pnvnonline@phunuvietnam.vn
11 điều cần biết về bệnh viêm thanh quản
- 1. Bệnh viêm thanh quản là gì?
- 2. Phân loại viêm thanh quản
- 3. Dấu hiệu
- 4. Nguyên nhân gây bệnh
- 5. Chẩn đoán
- 6. Phương pháp điều trị
- 7. Biến chứng của bệnh viêm thanh quản là gì?
- 8. Phòng tránh
- 9. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân viêm thanh quản
- 10. Các câu hỏi liên quan đến viêm thanh quản
- 11. Hình ảnh về viêm thanh quản
1. Bệnh viêm thanh quản là gì?
Thanh quản hay còn được gọi là hộp thoại, là cơ quan ở cổ trên, nằm ngay phía sau cổ họng. Thanh quản bao gồm một bộ xương sụn, ở bên trong có chứa các dây thanh âm, được bao phủ bởi một lớp niêm mạc nhầy.
Các cơ bên trong thanh quản có vai trò điều chỉnh độ căng, vị trí và hình dạng của dây thanh âm, từ đó thanh quản có thể phát ra các âm thanh khác nhau như thì thầm, hát và la hét. Khi có sự thay đổi trong luồng khí (hít vào và thở ra bởi phổi) trên các dây thanh âm sẽ ảnh hưởng đến giọng nói và chất lượng âm thanh.
Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm và hộp thoại bị viêm nhiễm và sưng lên, ảnh hưởng đến giọng nói.
2. Phân loại viêm thanh quản
Viêm thanh quản được phân làm 2 loại dựa vào thời gian kéo dài của bệnh, là viêm thanh quản cấp tính và viêm thanh quản mãn tính.
2.1. Viêm thanh quản cấp tính
Viêm thanh quản cấp tính là tình trạng các triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột và kéo dài dưới 3 tuần, sau đó biến mất. Trong viêm thanh quản cấp tính lại chia thành các loại như:
- Viêm thanh quản cấp tính xuất tiết thông thường: Thường gặp vào mùa đông, khi thời tiết lạnh, khiến cho viêm từ mũi lan xuống thanh quản, gây xung huyết và phù nề niêm mạc, dây thanh âm sưng đỏ, xuất tiết nhầy đặc đọng ở dây thanh âm. Tình trạng này thường gặp ở nam giới nhiều hơn do ảnh hưởng từ các vấn đề như ít giữ ấm, hút thuốc, uống rượu bia.
- Viêm thanh quản cúm: Do virus cúm gây viêm đường hô hấp, lan xuống thanh quản. Viêm thanh quản cúm có thể gây xuất tiết, phù nề, viêm tấy, thậm chí loét niêm mạc. Triệu chứng sẽ biến đổi tùy thuộc vào loại virus và vi khuẩn gây bệnh.
- Viêm thanh thiệt phù nề: Thanh thiệt là nắp sụn của thanh quản, có vai trò ngăn thức ăn đi vào thanh quản. Vì ở mặt trước, nên nó rất dễ bị tổn thương và viêm nhiễm. Bệnh nhân sẽ có cảm giác vướng đờm, đau nhói khi nuốt thức ăn.
2.2. Viêm thanh quản mãn tính
Viêm thanh quản mãn tính là khi các triệu chứng đã kéo dài trên 3 tuần mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Viêm thanh quản mãn tính có thể chia thành các loại:
- Viêm thanh quản mãn tính xuất tiết: Là kết quả của việc viêm thanh quản cấp tính tái phát liên tục. Bệnh khiến dây thanh âm bị xung huyết, các cơ trong thanh quản bị bán liệt, thanh quản tiết nhầy nhiều. Do đó, giọng nói của người bệnh bị biến đổi khá nhiều.
