12 tuổi mang thai, nguy hiểm cả mẹ và bé

12/10/2016 - 12:30
Trước thông tin về trường hợp thai phụ 12 tuổi nghi là người Việt Nam, bị bán sang Trung Quốc, nhiều chuyên gia sản khoa cho rằng, mang thai ở độ tuổi này, dễ nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
BS Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Thái Hà, Hà Nội) phân tích, ở lứa tuổi này, cơ thể của bé chưa phát triển hoàn thiện. Có 2 vấn đề lớn sẽ xảy ra khi mang thai ở lứa tuổi trên. Đó là cơ thể chưa phát triển toàn diện, cơ, xương còn chưa hoàn thiện, việc mang thai chắc chắn ảnh hưởng tới sức khỏe cả mẹ và con. Khi thai lớn lên, cơ thể người mẹ quá nhỏ sẽ khó giữ được thai. Nếu giữ được thai, việc sinh nở cũng rất khó khăn và nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Hơn nữa, nhiều trẻ ở lứa tuổi 12, bố mẹ còn phải chăm sóc từng bữa cơm, giấc ngủ, giờ đây làm mẹ chắc chắn trẻ chưa có ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và thai nhi, cũng như đứa con sau này.
thai.jpg
Hình ảnh siêu âm thai của bé gái 12 tuổi người Việt Nam nghi bị bán sang Trung Quốc
“Không ít trường hợp các bà mẹ đưa con đến viện để khám phụ khoa vì nghĩ con bị rối loạn kinh nguyệt nên chậm kinh, bị u nên bụng to nhưng sau đó, bác sĩ đã chuyển thẳng bệnh nhân sang khoa sản vì nghi ngờ có thai. Có em chỉ 13-14 tuổi nhưng đã mang thai 19-20 tuần tuổi mà mẹ không biết. Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên ngày càng sớm. Các trường hợp 12-13 tuổi có thai không còn hiếm, cá biệt có em chỉ mới 11 tuổi", BS Lê Thị Kim Dung cho hay.

BS Nguyễn Thu Giang, Phó Giám đốc Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cũng khẳng định: Mang thai sớm là những trường hợp phụ nữ mang thai trước 18 tuổi. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định tuổi kết hôn là 18 tuổi đối với nữ và 20 tuổi đối với nam. Chỉ khi đến độ tuổi này thì việc lập gia đình, mang thai, sinh con mới là hợp pháp.

Hậu quả của việc mang thai sớm ở lứa tuổi vị thành niên có thể nhìn thấy rất rõ. Khi mang thai ở tuổi vị thành niên dễ dẫn đến các biến chứng do thai nghén như: Dễ bị sảy thai, đẻ non, nhiễm độc thai nghén, tăng nguy cơ tử vong mẹ. Làm mẹ quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển dễ bị chết lưu hoặc trẻ thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao; đẻ khó do khung chậu chưa phát triển đầy đủ, dễ phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật. Tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong của trẻ sơ sinh ở người mẹ nhỏ tuổi cao hơn nhiều so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành.

Ngoài ra, theo BS Giang làm mẹ sớm dễ bị căng thẳng, khủng hoảng tâm lý, tổn thương tình cảm và thiếu điều kiện tốt trong cuộc sống. Một số bạn gái có thể rất chán nản và cảm thấy bị cách biệt với gia đình và bạn bè.

Báo cáo của BV Phụ sản TƯ cho thấy, thực trạng phá thai to ở vị thành niên chiếm hơn 10% trong tổng số ca phá thai tại BV; các trường hợp phá thai to trên gặp nhiều nhất ở đối tượng học sinh, sinh viên. 

Theo đánh giá của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tai biến từ mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em gái ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Không chỉ đơn thuần là vấn đề về sức khỏe, mang thai ở tuổi vị thành niên khiến các em rút ngắn cơ hội học hành, đánh mất hoặc hạn chế sự lựa chọn trong cuộc sống hay; tăng nguy cơ đói nghèo...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm