pnvnonline@phunuvietnam.vn
12 sự thật không phải ai cũng biết, thấu hiểu 5 điều đủ chứng tỏ bạn trưởng thành
Thế giới vốn phức tạp, đến nỗi khiến bạn không thể tự tin tuyên bố bản thân đã trưởng thành, đủ khả năng để thấu hiểu hết những sự thật ngoài kia.
Xã hội phũ phàng, thói đời bẽ bàng. Ai cũng hiểu được điều này, nhưng đến khi vấp ngã, bị cuộc đời vùi dập thì không khỏi ngỡ ngàng, đau đớn không tin vào sự thật.
Bạn đã đủ trưởng thành để chiêm nghiệm 12 sự thật trong cuộc sống dưới đây không?
1. Ai cũng nói được câu: “Làm công nhân vệ sinh có gì xấu? Công việc nào cũng có giá trị của nó”. Nhưng nếu phải lựa chọn thì không một người nào chọn làm công nhân vệ sinh ngoài đường.
Đó chính là một sự thật trong xã hội! Nếu là bạn, bạn sẽ chọn thế nào?
2. Đời người không hề đơn giản như cách nói “vạn sự khởi đầu nan”. Mà thực thế là khởi đầu nan, quá trình gian nan và kết thúc cũng gian nan không kém.
Vì vậy, không cần khuyên nhủ người biết rõ ràng con đường đầy chông gai nhưng vẫn cố chấp tiến về phía trước. Họ không ngốc, chỉ là họ đang theo đuổi mục tiêu cao xa hơn mà thôi!
3. Trong cuộc sống, ngoài bố mẹ, người khác nguyện lòng giúp đỡ bạn là vì họ lương thiện. Nhưng nếu họ không đồng ý dang tay giúp đỡ thì đó cũng là chuyện thường tình.
Thế giới lấy lợi ích làm trung tâm này luôn như thế! Ai cũng biết nói lời hay ý đẹp, vui vẻ giúp người. Nhưng trên thực tế, trong lòng họ đã có giới hạn rõ ràng. Bạn nhờ vả họ cũng xem như dùng hết một phần trong giới hạn này. Đến khi bạn dùng hết hoàn toàn thì xem như mối quan hệ đôi bên cũng dừng lại.
Thật vậy! Giúp đỡ là chuyện nên làm, nhưng giúp quá nhiều thì lại vi phạm nguyên tắc lợi ích. Cán cân giá trị mất thăng bằng, ai cũng không muốn bản thân chịu thiệt hơn.
4. Nhiều người phạm phải một sai lầm thế này: Đó là xem ân huệ nhỏ nhoi của người lạ là đại ân đại đức, vội vã báo đáp. Nhưng lại xem công ơn của cha mẹ là điều hiển nhiên, không cần quan tâm đến.
Mặt xấu của con người cũng nằm ở vấn đề này. Một khi đã quá quen với việc nhận về thì sẽ quên đi lòng biết ơn.
5. Học tập có thể mở rộng thế giới quan, nhưng tiền bạc càng có năng lực giúp bạn làm được điều này hơn. Vậy nên, đừng bao giờ nghĩ rằng dân văn phòng trí thức giỏi giang hơn lớp người bươn chải kinh doanh bên ngoài.
6. 10 năm trước, cách đối xử của người khác với bạn phụ thuộc vào đồng lương của bố mẹ bạn. Đến 10 năm sau, thu nhập của bạn lại quyết định cách đối xử của người khác với bố mẹ.
7. Sự đau khổ của nhiều gia đình nằm ở chỗ: Con cái dùng cả thanh xuân để nghe câu xin lỗi của bố mẹ cho những lỗi lầm mà họ gây ra. Còn bố mẹ lại đợi hết đời chỉ để nghe tiếng cảm ơn từ miệng con cái.
Và trên thực tế, hiếm có ông bố bà mẹ nào nghe được câu vàng ngọc đó.
8. Nếu bạn không muốn tranh đấu với thế sự và cuộc đời này, cách tốt nhất là bạn phải sở hữu năng lực xuất chúng áp đảo. Còn không, thái độ không muốn tranh đấu với cuộc đời của bạn chỉ có thể bị người khác xem là: năng lực kém cỏi.
9. Người chủ động chọn sống cô độc, thật ra chưa chắc họ cô đơn đến cùng cực. Người cô độc thật sự lắm lúc chính là những người cố gắng hòa mình vào đám đông.
10. Một người chọn cách sống bình thường, lặng lẽ, không phải họ không có tiền đồ xán lạn, mà là chọn địa vị thấp hơn, sau đó tự thanh cao, không có ý chí cầu tiến.
Nếu có người đến quàng vai bá cổ, họ cho rằng người khác lấy lòng mình. Nếu có người xuất chúng hơn, họ lại đinh ninh rằng người khác đi đường tắt, có “ô dù” chống lưng. Họ không bao giờ thừa nhận người khác dám đấu tranh và nỗ lực hơn họ.
11. Nhiều người chỉ biết nói chuyện “đao to búa lớn”, nhưng hành động lại thấp bé đến đáng thương.
Nói phải học tập thật nhiều, cố gắng trau dồi bản thân. Sau đó mua về một tá sách, kết quả mấy tháng trôi qua, mỗi quyển sách chỉ dừng lại vài trang đầu tiên.
Nói muốn gầy để mặc đồ xinh đẹp, nhưng khi vừa nhìn thấy đồ ăn ngon thì không thể kiềm chế bản thân, miệng an ủi mình câu: “Ăn no rồi mới có sức giảm cân”.
Rất nhiều người đang sống trong tình trạng này. Chính xác hơn là thiếu ý chí và ăn nói chưa biết suy nghĩ kỹ càng.
12. Có tiền làm gì cũng đúng, không có tiền làm đúng cũng thành sai!
Trong xã hội này, có tiền cũng xem như bạn có quyền được nói. Đây cũng chính là lý do vì sao người giàu nói gì cũng có đạo lý. Một câu rõ ràng vô cùng bình thường hoặc phổ biến đến mức ai cũng biết, nhưng chỉ cần qua miệng của người giàu có thì lại được trầm trồ, tán thưởng như mở ra chân trời mới.
(Nguồn: Zhihu)