- Viêm thanh quản quá phát: Xảy ra khi biểu mô và lớp đệm dưới niêm mạc thanh quản phát triển quá phát, dày lên đáng kể, tế bào trụ có lông chuyển biến thành tế bào lát. Dây thanh âm cũng bị dày lên và biến dạng. Dây thanh âm dày lan tỏa sẽ biến thành dạng tròn trông như sợi dây thừng đỏ. Dây thanh âm dày từng khoảng thì bờ dây trở lên ngoằn ngoèo, có những nốt sần đỏ trên dây thanh.
- Viêm thanh quản nghề nghiệp: Liên quan đến những người khi làm việc phải nói nhiều và nói to như luật sư, MC, giáo viên, ca sỹ,... Thanh quản làm việc quá độ sẽ gây xung huyết, tình trạng kéo dài sẽ dẫn tới viêm mãn tính.
- Bạch sản thanh quản hay papillome: Được coi là bệnh lý tiền ung thư, khi các gai nhú quá sản được lớp niêm mạc sừng hóa che phủ. Các dây thanh âm sẽ bị phủ trắng như vôi hoặc bị bao bọc bởi lớp gai lổn nhổn.
- Viêm thanh quản teo: Thường là biến chứng của bệnh ở mũi như xoang và trĩ mũi. Niêm mạc thanh quản bị khô, đỏ, nhăn lại, tiết nhiều dịch nhầy, dây thanh âm rung kém.
3. Dấu hiệu
Vì viêm thanh quản ảnh hưởng đến dây thanh âm và hộp thoại, nên triệu chứng điển hình nhất chính là làm ảnh hưởng và thay đổi giọng nói. Tùy vào nguyên nhân, mức độ và loại viêm thanh quản mà các triệu chứng sẽ khác nhau. Chúng có thể bao gồm:
- Giọng khàn, khi nói có thể bị đau rát họng, khó nói. Giọng nói cũng có thể thay đổi về độ cao và âm lượng. Trong trường hợp viêm thanh quản nặng có thể gây mất giọng.
- Khô hoặc đau họng.
- Ho.
- Vì đờm đọng ở dây thanh âm, gây cảm giác vướng và khó nói, nên bệnh nhân có xu hướng vô thức hắng giọng thường xuyên để làm sạch cổ họng.
- Tăng sản xuất nước bọt.
- Chứng khó nuốt, bị đau họng khi nuốt.
- Cảm giác sưng và khó chịu ở phía trước cổ.
- Cảm giác như có một khối u trong cổ họng.
- Có các triệu chứng cảm lạnh hoặc cảm cúm.
- Hạch bạch huyết sưng ở cổ họng, ngực hoặc mặt.
- Sốt.
- Đau cơ.
- Khó thở, chủ yếu xảy ra ở trẻ em.
- Nếu viêm gây chảy máu nhẹ thì có thể xuất hiện triệu chứng ho ra đờm có lẫn máu.
4. Nguyên nhân gây bệnh
4.1. Viêm thanh quản cấp tính
- Virus: Hầu hết các trường hợp cấp tính của viêm thanh quản xảy ra là do nhiễm virus. Trong đó, phổ biến nhất là các virus như rhinovirus, virus cúm, virus parainfluenza, adenovirus, coronavirus, và RSV. Ở những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch suy yếu thì các loại virus khác như herpes, HIV và coxsackievirus cũng có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây viêm thanh quản.
- Vi khuẩn: Nhiễm vi khuẩn thường là nguyên nhân phát triển bệnh viêm thanh quản đi kèm với nhiễm virus. Trong đó, phổ biến nhất là các vi khuẩn như streptococcus nhóm A, Streptococcus pneumoniae, C.diphtheriae, M.catarrhalis, Haemophilusenzae, Bordetella pertussis, Bacillus anthracis và M.tuberculosis.
- Nấm: Viêm thanh quản do nhiễm nấm chiếm khoảng 10% các trường hợp viêm thanh quản cấp tính. Tình trạng này thường gặp ở người có tiền sử sử dụng corticosteroid hoặc kháng sinh gần đây. Các loại nấm phổ biến là Histoplasma, Blastomyces, Candida, Cryptococcus và Coccidioides.
- Chấn thương thanh quản: Điều này thường xảy ra khi la hét quá mức, tổn thương thanh quản trong quá trình đặt nội khí quản,...
4.2. Viêm thanh quản mãn tính
- Do bị viêm thanh quản cấp tính tái phát nhiều lần.
- Thanh quản tổn thương do bị kích thích thường xuyên và liên tục do nghiện rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích. Nói nhiều và nói to thường xuyên cũng là một dạng kích thích đáng lưu ý.
- Bị viêm nhiễm xoang mũi và hệ hô hấp liên tục, nhiễm trùng lan xuống thanh quản.
- Ho dữ dội, kéo dài và liên tục khiến thanh quản bị tổn thương, gây viêm.
- Những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - thực quản cũng có nguy cơ bị viêm thanh quản do axit trào lên làm tổn thương thanh quản. Quá trình trào ngược liên tục và kéo dài sẽ khiến thanh quản bị viêm mãn tính.
- Dị ứng thường làm tăng dịch tiết và tăng viêm ở hệ hô hấp, nên nó cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến thanh quản.
5. Chẩn đoán
Thông thường, để chẩn đoán viêm thanh quản, bác sĩ sẽ kiểm tra thể chất và hỏi triệu chứng và tiền sử bệnh, sau đó tiền ảnh nội soi thanh quản. Vì khi bị viêm, thanh quản sẽ bị sưng và đỏ, rất dễ để nhận biết, nên nội soi là phương pháp chẩn đoán viêm thanh quản khá chính xác. Ngoài sưng và đỏ, một số tính chất của mô thanh quản có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm là:
- Mạch máu giãn.
- Mô thanh quản dày và khô.
- Các dây thanh âm xuất hiện nếp gấp.
- Có dịch nhầy bám dính lại giữa dây thanh âm và các cấu trúc gần đó.
Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác như chụp X-quang, xét nghiệm máu để tìm nguyên nhân gây viêm, hoặc khi bác sĩ có lo ngại tiềm ẩn liên quan đến các triệu chứng. Ví dụ như sinh thiết và nuôi cấy mô thanh quản bị tổn thương bất thường sẽ giúp bác sĩ xác nhận viêm thanh quản có phải do nấm hay không.
Điều quan trọng là bệnh nhân cần khai báo chi tiết và chính xác các triệu chứng, tiền sử bệnh, các tổn thương gặp phải trước đó,... để giúp kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
6. Phương pháp điều trị
6.1. Điều trị tại nhà
Việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nhưng dù cho nguyên nhân gây bệnh là gì, thì bệnh nhân cũng sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp tự chăm sóc tại nhà. Chúng có thể bao gồm:
- Nghỉ ngơi nhiều, giữ cho thanh quản hoạt động ít nhất có thể. Hạn chế nói chuyện, ho, hắng giọng, cười đùa, chỉ nên nói nhỏ nhẹ. Tuy nhiên, không nên nói thầm, bởi nói thầm kích thích thanh quản của bạn nhiều hơn là nói nhẹ nhàng.
- Tăng độ ẩm không khí bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương.
- Uống nhiều nước ấm.
- Tránh xa thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích.
- Tránh những nói có nhiều khói bụi hoặc các hóa chất độc hại.
- Vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ, có thể súc miệng bằng nước muối ấm.
- Có thể sử dụng viên ngậm để tan đờm, giảm ho và hỗ trợ làm sạch cổ họng, giúp cổ họng dịu lại và dễ chịu hơn. Tuy nhiên cần tránh thuốc thông mũi vì nó có thể làm khô cổ họng của bạn.
6.2. Điều trị y tế bổ sung
Việc chỉ định phương pháp điều trị y tế sẽ do bác sĩ quyết định. Thông thường nó sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh viêm thanh quản là gì.
- Virus: Viêm thanh quản cấp tính do virus thông thường sẽ dần dần biến mất trong vòng 1 tuần mà không cần điều trị. Bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi và áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà thật tốt. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng quá nặng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân thì bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau, thuốc tan đờm để điều trị triệu chứng.
