pnvnonline@phunuvietnam.vn
12 thực phẩm bổ tới mấy mà cho vào lò vi sóng cũng thành "độc dược", đừng dại mà thử
Lò vi sóng có thể là đồ gia dụng vô cùng hữu ích. Chúng hâm nóng thức ăn, đồ uống và thậm chí có thể nấu một số thứ nếu bạn biết cách làm.
Tuy nhiên, có một số thứ mà bạn không bao giờ nên cho vào lò vi sóng. Bạn có thể đã nghe nói về các đồ đựng thực phẩm có thể bị cháy, tan chảy hoặc tạo ra chất độc có hại. Tuy nhiên, có thể bạn chưa bao giờ nghĩ đến có những thực phẩm không nên cho vào lò vi sóng.
Một số loại thực phẩm mà bạn có thể thường xuyên cho vào lò vi sóng thực sự không nên cho vào vì có thể sinh độc tố, gây nổ, bỏng. Dưới đây là những loại thực phẩm không nên cho vào lò vi sóng.
1. Trứng còn vỏ
Bạn đừng bao giờ có ý nghĩ luộc trứng bằng lò vi sóng, nó thực sự rất nguy hiểm. Theo HuffPost, nhiệt độ cao trong lò vi sóng tạo ra hơi nước bên trong quả trứng, khi áp suất tăng lên, có thể khiến quả trứng nổ, gây nguy hiểm.
2. Ớt
Theo The Daily Meal, capsaicin trong ớt (là hợp chất trong ớt quyết định độ cay của ớt) bốc hơi khi gặp nhiệt độ cao bên trong lò vi sóng. Khi capsaicin tiếp xúc với sóng điện từ trong lò vi sóng, chúng sẽ bắt đầu bốc khói và bắt lửa ngay lập tức. Lửa và khói từ ớt khô tỏa ra từ đây có thể gây kích ứng da và tạo cảm giác bỏng rát nếu bạn hít phải.
3. Sữa mẹ
Nhiều bà mẹ cho con bú hút sữa và trữ đông sữa mẹ để có thể để dành khi cần, rã đông và sau đó đưa cho em bé. Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn thận cách thức chính xác của việc rã đông và hâm nóng sữa mẹ đông lạnh. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), sữa mẹ cho vào lò vi sóng có thể làm nóng không đều, tạo ra các điểm nóng có thể làm bỏng vòm họng nhạy cảm của bé.
4. Một cốc nước
Làm nóng một cốc nước để pha trà nóng hoặc một mục đích khác có vẻ giống như một cách sử dụng bình thường cho lò vi sóng của bạn. Nó tiện lợi và nhanh chóng hơn ấm đun nước, đặc biệt nếu bạn không có ấm điện. Theo The Daily Meal, khi bạn đun một cốc nước trong lò vi sóng, nó có thể quá nóng mà không sôi. Sau đó, khi bạn thêm một túi trà hoặc khuấy chất lỏng trong cốc, nó sôi nhanh chóng cùng một lúc, có thể khiến nó bị tràn hoặc phát nổ, gây bỏng nặng.
5. Thịt chế biến
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food Control , việc nướng thịt đã qua xử lý bằng lò vi sóng (thường chứa đầy chất bảo quản và những thứ tương tự) có thể dẫn đến sự hình thành các sản phẩm oxy hóa cholesterol (COP), trước đây có liên quan đến bệnh tim mạch vành, theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ năm 2016.
6. Rau lá xanh
Rau xanh có một chút nguy hiểm trong lò vi sóng. Theo báo cáo của NPR, cải xoăn và các loại rau khác có thể phát ra tia lửa khi cho vào lò vi sóng, có khả năng phá hủy thiết bị và làm hỏng bữa tối của bạn. Trong một cuộc phỏng vấn với NPR, Mark Golkowski, phó giáo sư kỹ thuật điện tại Đại học Colorado, Denver, cho biết nếu có sự khác biệt về đặc tính điện và một số không khí để bắt tia lửa, có thể rau sẽ phát ra tia lửa.
