pnvnonline@phunuvietnam.vn
12 thói quen lịch sự "ghi điểm" trong mắt mọi người
1. Họ chờ chủ bữa tiệc ngồi trước song bản thân không cần thiết ngồi sau cùng
Đây là một phần của nghi thức kinh doanh mà bạn nên biết. Khi đến một bữa tiệc, hãy chờ chủ nhà của bạn ngồi vào chỗ của họ rồi bạn ổn định chỗ ngồi của mình. Nếu không có chủ bữa tiệc, bạn nên chờ người lớn tuổi nhất, vai vế cao nhất ngồi trước. Tuy nhiên, bạn cũng không cần thiết phải chờ tất cả mọi người ngồi rồi mới dám ngồi dù là thành viên nhỏ tuổi nhất. Điều này có thể gây bất tiện cho mọi người, khiến họ cảm thấy không thoải mái.
2. Họ sẵn sàng giúp đỡ nhưng không để ai biến mình thành chân sai vặt
Lịch sự có nghĩa là tôn trọng và để tôn trọng người khác, trước tiên bạn nên học cách tôn trọng chính mình. Giúp đỡ mọi người là điều tốt nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn nên biến mình thành người luôn nói "có".
Lòng tốt cần trao tới đúng người và đúng lúc. Nếu bạn không biết nói lời từ chối, luôn đồng ý cả với việc bản thân thực sự không muốn làm hoặc không thể làm, bạn có thể bị người khác lợi dụng và không coi trọng. Học cách từ chối sẽ giúp bạn tập trung năng lượng và thời gian cho những điều quan trọng hơn trong cuộc sống của mình.
3. Họ đưa ra gợi ý nhưng không bao giờ quyết định thay bạn
Điều này chủ yếu liên quan đến tình huống khi các bạn ở trong nhà hàng. Thật tuyệt khi bạn giúp đỡ một ai đó khi họ cần, đặc biệt là khi bạn rất am hiểu về nơi đó. Nhưng đừng vì vậy mà nắm quyền quyết định thay họ.
Người lịch sự hiểu rằng những gì phù hợp với bản thân chưa chắc đã phù hợp với người khác. Họ có thể giới thiệu về những món đặc biệt của nhà hàng và người cuối cùng đưa ra lựa chọn phải là người đó, không phải ai khác chọn thay.
4. Họ biết cách lắng nghe và không đưa ra lời khuyên khi không được yêu cầu
Bạn bè và đồng nghiệp có thể tìm đến bạn để chia sẻ về các vấn đề của họ nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên đưa ra lời khuyên cho họ khi họ không có nhu cầu. Việc tư vấn cho ai đó về cuộc sống của họ có thể bị coi là phán xét. Người lịch sự không bao giờ đánh giá người khác dù là về bất kể điều gì. Họ biết không ai hoàn hảo và điều họ nên làm là lắng nghe những người muốn trút bầu tâm sự, chỉ tư vấn, đưa ra lời khuyên khi được hỏi.
5. Họ khen ngợi, nhưng không khen về chủ đề nhạy cảm
Dành lời khen ngợi kỹ năng làm việc của đồng nghiệp hoặc thành tích ai đó mới đạt được chính là một trong những nguyên tắc kinh doanh ai cũng nên biết. Tuy nhiên, đừng dành cho họ những lời khen hay nhận xét về ngoại hình, cách ai đó vừa giảm/tăng cân... Không phải ai cũng sẵn sàng để nhận những lời khen đó. Nhiều người cảm thấy không thoải mái, cho rằng điều duy nhất bạn chú ý đến họ là ngoại hình. Một người lịch sự sẽ không khen ngoại hình của người khác trừ khi là mối quan hệ thân quen.
6. Họ là những chủ bữa tiệc tuyệt vời và sẽ không dọn bàn quá sớm
Đây là điều mà rất nhiều người trong số chúng ta mắc phải. Bạn nghĩ rằng dọn dẹp bát đĩa bẩn để bàn trông sạch sẽ hơn khi người khác đang ăn là phép lịch sự song sự thật không phải vậy. Theo các chuyên gia về phép xã giao, thói quen này có thể khiến những người còn lại trong bữa tiệc cảm thấy bối rối. Họ dễ nảy sinh suy nghĩ rằng bạn đang muốn mời khách rời đi nhanh chóng.
Tốt hơn hết, bạn nên đợi cho đến khi khách ăn xong. Đây là điều mà các nhân viên phục vụ cũng nên lưu ý.
7. Họ giỏi giao tiếp nhưng sẽ không gật bừa khi không nghe thấy
Thật tuyệt khi bạn học được cách giữ cho cuộc trò chuyện vui vẻ và hấp dẫn, đặc biệt là khi đang tham gia các sự kiện kết nối. Tuy nhiên, dù trong môi trường ồn ào và đông đúc đến đâu, bạn cũng không nên giả vờ như mình nghe thấy đối phương nói trong khi sự thật không phải vậy. Ngay cả khi người đối diện dường như không nhận ra, bạn cũng không nên làm điều đó.
Chúng ta có thể đang cố gắng thể hiện sự lịch thiệp của mình nhưng theo các chuyên gia giao tiếp thì việc gật bừa như vậy là không nên. Sẽ tốt hơn khi bạn hỏi lại những gì mình không nghe thấy. Chính điều đó mới thể hiện sự quan tâm, lắng nghe của bạn với người đối diện.
8. Họ không đến dự tiệc muộn và cũng không đến quá sớm
Đến muộn chắc chắn là điều không nên, nhưng bạn có nghĩ đến thật sớm chính là cách thể hiện phép lịch sự? Sự thật là việc đến một bữa tiệc quá sớm khi chủ nhà không nhờ lại là điều không được lịch sự. Bạn xuất phát từ mục đích tốt nhưng việc này có thể khiến chủ nhà bối rối vì nằm ngoài kế hoạch. Họ chưa sẵn sàng để đón tiếp bạn và điều này có thể khiến tình huống trở nên khó xử.
9. Họ cởi mở, dễ bắt chuyện nhưng không chia sẻ những điều quá cá nhân
Trò chuyện vui vẻ, hòa đồng với những người bạn mới gặp, đồng nghiệp mới quen thể hiện sự thân thiện và cởi mở. Tuy nhiên, đừng biến những câu chuyện đó trở nên quá cá nhân. Nó có thể phản tác dụng, khiến mọi người cảm thấy thiếu tin tưởng bạn.
Một người lịch sự phải là bậc thầy về những cuộc trò chuyện nhỏ. Người khôn ngoan, khéo léo luôn biết cách bắt đầu câu chuyện, để người khác có thể cởi mở chia sẻ mà không đi quá sâu vào chi tiết cuộc sống cá nhân.
10. Họ thân thiện nhưng họ không tuỳ ý động chạm, ôm hoặc ngồi quá gần
Bạn có thể nghĩ rằng việc vỗ vào vai hay chạm tay thể hiện sự thân thiện và lịch sự song sự thật không phải vậy. Những người lịch sự luôn biết chờ đợi tín hiệu từ đối phương thay vì chạm vào người khác một cách tuỳ ý. Nhiều người cảm thấy không thoải mái khi bị người lạ chạm vào.
Hãy nhớ giữ khoảng cách lịch sự với đồng nghiệp và đối tác của bạn là khoảng một sải tay. Mọi sự động chạm đều cần được đối phương đồng ý.
11. Họ duy trì giao tiếp bằng mắt, nhưng không nhìn chằm chằm
Duy trì giao tiếp bằng mắt là thông điệp phi ngôn ngữ lịch sự nhất mà bạn có thể gửi tới mọi người. Việc trốn tránh giao tiếp bằng mắt dễ khiến bạn trông thiếu tin cậy, như đang giấu điều gì.
Tuy nhiên, nếu ai đó thậm chí không liếc nhìn bạn thì việc cố gắng giao tiếp bằng mắt với họ sẽ giống như bạn đang nhìn chằm chằm. Và điều này dĩ nhiên sẽ biến bạn trở nên không lịch sự trong mắt mọi người.
12. Họ giữ cửa cho người sau, nhưng không làm quá lên
Việc đóng sầm cửa khi có người khác đang đi phía sau là khá thô lỗ. Đó cũng là lý do chúng ta nên giữ cửa cho người ở phía sau và đó là phép lịch sự ai cũng nên có.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn luôn cần đứng giữ cửa cho người ở sau, quan trọng là khoảng cách giữa bạn và người đó. Nếu người đó ở ngay sau bạn, đừng đóng sầm cửa; nếu người đó ở cách rất xa, đừng đứng một chỗ để chờ cửa.