- Vi khuẩn: Thuốc kháng sinh có thể được kê toa cho viêm thanh quản do vi khuẩn, đặc biệt là khi có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Trong những trường hợp nghiêm trọng của viêm thanh quản do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm màng cứng hoặc viêm nắp thanh quản, đường thở có nguy cơ cao bị tắc nghẽn thì cần điều trị khẩn cấp. Điều trị thường bao gồm tạo độ ẩm cho thanh quản, thuốc corticosteroid , kháng sinh tiêm tĩnh mạch và adrenaline nebulised.
- Nấm: Viêm thanh quản do nấm có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm đường uống và dung dịch kháng nấm. Chúng thường được sử dụng trong tối đa ba tuần và điều trị có thể cần phải được lặp lại nếu nhiễm nấm tái phát.
- Chấn thương: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân cho thanh quản nghỉ ngơi và áp dụng các biện pháp y tế giúp thanh quản hồi phục nhanh nhất có thể.
- Dị ứng: Liệu pháp miễn dịch, steroid tại chỗ và thuốc kháng histamine có thể được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa các phản ứng dị ứng, tránh kích hoạt viêm thanh quản.
- Trào ngược axit: Thuốc chống trào ngược, thuốc trung hòa axit và thuốc ức chế axit có thể được sử dụng trong điều trị viêm thanh quản do trào ngược.
- U hạt: Bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng corticosteroid toàn thân. Đôi khi tiêm nội nhãn hoặc cắt laser có thể là phương pháp cho hiệu quả nhanh và cao.
Trong những trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ polyp hoặc nốt sần. Nếu dây thanh âm bị tê liệt, bác sĩ cũng có thể phẫu thuật để thay đổi vị trí hoặc hình dạng của dây thanh âm để khắc phục.
7. Biến chứng của bệnh viêm thanh quản là gì?
- Trong một số ít trường hợp, viêm dây thanh âm có thể gây suy hô hấp, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm nắp thanh quản cũng có thể lan ra ngoài vùng thanh quản đến các khu vực khác trong đường hô hấp và vào dòng máu của bạn. Trong trường hợp cực đoan có thể gây nhiễm trùng máu.
- Nếu viêm thanh quản kéo dài mà không được điều trị có thể gây liệt dây thanh âm và suy yếu nắp thực quản. Dây thanh âm bị liệt sẽ gây khó thở, khó nói. Nắp thực quản bị suy yếu có thể làm thức ăn đi vào trong thực quản, đến phổi, gây viêm phổi.
- Viêm lâu ngày có thể gây biến đổi tế bào, hình thành polyp, nguy cơ gây ung thư. Đặc biệt là những bệnh nhân mắc viêm thanh quản loại bạch sản thanh quản thì có nguy cơ bị biến chứng thành ung thư rất cao.
8. Phòng tránh
- Tránh hút thuốc và ở gần những người hút thuốc.
- Tránh đến nơi có nhiều khói bụi hoặc hóa chất độc hại.
- Hạn chế uống rượu, cà phê, đồ uống có ga. Không sử dụng chất kích thích.
- Rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh thân thể và nơi ở thật tốt để tránh bị cảm lạnh và nhiễm trùng đường hô hấp trên. Khi bị bệnh hô hấp cần điều trị sớm và triệt để, tránh để viêm lây lan tới thanh quản. Khi bị ho cũng cần có biện pháp giảm ho, tránh ho quá nhiều và kéo dài sẽ làm thanh quản bị tổn thương, gây viêm.
- Giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh.
- Tránh la hét, nói quá nhiều và quá to.
9. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân viêm thanh quản
9.1. Nên ăn gì?
- Tỏi có đặc tính kháng khuẩn, vì vậy nó có thể giúp người bệnh vượt qua nhiễm trùng sớm hơn. Tỏi đặc biệt thích hợp cho những bệnh nhân bị viêm thanh quản do cảm lạnh và cảm cúm.
- Gừng được coi là vị thuốc Đông y, đã được mọi người sử dụng qua nhiều thế hệ để điều trị bệnh, đặc biệt là viêm họng và nhiễm trùng đường hô hấp trên. Nó giúp diệt khuẩn, giảm ho, tan đờm. ấm họng. Uống trà gừng khi còn ấm có thể giúp dịu họng ngay lập tức.
- Mật ong là một chất kháng khuẩn và chống viêm tự nhiên. Nó có thể giúp giảm đau, giảm ho và khó chịu trong cổ họng. Mọi người có thể pha mật ong với nước ấm để uống. Thêm chanh vào sẽ giúp nâng cao sức đề kháng.
Ngoài ra mọi người nên bổ sung các loại rau của quả tươi, ngũ cốc, thực phẩm giàu vitamin A - E và C để giúp giữ lớp màng nhầy của thanh quản khỏe mạnh. Thức ăn nên mềm và dễ nuốt để tránh kích thích cổ họng.
9.2. Kiêng ăn gì?
- Kiêng các thực phẩm có thể gây ợ chua và ợ nóng như rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga, sô cô la, thức ăn cay, thực phẩm giàu chất béo,...
- Thức ăn quá cứng, quá cay, quá nóng hoặc quá lạnh có thể làm tổn thương thanh quản. Ăn thường xuyên sẽ dẫn đến viêm nhiễm.
- Nếu bệnh nhân bị viêm thanh quản do dị ứng thì cũng nên tránh các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao như hải sản, đậu phộng, trứng.
10. Các câu hỏi liên quan đến viêm thanh quản
10.1. Viêm thanh quản có thể chữa khỏi không?
Mặc dù có rất nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản, nhưng chữa khỏi nó là điều hoàn toàn có thể. Trong trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi trong vòng vài ngày chỉ nhờ tự chăm sóc mà không cần điều trị y tế.
10.2. Khi nào thì tôi nên đến bệnh viện?
- Khi các triệu chứng kéo dài trên 3 tuần.
- Viêm thanh quản xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi.
- Xuất hiện các triệu chứng sốt, khó thở.
- Ho rau máu.
- Các tuyến hạch bạch huyết ở cổ bị sưng mà không có dấu hiệu nhiễm trùng.
10.3. Tiên lượng của bệnh viêm thanh quản là gì?
Viêm thanh quản cấp tính không phải do một tình trạng nghiêm trọng. Nó thường tự khỏi trong vòng 1 - 2 tuần. Tiên lượng cho viêm thanh quản mạn tính khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
10.4. Viêm thanh quản kéo dài bao lâu?
Bệnh thường chỉ kéo dài vài ngày, sau đó tự hết trong 1 tuần. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn ba tuần, đây được coi là viêm thanh quản mạn tính và tiềm ẩn các nguyên nhân nguy hiểm khác, bệnh nhân cần đến bệnh viện để điều trị.
10.5. Tôi có cần dùng kháng sinh không?
Thường là không, vì đa số các trường hợp viêm thanh quản là do virus gây ra. Thuốc kháng sinh không diệt được virus. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu nhiễm trùng thì có thể điều trị bổ sung kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh cần có sự chỉ định của bác sĩ.
10.6. Viêm thanh quản có lây không?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thanh quản là do virus nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Việc truyền nhiễm có thể được giảm thiểu hoặc phòng ngừa bằng cách che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, rửa tay thường xuyên, không dùng chung dụng cụ ăn uống, lau tay nắm cửa,...
11. Hình ảnh về viêm thanh quản
Cấu tạo thanh quản. (Ảnh: Internet)
Vị trí của thanh quản, so sánh dây thanh âm bình thường và dây thanh âm bị viêm. (Ảnh: Internet)
So sánh dây thanh âm bình thường và dây thanh âm bị xung huyết.(Ảnh: Internet)
Viêm thanh quản mãn tính làm xuất hiện hạt u xơ trên dây thanh âm. (Ảnh: Internet)
Viêm thanh quản có thể biến chứng thành ung thư thanh quản. (Ảnh: Internet)
Nguồn tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Laryngitis