7. Dầu
Dầu để nấu ăn, như ô liu, hạt nho, hạt cải dầu, bơ, đậu phộng và những loại dầu khác, không phải là chất lỏng, chúng là chất béo. Theo Prevention, việc đun nóng một loại dầu như dầu ô liu, cho dù để nấu ăn hay làm sản phẩm làm đẹp, không nhất thiết gây nguy hiểm như một số sản phẩm khác gây ra bằng lò vi sóng, nhưng nó chỉ đơn giản không phải là cách làm hiệu quả. Bởi vì không có bất kỳ chất lỏng nào trong dầu ô liu để đun nóng, nó có thể sẽ không ấm lên như bạn mong muốn.
8. Gạo chưa nấu chín
Gạo có thể là một thứ lạ không bao giờ được cho vào lò vi sóng, nhưng theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh, gạo có thể chứa các bào tử của vi khuẩn nguy hiểm tiềm tàng. Lò vi sóng sẽ không đủ để tiêu diệt những bào tử đó, khiến bạn dễ bị ngộ độc thực phẩm.
9. Thịt đông lạnh
Chắc chắn ai cũng đã từng nhận ra rằng họ quên lấy thịt ra khỏi tủ đông để rã đông cho bữa tối và quyết định thử dùng lò vi sóng để rã đông nhanh chóng. Tuy nhiên, theo Reader's Digest, việc chế biến thịt đông lạnh bằng lò vi sóng một cách an toàn có thể hơi phức tạp. Nếu nhiệt không được phân bổ đồng đều, bạn có thể tạo ra các điểm nóng và các điểm vẫn đóng băng, và sự phát triển của vi khuẩn nguy hiểm.
10. Bông cải xanh
Ở hầu hết các hộ gia đình, bông cải xanh được quay thường xuyên trong lò vi sóng, nhưng theo một nghiên cứu năm 2003 được công bố trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm và Nông nghiệp, điều đó thực sự không nên. Khi so sánh với các phương pháp nấu súp lơ xanh phổ biến khác, việc nấu bằng lò vi sóng sẽ phá hủy nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe mà bạn thường nhận được từ việc ăn những cây xanh nhỏ bé đó. Chọn hấp bông cải xanh trước khi ăn để giữ tất cả các chất dinh dưỡng.
11. Khoai tây thừa
Hâm nóng thức ăn thừa là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng bạn phải cẩn thận khi làm như vậy. Bạn phải đặc biệt cẩn thận về cách hâm nóng khoai tây còn thừa. Nếu bạn để chúng nguội hẳn trước khi cất vào tủ lạnh và sau đó hâm nóng chúng trong lò vi sóng, có thể việc chúng để ở nhiệt độ phòng đã khuyến khích vi khuẩn gây ngộ độc phát triển. Lò vi sóng không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn, có nghĩa là nếu bạn ăn những củ khoai tây đó, bạn có thể khiến mình bị ốm nặng.
12. Bất cứ thứ gì đã được hâm nóng lại vài lần trước đó
Một điều mà bạn chắc chắn không bao giờ nên cho vào lò vi sóng là bất cứ thứ gì đã được hâm nóng lại một vài lần trước đó. Theo Ask Karen của FDA, thức ăn thừa có thể ở trong tủ lạnh đến bốn ngày, nhưng mỗi khi bạn hâm nóng và làm lạnh thực phẩm đó, bạn đang giảm chất lượng của nó dần dần. Hâm nóng lại một vài lần hoặc để trong tủ lạnh vài ngày đều không tốt.
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Vương quốc Anh nói rằng bạn chỉ nên cho vào lò vi sóng một thứ gì đó một lần và bạn cần đặc biệt cẩn thận với những thứ cho vào lò vi sóng như nước sốt làm từ kem và sữa, thịt nấu chín và thịt hầm.