bỏ các hạn chế về xã hội đối với những người đã bị bệnh.
8. Virus corona chủng mới có phải bệnh theo mùa?
Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS / Leah Millis
Tổng thống Donald Trump đã nói về virus corona chủng mới rằng "rất nhiều người nghĩ rằng nó sẽ biến mất vào tháng Tư khi thời tiết nóng lên."
Sự thật là không ai biết chắc được điều đó, hầu hết các chuyên gia không nghĩ rằng virus sẽ biến mất khi nhiệt độ tăng. Dù vậy, có một tia hy vọng rằng các điều kiện ấm hơn và ẩm ướt hơn ít nhất có thể cản trở sự lây lan của virus.
Nghiên cứu chưa được công bố bởi một nhóm các nhà khoa học ở Bắc Kinh đã phát hiện ra rằng "nhiệt độ cao và độ ẩm tương đối cao làm giảm đáng kể việc lây truyền COVID-19, ngay cả sau khi kiểm soát mật độ dân số và GDP bình quân đầu người của các thành phố."
Tuy nhiên, vì có rất nhiều trường hợp mắc bệnh và vẫn còn rất nhiều người chưa mắc bệnh, các nhà nghiên cứu chưa rõ liệu căn bệnh này có thể trở thành bệnh theo mùa hay không.
Tại sao điều này quan trọng? Biết được virus corona chủng mới có bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay không sẽ giúp các nước trên thế giới triển khai tốt hơn các nguồn lực để hạn chế sự lây lan của nó.
9. Có loại thuốc nào an toàn và hiệu quả để điều trị COVID-19 không?
Hiện chưa có loại thuốc nào được xác định chính xác là có thể điều trị COVID-19. Tuy nhiên, có một số ứng cử viên tiềm năng.
Vào tháng 2, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Pháp đã phát hiện ra rằng hydroxychloroquine - một chất ức chế viêm tương đối rẻ tiền được thiết kế để tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét và giúp những người bị lupus và viêm khớp dạng thấp - có thể có một số tác dụng. Điều đó có thể còn mạnh hơn khi kết hợp với một loại kháng sinh gọi là azithromycin, có thể chống lại các vi khuẩn trong phổi. Kết quả ban đầu từ một thử nghiệm lâm sàng (trên một số ít người) cho thấy rằng bộ đôi này có thể làm giảm nhiễm trùng trong khoảng một tuần.
Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng vẫn đang tiến hành và sự kết hợp thuốc có thể không an toàn hoặc hiệu quả để sử dụng trong việc chống lại COVID-19 cho toàn dân.
Một loại thuốc khác có thể hiệu quả là là remdesivir - một hóa chất chống vi rút thử nghiệm. Nhưng giống như những loại thuốc khác, các nghiên cứu vẫn phải tiếp tục xem xét tính hiệu quả và sự an toàn của nó đối với những người mắc COVID-19.
Tại sao điều này quan trọng? Có các phương thức để làm chậm sự lây lan hoặc thậm chí ngăn chặn virus corona chủng mới gây hại cho mọi người có thể hạn chế sự lây lan của nó giảm bớt gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và cứu sống nhiều người hơn.
10. Khi nào sẽ có một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả để ngừa COVID-19?
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ di chuyển một bệnh nhân COVID-19 từ xe cứu thương đến bệnh viện ở Seoul vào ngày 9/3. Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty
Ít nhất 10 thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, theo Stat. Mỗi thử nghiệm đều có những cách tiếp cận khác nhau và rất có khả năng ít nhất một thử nghiệm sẽ an toàn và hiệu quả.
Nhưng tất cả các loại vắc-xin tiềm năng đều đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Có thể mất hơn một năm để chứng minh chúng hiệu quả và sáu tháng sau đó để sản xuất và phân phối chúng.
Tại sao điều này quan trọng? Phát triển vắc-xin sẽ giúp thế giới chấm dứt đại dịch.
11. Hậu quả lâu dài đối với những người sống sót sau COVID-19 là gì?
Một số người đầu tiên nhiễm COVID-19 đã hồi phục chỉ trong vài tuần. Vì vậy, vẫn chưa rõ những hậu quả lâu dài có thể ảnh hưởng với những bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh.
Một nghiên cứu mới từ các trường hợp mắc COVID-19 ban đầu ở Trung Quốc cho thấy những bệnh nhân hồi phục sẽ bị giảm chức năng phổi. Một số người sống sót sẽ "thở hổn hển nếu họ đi bộ nhanh hơn một chút", một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu cho biết, theo South China Morning Post. Ông nói thêm rằng "một số bệnh nhân có thể bị suy giảm khoảng 20% đến 30% chức năng phổi."
Điều này chỉ có thời gian mới có thể cho câu trả lời chính xác.
Tại sao điều này quan trọng? Nếu virus corona chủng mới được phát hiện gây tổn thương lâu dài cho phổi và các cơ quan khác, các nước có thể có những hành động quyết liệt và nhanh chóng hơn để kiểm soát sự lây lan của bệnh.