pnvnonline@phunuvietnam.vn
15 phút phẫu thuật cứu sống sản phụ mắc 2 bệnh tim bẩm sinh nguy kịch
Sản phụ là chị H.T.B.T. (23 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng thai 36 tuần, chuyển dạ sanh, khó thở, hồi hộp.
Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân bị tim bẩm sinh từ nhỏ. Từ năm 12 tuổi, vì không còn triệu chứng mệt, khó thở nên gia đình không đi khám. Trong thời gian mang thai, thỉnh thoảng lên cơn mệt, khó thở nhưng sản phụ không có thăm khám tư vấn về bệnh tim.
Sau thăm khám, sản phụ được chẩn đoán con so, thông liên thất - thông liên nhĩ kích thước lớn, hở van 3 lá, tăng áp phổi rất nặng. Xác định đây là trường hợp nặng có nguy cơ tử vong trong và sau mổ cao nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn bệnh viện với nhiều chuyên khoa. Sản phụ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công sau 15 phút, đón bé gái chào đời cân nặng 2,4kg. Hiện tại, sản phụ đã tỉnh, đang được theo dõi và điều trị tốt. Khi tình trạng sản phụ ổn định sẽ tiếp tục hội chẩn để phẫu thuật tim.
BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh lý tim mạch gặp ở 0.4-2% các trường hợp có thai. Trong đó, bệnh lý tim bẩm sinh chiếm 75-82%.
Nguy cơ biến chứng cho mẹ ở bệnh nhân tim bẩm sinh khoảng 12% (bao gồm các rối loạn nhịp tim, suy tim, tử vong), với tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, thai chậm phát triển, trẻ thiếu tháng và tử vong con sau sinh khoảng 4%. Nguy cơ càng cao ở các thai phụ có tổn thương bẩm sinh của tim phức tạp, chức năng thất trái giảm nặng.
Theo bác sĩ Phong, nếu như phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh, thai phụ sẽ được bác sĩ đánh giá nguy cơ dự đoán của thai kì và khả năng mang thai. Từ đó tùy từng trường hợp cụ thể sẽ được lên lịch theo dõi và làm xét nghiệm riêng biệt.
Những phụ nữ mắc bệnh tim trong thai kỳ, cần được bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa theo dõi chặt chẽ sức khỏe trong suốt quá trình mang thai.