151 chợ truyền thống tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do Covid-19

Đình Hưng
09/07/2021 - 20:41
151 chợ truyền thống tại TPHCM tạm ngưng hoạt động do Covid-19

Hơn 50% chợ truyền thống tại TPHCM phải tạm ngưng hoạt động - Ảnh: Thanh Hương

Có 151 chợ truyền thống, chiếm hơn 50% số chợ trên địa bàn thành phố phải tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại cuộc họp báo thông tin về các nội dung liên quan đến việc giãn cách toàn THCM  theo Chỉ thị 16, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, trong sáng ngày 9/7 vẫn còn một số khu vực có lượng người mua sắm tương đối đông. Tuy nhiên, lượng hàng được các đơn vị chuẩn bị nhiều, dồi dào. Sau đó, lượng khách vắng dần, không còn trình trạng chen lấn khi mua sắm.

Theo ông Phương, hiện đã có 151 chợ truyền thống (chiếm hơn 50 số chợ trên địa bàn thành phố) phải tạm ngưng hoạt động. Việc này đã ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt là đối với người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; thường phải mua thực phẩm hằng ngày, không có khả năng dự trữ.

Sở Công thương đã hướng dẫn các quận huyện tập trung rà soát lại các chợ đóng cửa, nếu chợ nào chưa đáp ứng được công tác phòng chống dịch sẽ cùng sở tìm cách khắc phục để hoạt động trở lại. Hạn chế tình trạng tiếp tục đóng cửa chợ, trong trường hợp cảm thấy có nguy cơ tạm ngưng thì thông tin để cùng sở đánh giá, nếu còn khả năng khắc phục sẽ tiếp tục hoạt động.

Theo ông Phương, về việc cung ứng nguồn hàng cho người dân trong khu vực có nhiều chợ truyền thống đóng cửa. Sở Công thương phối hợp với địa phương tổ chức lực lượng tiếp nhận và cung ứng hàng hóa do các doanh nghiệp bình ổn thị trường cung cấp. Có thể huy động Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc các tiểu thương đang tạm ngưng kinh doanh để nhận hàng hóa về phân phối cho người dân.

Hơn 50% chợ truyền thống tại TPHCM tạm ngưng hoạt động - Ảnh 1.

Có 151 chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã phải tạm ngưng hoạt động - Ảnh: Minh Tuấn

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng quy định trong trường hợp các quận huyện nhận thấy cần thiết phải đóng cửa chợ, bắt buộc phải rà soát, tìm kiếm mặt bằng khu vực quanh chợ, giới thiệu với sở để điều phối các doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động tại khu vực này.

Địa phương có trách nhiệm thông tin giờ bán, các loại mặt hàng, giá cả… đến người dân để mua sắm. Người dân khi đến điểm mua bán này chỉ lấy hàng đưa về vì giá bán đồng giá, để hạn chế việc tiếp xúc đáp ứng phòng chống dịch bệnh.

Liên quan đến việc giá hàng hóa tăng, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho giá hàng hóa tăng tại chợ, trong đó có việc điều chỉnh giá xăng dầu, đóng cửa chợ đầu mối… Trong khi đó, đối với các hệ thống phân phối hiện đại việc quản lý giá cả được thực hiện tốt, hàng hóa được cung cấp liên tục, thường xuyên.

Sở Công thương cùng với Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường đi kiểm tra, rà soát các chợ truyền thống. Nếu xảy ra tình trạng lợi dụng để nâng giá bán sẽ có xử lý.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm